• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hà Nội: Quy mô và tốc độ phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng

Thời sự 25/07/2018 15:24

Trong 10 năm qua, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thành phố tăng bình quân 7,41%/năm, trong đó, dịch vụ tăng 7,52%/năm, công nghiệp - xây dựng tăng 8,17%, nông nghiệp tăng 2,68%.

Hình minh họa: Một góc của TP Hà Nội: Nguồn Thời báo Tài chính

10 năm (2008-2018) sau khi thực hiện hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thành phố tăng bình quân 7,41%/năm, trong đó, dịch vụ tăng 7,52%/năm, công nghiệp - xây dựng tăng 8,17%, nông nghiệp tăng 2,68%. Quy mô (GRDP) năm 2017 (theo giá cố định 2010) đạt 519.568 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với năm 2008; GRDP bình quân đầu người năm 2017 đạt 86 triệu đồng (3.910 USD/người), gấp 2,3 lần so với năm 2008 (1.697 USD). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực (dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp), trong đó, tại thời điểm 31/12/2017, dịch vụ chiếm 57,6%; công nghiệp, xây dựng chiếm 29,7%, nông nghiệp chiếm 2,9% (cơ cấu kinh tế năm 2008 tương ứng là 56,6% - 28,7% - 4,3%).

Lĩnh vực thương mại tiếp tục được chú trọng phát triển, năm 2017, kim ngạnh xuất khẩu đạt 11,78 tỷ USD (gấp 1,7 lần năm 2008); tăng bình quân 8,79%/năm. Kim ngạch nhập khẩu tăng thấp hơn xuất khẩu, nhập siêu được kiểm soát. Hạ tầng thương mại được đầu tư, trong 10 năm đã hoàn thành đưa vào sử dụng 22 trung tâm thương mại, 125 siêu thị, 454 chợ (tăng 12 trung tâm thương mại, 47 siêu thị, 99 chợ so với năm 2008).

Ngành du lịch phát triển nhanh, lượng khách du lịch tăng trung bình 12%/năm; Hà Nội tiếp tục khẳng định là một trung tâm du lịch lớn, chiếm gần 40% lượng khách du lịch quốc tế của cả nước. Khách quốc tế tăng nhanh, từ 1,3 triệu lượt năm 2008 tăng lên 4,95 triệu lượt năm 2017 (tăng 3,8 lần); Hà Nội nằm trong tốp 10 thành phố có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Hạ tầng du lịch được đầu tư phát triển; hiện nay, số cơ sở lưu trú (3.546) tăng 5 lần; số buồng, phòng (60.458) tăng 3,5 lần so năm 2008.

Lĩnh vực công nghiệp tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng khá, bình quân giai đoạn 2008-2017 tăng 8,61%/năm. Không gian phát triển công nghiệp được mở rộng. Trên địa bàn hiện có 08 khu công nghiệp đi vào hoạt động ổn định; doanh thu năm 2017 đạt 6,5 tỷ USD, tăng 2,5 lần so với năm 2008; nộp ngân sách 180 triệu USD, tăng 3 lần so với năm 2008.

Ngành nông nghiệp đạt kết quả tích cực, giá trị gia tăng giai đoạn 2008-2017 tăng trung bình 2,68%/năm. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp năm 2017 đạt 239 triệu đồng, gấp gần 2 lần năm 2008 (124 triệu đồng). Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch tích cực; tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ nông nghiệp tăng dần, đạt 55,6% năm 2017.

Hình minh họa: Xe bus 2 tầng tại Hà Nội - Ảnh Nam Nguyễn

Tuy nhiên, quy mô và tốc độ phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế của Thủ đô sau mở rộng, nhất là tiềm năng, thế mạnh về không gian phát triển và nguồn lực đất đai, nguồn lực con người; chưa tận dụng hết cơ hội do hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại; chưa phát huy hết nguồn lực, thế mạnh về vốn, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, thị trường lao động của Thủ đô. Công nghệ, quản lý sản xuất chậm đổi mới, năng suất lao động tăng chậm, các biện pháp gia tăng đầu ra (TFP) chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao; chất lượng sản phẩm hàng hóa còn thấp, chưa tạo ra được những sản phẩm thực sự là mũi nhọn, chủ lực và có sức cạnh tranh cao. Đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm, dẫn đến chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp. Kinh tế tri thức chưa có chuyển biến mạnh, kết quả chưa rõ nét. Chất lượng tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ còn hạn chế, chưa dựa vào đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng tập trung, theo chuỗi và chuyên canh chưa được nhân rộng; tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất còn thấp; việc ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ để tạo chuỗi giá trị chưa đáp ứng yêu cầu; chưa hình thành được khu nông nghiệp công nghệ cao. Công tác quản lý và thực hiện quy hoạch còn hạn chế./.

 

Vi Phong

Vi Phong

NỔI BẬT TRANG CHỦ