• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hà Nội: Sức bật Mê Linh

Thực hiện: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp | 10/03/2023

Từ một huyện ngoại thành Hà Nội còn nhiều khó khăn, bằng những chính sách quyết liệt, đồng bộ, huyện Mê Linh đang bứt phá từng ngày để trở thành cực tăng trưởng mới của Thủ đô Hà Nội.

Hà Nội: Sức bật Mê Linh - Ảnh 1.

Diện mạo huyện Mê Linh ngày nay. Ảnh: sưu tầm

Hồi sinh...

Đã có thời điểm, huyện Mê Linh gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do các cơ chế, chính sách trong phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ. Khi đó, Mê Linh có 60 dự án chậm triển khai, với 2.000ha. Trong đó, có 47 dự án xây dựng nhà ở đô thị; 14 dự án chậm do phải điều chỉnh quy hoạch; 15 dự án chậm triển khai; có 3 dự án đã có quyết định thu hồi và hàng chục dự án cần điều chỉnh lại ranh giới, đất chồng lấn...

Các chuyên gia cho rằng, sẽ là sự đáng tiếc khi Mê Linh vẫn chìm trong "giấc ngủ đông kéo dài" bởi nơi đây sở hữu lợi thế sẵn có về vị trí địa lý, về phát triển hạ tầng giao thông, đô thị và các khu công nghiệp.

Sau khi kiểm tra rà soát, lãnh đạo huyện Mê Linh đã "mạnh tay" tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tăng tốc trong đẩy mạnh quy hoạch chung, tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, nhanh chóng hồi sinh các dự án.

Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm từng nói: "Đối với các dự án đô thị chậm triển khai, vấn đề này chủ yếu thẩm quyền thuộc thành phố nhưng chúng tôi đã rất chủ động làm việc với từng doanh nghiệp để kiến nghị thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án. Với những dự án mà chủ đầu tư chây ỳ, cố tình không thực hiện thì kiên quyết đề xuất thu hồi". Điều này cho thấy sự quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền huyện Mê Linh trong việc quyết tâm hồi sinh các dự án "treo" trên địa bàn nhiều năm qua.

Thời gian tới, huyện Mê Linh sẽ tiếp tục tập trung kiến nghị thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành hướng dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ, thủ tục về điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng…; Đồng thời, kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai vi phạm pháp luật đất đai, đầu tư xây dựng, đặc biệt đối với các chủ đầu tư cố tình chây ì không phối hợp với thành phố, với huyện trong công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư, gây lãng phí đất đai, bức xúc trong Nhân dân, ông Nguyễn Thanh Liêm cho hay.


Hà Nội: Sức bật Mê Linh - Ảnh 2.

Các dự án phát triển đô thị đang được đẩy nhanh tiến độ thi công trên địa bàn huyện Mê Linh. Ảnh: sưu tầm

Cùng với nỗ lực tháo gỡ khó khăn về quy hoạch, nhiều công trình giao thông kết nối quan trọng giữa Mê Linh với trung tâm Hà Nội cũng được đưa vào sử dụng, như cầu Nhật Tân (kết nối cực tăng trưởng mới Mê Linh – Đông Anh); đường Phạm Văn Đồng mở rộng nằm trên tuyến Vành đai 3 (tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng, mỗi bên 6 làn đã chính thức thông xe, rút ngắn thời gian di chuyển từ trung tâm mới Mỹ Đình đến Mê Linh chỉ chưa đầy 10 phút đồng hồ).

Đi cùng với các công trình giao thông quan trọng, diện mạo đô thị của Mê Linh đã đổi khác với sự tham gia của hàng loạt ông lớn bất động sản như Vinhomes với dự án Làng Hoa Tiên Phong, HUD với khu đô thị Hud Mê Linh Central - Thanh Lâm - Đại Thịnh, Tập đoàn CEO đẩy mạnh đầu tư Khu CEOHOMES Hana Garden. Ngoài ra, MIK cũng có kế hoạch xây dựng khu đô thị 280ha tại đây.

Hà Nội: Sức bật Mê Linh - Ảnh 3.

Dự án Hud Mê Linh Central. Ảnh: sưu tầm

Hạ tầng đột phá cùng sự xuất hiện của những doanh nghiệp lớn đã làm sống dậy vùng đất Mê Linh đang ngủ vùi sau nhiều năm. Kéo theo đó, thị trường bất động sản tại Mê Linh dần dần phục hồi và bật dậy nhanh chóng. Bên cạnh đó, sức hút của các cuộc đấu giá cũng cho thấy Mê Linh đang dần lấy lại được vị thế. Nhà đầu tư bắt đầu đổ về Mê Linh nhiều hơn với nhiều hi vọng về một thị trường tiềm năng.

