(Tổ Quốc) - UBND thành phố Hà Nội giao UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê số lượng giáo viên hợp đồng lao động và thực hiện việc tuyển dụng đặc biệt vào viên chức đối với những trường hợp cụ thể đủ điều kiện theo quy định.
Sau khi hàng trăm giáo viên hợp đồng tại thành phố Hà Nội có đơn 'kêu cứu' vì có nguy cơ mất việc làm sau hàng chục năm cống hiến cho ngành giáo dục trước kỳ thi tuyển viên chức giáo dục của Thành phố, UBND thành phố Hà Nội hôm 28/6 đã ra Quyết định về việc sửa đổi, bổ dung Khoản 3 Điều 1 và Khoản I Phần B Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 1076/QĐ-UBND ngày 07/3/2019 của UBND TP. Hà Nội.
Theo đó, sửa đổi bổ sung Khoản 3 Điều 1 của Quyết định 1076 về hình thức tuyển dụng như sau: Giao UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê số lượng giáo viên hiện đang hợp đồng lao động làm công tác giảng dạy tại các trường công lập trên địa bàn xem xét thực hiện việc tuyển dụng đặc biệt vào viên chức đối với những trường hợp cụ thể đủ điều kiện theo quy định của Nghị định 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ.
Quyết định nêu rõ, sau khi rà soát số lượng giáo viên hợp đồng và thực hiện việc xét tuyển đặc biệt, UBND các quận, huyện, thị xã lựa chọn tuyển dụng giáo viên bằng hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển theo các quy định tại Khoản 3, Khoản 5 Điều 2 của Nghị định 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Cũng tại Quyết định này, sửa đổi bổ sung Tiết c Điểm 2 Khoản 1 Phần B của Kế hoạch ban hành theo quyết định 1076/QĐ-UBND. Bổ sung đối tượng tham gia đăng ký tuyển dụng giáo viên THCS đối với những trường hợp có bằng tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm theo quy định tại Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/9/2015 của Bộ GDĐT, Bộ Nội vụ.
Những quận, huyện, thị xã chưa nhận các trường hợp này được bổ sung và công khai thời gian tiếp nhận phiếu đăng ký dự tuyển của thí sinh.
Hàng trăm giáo viên ở Hà Nội lo lắng có nguy cơ mất việc trước kỳ thi tuyển viên chức giáo dục của Thành phố (nguồn ảnh Vtc.vn)
Liên quan tới việc tuyển dụng viên chức giáo dục của Hà Nội, Bộ Nội vụ cũng đã có ý kiến, theo đó việc tổ chức tuyển dụng viên chức ngành giáo dục được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 161/2018 của Chính phủ. Việc lựa chọn phương thức thi tuyển hay xét tuyển thuộc thẩm quyền quyết định của UBND TP Hà Nội.
Bộ Nội vụ cũng chỉ rõ, theo quy định của Nghị định số 161/2018 của Chính phủ, ngoài phương thức tuyển dụng qua thi tuyển hoặc xét tuyển thì việc tuyển dụng viên chức còn được thực hiện qua tuyển dụng đặc biệt. Phương thức tuyển dụng này được áp dụng đối với trường hợp có ít nhất 5 năm công tác ở vị trí việc làm và trình độ đào tạo phù hợp với yêu cầu cần tuyển dụng.
Bộ Nội vụ đề nghị thành phố Hà Nội rà soát, thống kê số lượng giáo viên đang hợp đồng lao động trên địa bàn thành phố để có phương án xem xét, quyết định lựa chọn phương thức thi tuyển phù hợp.
Trước đó, hôm 07/3, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1076/QĐ-UBND, phê duyệt chỉ tiêu và ban hành Kế hoạch tuyển dụng viên chức làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã của TP. Hà Nội năm 2019 với tổng số chỉ tiêu tuyển dụng lên đến 11.182 người. Trong đó, chỉ tiêu tuyển dụng với giáo viên là 10.949 người, cụ thể, giáo viên THCS hạng III là 3.546 người; Giáo viên Tiểu học hạng IV là 4.171 người; Giáo viên Mầm non hạng IV là 3.232 người.
Thế nhưng sau khi biết được thông tin này thì nhiều giáo viên hợp đồng lâu năm tại Sóc Sơn, Đông Anh, Mỹ Đức... đã đồng loạt 'kêu cứu'. Các giáo viên này lo lắng bị ra khỏi ngành sau hàng chục năm công tác do những yêu cầu khó có thể đáp ứng trong phương thức tuyển dụng.
Tại buổi tiếp công dân trong tháng 6 của Hà Nội, hàng trăm giáo viên đã tập trung ở trụ sở Ban tiếp công dân, nộp đơn thư kiến nghị vì tại nhiều địa phương, giáo viên bị đơn phương chấm dứt hợp đồng và mất việc.