• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hà Nội: Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Thạch Thất đặt mục tiêu không còn hộ nghèo đến năm 2025

Kinh tế 20/04/2021 09:31

(Tổ Quốc) - Trong giai đoạn từ năm 2010-2020, huyện Thạch Thất đã huy động được gần 5.000 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương cũng như sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, huyện Thạch Thất đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Hà Nội: Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Thạch Thất đặt mục tiêu không còn hộ nghèo đến năm 2025 - Ảnh 1.

Tối 19/4, huyện Thạch Thất (Hà Nội) tổ chức Lễ công bố và đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2020.

Nhiều tiêu chí đạt chuẩn 100%

Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng cho biết, giai đoạn 2010 - 2020 huyện đã huy động tổng số nguồn vốn để bố trí thực hiện chương trình nông thôn mới (NTM) là: 4.994.630 triệu đồng.

Tính đến hết năm 2017, huyện Thạch Thất đã hoàn thiện đạt chuẩn các tiêu chí về NTM, 21/21 xã của huyện được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Các tiêu chí về xây dựng NTM như: Quy hoạch; Giao thông, Thủy lợi, Điện, Y tế - Văn hóa - Giáo dục, Sản xuất, Môi trường, An ninh - Trật tự xã hội, Chỉ đạo xây dựng NTM... đều hoàn thành đạt chuẩn 100%.

Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng cho biết thêm, sau khi hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM, trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh nâng cao một số tiêu chí đến năm 2025, cụ thể: Thu nhập bình quân đầu người đạt 120 triệu đồng/người/năm. Duy trì tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM 100%, trong đó tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM nâng cao 40%, NTM kiểu mẫu 25%.

“Phấn đấu đến năm 2025, huyện Thạch Thất cơ bản không còn hộ nghèo (theo tiêu chí của TP). Tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch 100%. Tỷ lệ rác thải được thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý trong ngày đạt 100%. Tỷ lệ chất thải nguy hại, chất thải y tế được thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn môi trường đạt 100%. Tỷ lệ cụm công nghiệp, làng nghề có trạm xử lý nước thải 100%”, ông Nguyễn Mạnh Hồng cho biết thêm.

Nhiều giải pháp mang tính đột phá

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương, TP; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân huyện Thạch Thất để triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM một cách chủ động, sáng tạo, với nhiều giải pháp mang tính đột phá, nhiều mô hình mới và cách làm hay, mang lại những hiệu quả thiết thực.

Để tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa các tiêu chí NTM theo hướng nâng cao, NTM kiểu mẫu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu huyện Thạch Thất cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khơi dậy niềm tự hào trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về quá trình nỗ lực, phấn đấu xây dựng NTM của huyện để từ đó tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch để người dân thực sự là chủ thể thực hiện và là đối tượng được thụ hưởng những kết quả tích cực từ chương trình xây dựng NTM.

Tiếp tục rà soát lại các quy hoạch; trong đó, lưu ý rà soát, tích hợp quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp, quy hoạch vùng huyện, quy hoạch các xã gắn với các tiêu chí của đô thị, với phương châm quy hoạch phải đi trước một bước để tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM theo hướng nâng cao, mẫu, gắn với phát triển Khu đô thị Hòa Lạc, Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Làng văn hóa các dân tộc; Khu Đại học Quốc gia trong tổng thể phát triển huyện (gắn định hướng phát triển dân cư).

Cùng với đó là xây dựng NTM phải gắn với phát triển kinh tế địa phương, chú trọng đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đảm bảo phát triển sản xuất bền vững, hiệu quả.

Phát triển nghề, làng nghề có thế mạnh của địa phương. Triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đảm bảo yêu cầu, hiệu quả và phát triển thị trường tiêu thụ. 

Đồng thời, cần tập trung chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, tạo điều kiện cho mọi người dân được tiếp cận và hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng công tác vệ sinh môi trường khu vực nông thôn theo hướng "sáng - xanh - sạch - đẹp"./.


Bảo Trân

NỔI BẬT TRANG CHỦ