Hướng tới thành phố trực thuộc Thủ đô

Chủ tịch UBND huyện Mê Linh – Hoàng Anh Tuấn cho biết, sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, huyện Mê Linh đã bố trí và huy động hơn 5.777 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới một cách hiệu quả. Cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và diện mạo quê hương có nhiều thay đổi ngày càng văn minh, khang trang, sạch đẹp.

Hà Nội: Sức bật Mê Linh - Ảnh 4.

Tháng 6/2022, huyện Mê Linh đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Đến nay, 16/16 xã của huyện đều đạt 19/19 tiêu chí; huyện đạt 9/9 tiêu chí. Thu nhập bình quân đầu người dự kiến đến hết năm 2022 đạt 60 triệu đồng/người/năm (tăng 47,5 triệu đồng so với năm 2010). Tháng 6/2022, huyện Mê Linh đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị nêu rõ: "Huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh được định hướng theo hướng phát triển đô thị và trở thành thành phố trực thuộc Thủ đô trong tương lai. Đây chính là tiền đề quan trọng để huyện Mê Linh đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ - du lịch. Điều này sẽ mở ra cho huyện Mê Linh những thời cơ, thuận lợi to lớn để phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới".

Nhìn vào hạ tầng, vị trí của Mê Linh có thể thấy vùng đất này đang bứt phá từng ngày để trở thành cực tăng trưởng mới của Thủ đô Hà Nội. Nếu bên này sông, khu đô thị Ciputra được xem là biểu tượng giàu sang của Hà Nội thì chỉ cách 1 cây cầu phía bên kia Sông Hồng, Mê Linh với gần 60 khu đô thị trải dài trên tổng diện tích 2.000 ha trong tương lai sẽ hình thành làng biệt thự với hàng trăm nghìn căn nhà chạy dọc những tuyến đường ô bàn cờ đã được mở rộng sẵn hàng chục năm qua.

Cùng với quy hoạch thành phố phía Bắc, tháng 3/2022, UBND thành phố Hà Nội đã chính thức phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, với quy mô gần 11.000ha hiện thực hóa quy hoạch "thành phố hai bên bờ sông Hồng". Đây là lực đẩy quan trọng để phát triển đô thị Mê Linh trở thành điểm nhấn phát triển phía cực Bắc thủ đô.

Hà Nội: Sức bật Mê Linh - Ảnh 5.

Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô qua địa bàn huyện Mê Linh đang được đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng

Cùng quy hoạch đô thị, một loạt dự án giao thông mới tiếp tục tạo sức bật cho sự phát triển của mê Linh. Theo đó, huyện Mê Linh sẽ kết nối với toàn bộ khu vực phía Tây Thủ đô thông qua quy hoạch xây dựng dự án cầu Hồng Hà vượt sông Hồng kết nối trực tiếp huyện Mê Linh với khu vực Đan Phượng, Mỹ Đình. Bên cạnh đó, dự án đường sắt đô thị tuyến số 7 Mê Linh - Ngọc Hồi đi xuyên qua huyện Mê Linh sẽ góp phần làm thay đổi, đa dạng hóa hệ thống giao thông của Mê Linh.

Theo quy hoạch, tuyến đường Vành đai 4 chạy qua huyện Mê Linh với chiều dài khoảng 11,2km, chia huyện Mê Linh thành 2 phần, 1 phần là xây dựng công nghiệp và đô thị, phần còn lại là phát triển nông nghiệp. Đây được cho là điều kiện rất thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của toàn huyện, kết nối trực tiếp Mê Linh với các các nền kinh tế phát triển khu vực phía Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh….

Có thể nói, quy hoạch thành phố phía Bắc Hà Nội cùng hạ tầng liên tục thăng hạng đã tác động trực tiếp tới Mê Linh, biến nơi đây trở thành vùng đất tiềm năng cho tương lai. Sự đột phá trong quy hoạch đã hình thành nên đô thị vệ tinh mới, cực tăng trưởng của Hà Nội, thúc đẩy nơi đây dần trở thành khu vực phát triển sôi động bậc nhất thủ đô hiện nay.

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