(Tổ Quốc) - Hà Nội sẽ thí điểm phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề, các điểm du lịch gắn với các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số.
Chiều 16/12, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý IV/2022.
Các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đã bình thường trở lại
Thông tin với báo chí về tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Vũ Duy Tuấn cho biết, triển khai thực hiện các nhiệm vụ phục hồi và phát triển KTXH theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, thành phố đã hoàn thành công tác chỉ trả hỗ trợ cho 12/12 nhóm đối tượng khó khăn do ảnh hưởng bởi COVID-19.
Đồng thời đã thẩm định và phê duyệt hỗ trợ cho hơn 2,6 triệu lượt đối tượng với kinh phí gần 2.660 tỉ đồng. Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động cho 420,28 nghìn lượt lao động trong 13,97 nghìn lượt doanh nghiệp với số tiền là 220,4 tỉ đồng.
Thành phố tập trung đầu tư xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích; ban hành Kế hoạch số 139/KH-UBND về triển khai xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo.
Các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đã bình thường trở lại, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Đã chuẩn bị chu đáo các điều kiện về vật chất, kỹ thuật và con người góp phần tổ chức thành công SEA Games 31 với 151 huy chương – chiếm 1/3 số huy chương của toàn Đoàn thể thao Việt Nam.
Bên cạnh kết quả đạt được, UBND TP Hà Nội cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế. Trong đó có một số khó khăn trong lĩnh vực y tế như tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại một số cơ sở khám chữa bệnh chưa được xử lý dứt điểm, nguyên nhân chủ yếu do có vướng mắc trong các quy định về đấu thầu.
Xuất hiện tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, nguyên nhân chủ yếu do tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động còn thấp.
Đáng chú ý, tình hình tai nạn giao thông và cháy nổ trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chủ quan chủ yếu do công tác quản lý nhà nước của các cơ quan, đơn vị, địa phương về tổ chức giao thông và phòng, chống cháy nổ chưa làm hết trách nhiệm.
Ngoài ra, do ý thức của một bộ phận người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn chưa tuân thủ các quy định của Nhà nước về giao thông, về phòng, chống cháy nổ.
Thí điểm phát triển các điểm du lịch gắn với các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số
Trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Vũ Duy Tuấn cho biết, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách tiền tệ, tín dụng trên địa bàn. Bảo đảm nguồn vốn cho nền kinh tế, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng.
Hà Nội tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các thủ tục về quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng và giải phóng mặt bằng. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện xử lý 191 dự án có sử dụng đất chậm tiến độ trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ về thuế, phí, tín dụng...
Hà Nội cũng tập trung phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Củng cố, cải tạo để nâng cao năng lực nội tại, đồng thời xây dựng thêm các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi theo kế hoạch; Phát triển thêm các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, thúc đẩy các hoạt động liên kết vùng, hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu sản phẩm với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Phát triển mạnh thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt; Phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng từ 10% trở lên. Thí điểm phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng NTM, du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề, các điểm du lịch gắn với các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số.
Hà Nội cũng chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hoá, giáo dục; Kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; Bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.
Tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; Cuộc vận động xây dựng "Người Hà Nội thanh lịch, văn minh"; Thực hiện phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu về văn hóa. Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, bảo tồn, tôn tạo các di tích; Phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô. Đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao quần chúng, nâng cao tỷ lệ người dân tham gia luyện tập thể thao thường xuyên và thành tích các môn thể thao trọng điểm...