• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hà Nội phải lấy các yếu tố văn hóa, văn hiến, văn minh, hiện đại như là triết lý phát triển

Thời sự 06/03/2024 08:53

(Tổ Quốc) - Chiều 5/3, Đảng đoàn Quốc hội đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Bảo đảm tính thứ bậc

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ mục tiêu của buổi làm việc cũng là nhằm thúc đẩy việc chuẩn bị để trình Quốc hội cho ý kiến; các cơ quan của Quốc hội cùng các cơ quan hữu quan phối hợp từ sớm, từ xa để chuẩn bị tốt nhất cho việc trình Quốc hội.

Hà Nội phải lấy các yếu tố văn hóa, văn hiến, văn minh, hiện đại như là triết lý phát triển - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại buổi làm việc

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, về cách làm, Quy hoạch Thủ đô và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô được xem xét đồng thời, nhưng về nguyên tắc vẫn phải bảo đảm tính thứ bậc giữa Quy hoạch Thủ đô và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, giữa Quy hoạch Thủ đô, Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng, các Quy hoạch ngành quốc gia...

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, cần rà soát kỹ lưỡng các cơ sở xây dựng Quy hoạch chung Thủ đô và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, nhất là các cơ sở về dân số, lao động, việc làm, dân số vãng lai, số lượng sinh viên, lực lượng vũ trang, khách du lịch... bảo đảm sát thực với hiện trạng và dự báo phát triển trong tương lai, phải "khớp" cả hai Quy hoạch này cho từng giai đoạn.

Quy hoạch chung Thủ đô và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô phải cụ thể hóa được các quan điểm, chủ trương tại các Nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết số 15-NQ/TW về phát triển Thủ đô và Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 bằng ngôn ngữ quy hoạch để triển khai thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh ngôn ngữ quy hoạch phải thể hiện một cách cụ thể về tổ chức không gian và kịch bản phát triển để thực hiện các quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong các nghị quyết, có như vậy mới bảo đảm ý nghĩa thực sự của quy hoạch.

Cùng với đó, cần làm rõ hơn nữa sự cần thiết điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô bởi chức năng, vị trí của Thủ đô được xác định tại Nghị quyết số 15-NQ/TW và Nghị quyết số 30-NQ/TW đã khác so với trước đây; khắc phục những bất cập hiện hữu, cập nhật những xu thế phát triển đô thị trong kỉ nguyên công nghệ.

Đồng thời, nhấn mạnh tư duy mới trong làm quy hoạch và thực hiện quy hoạch đô thị, mô hình và giải pháp công nghệ trong phát triển đô thị là nội dung cần làm rõ nét hơn.

Hà Nội phải lấy các yếu tố văn hóa, văn hiến, văn minh, hiện đại như là triết lý phát triển

Theo quy định tại khoản 2 Điều 34 của Luật Quy hoạch và quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật Thủ đô, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Thủ đô) và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô) thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ sau khi có ý kiến của Quốc hội.

Hà Nội phải lấy các yếu tố văn hóa, văn hiến, văn minh, hiện đại như là triết lý phát triển - Ảnh 2.

Quang cảnh buổi làm việc.

Hiện nay, Hồ sơ của Quy hoạch chung Thủ đô và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đang được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan hoàn thiện theo quy định của Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị.

Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị đã xác định phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần "Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước". Để thực hiện mục tiêu đặt ra, toàn bộ nội dung, phương hướng quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội phải lấy các yếu tố văn hóa, văn hiến, văn minh, hiện đại của Thăng long - Hà Nội như là triết lý phát triển.

Trên cơ sở đó, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định rõ 5 quan điểm phát triển, trong đó, Hà Nội phát triển dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhanh, bền vững, bao trùm, trở thành cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt, là hình mẫu và lan tỏa, thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng động lực phía Bắc và cả nước; xây dựng Hà Nội thực sự là Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", giàu về kinh tế, đẹp về cảnh quan, ngang tầm với thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới.

Phát huy nhân tố con người, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, nguồn lực, động lực và mục tiêu của phát triển; lấy mục tiêu đáp ứng yêu cầu của quảng đại nhân dân trên nguyên tắc đa số đồng thuận.

Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, kết hợp khai thác hợp lý, có hiệu quả những lợi thế đặc thù của thiên nhiên; phát triển bền vững trên nguyên tắc "thuận thiên" và tuân thủ các quy luật thị trường; lấy tiêu chí phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kiểm soát chất lượng môi trường hướng đến mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng "0" làm tiêu chuẩn phát triển...

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã cụ thể hóa mục tiêu phát triển bằng các chiến lược phát triển; xác định cụ thể các nội dung trọng tâm kế thừa, điều chỉnh và đề xuất mới; bảo đảm thống nhất và đồng bộ với nghiên cứu của Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Có cơ chế tài chính đặc thù đối với các công trình hạ tầng văn hoá, xã hội trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Cũng tại buổi làm việc, để chuẩn bị cho phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kỳ họp thứ 7, Đảng đoàn Quốc hội với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội để nghe báo cáo về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Tại cuộc làm việc, Đảng Đoàn Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo một số nội dung lớn trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và các nội dung xin ý kiến Đảng Đoàn Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, căn cứ quan điểm sửa đổi Luật và tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quá trình thẩm tra, cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan thống nhất quan điểm và nguyên tắc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Một là, Luật Thủ đô (sửa đổi) cần tập trung quy định các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ, triệt để cho chính quyền thành phố Hà Nội nhưng cũng là giao trách nhiệm lớn cho chính quyền Thủ đô trong xây dựng, quản lý, bảo vệ và phát triển Thủ đô.

Hai là, nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan thẩm tra, các chuyên gia, nhà khoa học; những nội dung không tiếp thu phải được giải trình thuyết phục, có cơ sở, bảo đảm mọi ý kiến của các vị đại biểu đều được nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ, thuyết phục.

Ba là, nội dung tiếp thu, chỉnh lý phải phù hợp với các quan điểm chỉ đạo trong các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị và quy định của Hiến pháp; bám sát 09 nhóm chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội quyết định khi đề nghị bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 08 chương và 57 điều (tăng 01 chương về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, giảm 02 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội).

Trong đó, đã bổ sung, chỉnh lý nhiều nội dung thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ, rõ phạm vi, rõ trách nhiệm hơn cho thành phố Hà Nội; thể chế hóa kịp thời các chỉ đạo, kết luận của Bộ Chính trị về rà soát, hoàn thiện pháp luật liên quan đến công tác quy hoạch, đối tác công tư, mô hình đầu tư công - quản trị tư, đầu tư tư - sử dụng công, có cơ chế tài chính đặc thù đối với các công trình hạ tầng văn hoá, xã hội; xây dựng cơ chế đặc thù ngân sách nhà nước trong việc huy động nguồn lực phát triển Thủ đô.




Bảo Trân

NỔI BẬT TRANG CHỦ