(Tổ Quốc) -Chiều 17/10, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Trần Thanh Nhã tại giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội đã thông tin về phát ngôn “vỡ đê có kế hoạch” gây dư luận trái chiều những ngày qua.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 13/10, ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, cho biết: "Dân nhìn vào nói vỡ, chúng ta có thể nói là có vỡ, nhưng vỡ có kế hoạch, vỡ nằm ở trong khu thoát lũ chứ không phải bất ngờ".
Phát ngôn này của ông Thịnh ngay lập tức gây xôn xao dư luận.
Trả lời các câu hỏi xung quanh phát ngôn “vỡ có kế hoạch” của ông Đỗ Đức Thịnh, ông Nhã khẳng định bản chất sự cố là “bục đê”. Trong thuật ngữ chuyên ngành nông nghiệp không có cụm từ ‘vỡ có kế hoạch’.
Đoạn đê bị nước tràn sau đó dẫn tới vỡ. Ảnh: Nam Nguyễn |
“Sự cố vừa rồi ở đoạn đê bao hữu Bùi (đê Bùi 2), huyện Chương Mỹ có thể coi là vỡ đê, song thực chất là nước tràn bờ đê bao, gây xói mòn một đoạn đê và đã được hàn khẩu trong thời gian ngắn nhất có thể”- ông Nhã nói.
Về phát ngôn của ông Đỗ Đức Thịnh, ông Nhã cho biết, trong nghề không có khái niệm này và có thể đây là phát ngôn trong ngữ cảnh nào đó của ông Thịnh.
Ông Nhã cũng cho biết, ông nghe nói UBDN TP đã yêu cầu ông Thịnh kiểm điểm rút kinh nghiệm sau phát ngôn “vỡ đê có kế hoạch”. Mặc dù vậy, ông cũng chưa gặp được ông Thịnh những ngày qua vì tất cả các thành viên đều phải tới từng khu vực đê trọng yếu trên địa bàn để kiểm tra.
Trả lời câu hỏi về việc vỡ đê không lường trước được, đại diện Sở NNPTNT nói do “diễn biến phức tạp của hiện tượng thay đổi thời tiết” nên dự báo lượng mưa là rất khó.
Báo chí chiều 17/10 cũng đặt vấn đề, tại sao đơn vị thi công không gia cố thân đê theo dự án mà chỉ rải bê tông trên bề mặt của đê, ông Nhã cho hay, đây là đê đất, mặt trên đường rải bê tông để tiện cho người dân đi lại, sinh hoạt thân đê chưa được gia cố nên không ai dám khẳng định chỗ nào sẽ bục.
Vượt mức nước thiết kế là đê sẽ tràn, nước xoáy qua xoáy lại nên những chỗ ở chân đê yếu sẽ bục ra. Quan trọng là người dân đã được thông báo kịp thời và không có thiệt hại về người.
Từ ngày 9 đến 13/10, lượng mưa bình quân trên toàn thành phố là 170 mm, cá biệt ở Mỹ Đức có điểm đo được mưa tới 480 mm, cộng thêm việc thủy điện Hòa Bình xả lũ khiến cùng lúc lượng nước thoát ra sông Hồng quá lớn.
Ông Nhã cho hay, đê Bùi 2 là đê đất, chỉ có tác dụng ngăn lũ rừng ngang. Trong thiết kế, nó được phép cho tràn khi lượng nước đổ về quá lớn và đây cũng là vùng chậm lũ, được quy hoạch để giải cứu Hà Nội. Đoạn đê dài hơn 10 km nhưng đoạn bị vỡ chỉ 7m, trong bối cảnh mực nước cao hơn mặt đê khoảng 60 cm.
Đê Hữu Bùi dài 12 km đi qua nhiều xã của huyện Chương Mỹ, được đầu tư 120 tỷ đồng. Đoạn đê gặp sự cố dài khoảng 3 km nối hai xã Hoàng Văn Thụ và Tân Tiến. Sự cố nước tràn đê hôm 12/10 là lần đầu tiên xảy ra trong 10 năm qua khiến khoảng 1 vạn dân tại 2 xã của Chương Mỹ và 1 xã của Mỹ Đức phải di dời.
Dự kiến, trong 10 ngày tới, nước mới rút và Hà Nội dự tính phải dùng 8 máy bơm để bơm nước ra. Học sinh tại 3 xã trên đang phải nghỉ học./.
Thái Linh