(Tổ Quốc) - Theo ghi nhận của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 229 ca mắc bệnh sởi, riêng TP.Hà Nội là 45 ca. Đặc biệt là trong 2 tháng gần đây, số ca mắc bệnh sởi trên địa bàn Hà Nội đang có dấu hiệu tăng nhẹ.
Đã có trường hợp tử vong
Theo ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, sởi là bệnh lưu hành ở nhiều địa phương trong đó có Hà Nội. Số mắc vẫn rải rác quanh năm tuy nhiên số mắc tăng cao trong những tháng Đông Xuân. Thời gian qua, thời tiết bắt đầu lạnh chính vì vậy số ca mắc bệnh sởi tăng nhanh là theo đúng chu kỳ.
Ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội. |
Ông Cảm cho biết, dịch sởi ở Hà Nội cao nhất là vào năm 2014, theo số liệu thống kê thì có đến 1.741 trường hợp bị mắc trong đó có đến 14 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, đến năm 2015 và 2016 thì dịch bệnh này được kiểm soát hoàn toàn, cả 2 năm này chỉ có 42 trường hợp bị mắc và không có trường hợp nào tử vong.
Riêng 10 tháng của năm 2017, trên địa bàn Hà Nội có 45 trường hợp mắc bệnh sởi rải rác ở 21 quận, huyện. Trong đó, có một trường hợp đã tử vong do mắc bệnh Sởi. Số ca mắc bệnh sởi trong tháng 9, 10 có dấu hiệu tăng nhẹ. Theo ước tính, trung bình mỗi có khoảng 4 - 5 trường hợp phải nhập viện vì mắc sởi.
Đối với trường hợp cháu bé ở huyện Đan Phượng (Hà Nội) tử vong vừa qua nghi bị sởi, ông Cảm cho hay, cháu bé bị bệnh lạnh tinh hoàn, đi mổ ở Bệnh viện Nhi Trung ương sau đó bị mắc sởi. Tuy nhiên, cũng chưa thể xác định được là cháu bé mắc sởi ở đâu.
Nguy cơ bùng phát dịch
Cũng theo ông Nguyễn Nhật Cảm, sởi là bệnh do vi rút, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên hoàn toàn có nguy cơ bị tử vong. Bệnh sởi không phải bệnh nặng nhưng biến chứng của nó thì cực kỳ nguy hiểm. Ví dụ như biến chứng viêm phổi, viêm não, suy dinh dưỡng, tiêu chảy...Đối với bệnh sởi thì phải tiêm đúng 2 mũi, một mũi 9 tháng và một mũi 18 tháng, nếu tiêm muộn có thể bị mắc bệnh.
Tiêm chủng theo định kỳ là giải pháp phòng bệnh sởi tốt nhất. |
Mặc dù, trên địa bàn Hà Nội số trẻ được tiêm chủng đạt khá cao, đạt 95 - 97%, có những năm lên tới 99%. Tuy nhiên, số trẻ em tại Hà Nội là rất lớn, có khoảng 150 ngàn trẻ phải tiêm chủng mỗi năm, chỉ cần 4% trong số này không được tiêm thì con số này đã lên tới 6 - 7 ngàn trẻ.
Ông Cảm băn khoăn, qua nhiều năm tích lũy lại con số này đã lên đến hàng chục ngàn trẻ, số trẻ này hoàn toàn có nguy cơ mắc bệnh sởi nếu tiếp xúc với những trẻ đang bị sởi. Theo thống kê, trong 5 năm trở lại đây thì số trẻ trên địa bàn Hà Nội chưa được tiêm sởi là 32.634. Đây là nguy cơ dịch sởi có thể bùng phát tại Thủ đô.
Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội khuyến cáo, đối với những trẻ chưa tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ thì cha mẹ cần đưa đến các cơ sở để tiêm ngay. Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội tổ chức 584 điểm tiêm chủng theo định kỳ 1 tháng 2 lần và đang chuyển dần sang tiêm 1 tuần/1 lần để tăng cơ hội của tiêm chủng.
Ngoài ra, ngành Y tế Hà Nội cũng đã phối hợp với ngành Giáo dục nhằm thông báo sớm những trẻ bị bệnh để cách ly, tránh lây lan tạo thành ổ dịch.
Thế Công