(Tổ Quốc) - Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 17 Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hà Nội khóa XVI, với 85/86 đại biểu có mặt tán thành, đạt tỷ lệ 91,4% so với tổng số đại biểu HĐND TP, HĐND TP Hà Nội đã thông qua “Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Đề án nhằm nâng cao năng lực và đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của Thủ đô đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ phục vụ phát triển kinh tế xã hội trong tình hình mới.
Trước đó, tại phiên họp ngày 1-7, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã trình bày tờ trình xem xét, thống nhất chủ trương ban hành Đề án trên. Trên cơ sở định hướng, quy hoạch phát triển Thủ đô, Đề án đưa ra dự báo tình hình và 5 nhóm giải pháp với 13 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá và được thực hiện qua 2 giai đoạn. Dự kiến kinh phí thực hiện các nhiệm vụ Đề án (cả 2 giai đoạn) khoảng 26.341,45 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 (từ nay đến hết năm 2025) dự kiến kinh phí khoảng 10.620,35 tỷ đồng, giai đoạn 2 (từ năm 2026 đến năm 2030) khoảng 15.721,1 tỷ đồng.
Theo đó, 100% cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan thành phố, học sinh các cấp, bậc học được tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; 100% hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy; mỗi gia đình có một người được tập huấn kỹ năng chữa cháy, thoát nạn; 100% nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh chưa có "lối thoát nạn thứ 2" phải mở "lối thoát nạn thứ 2"; vận động các cá nhân tình nguyện, đăng ký tham gia hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đạt 2% so với tổng số hộ gia đình trên địa bàn; 100% khu dân cư được thành lập, kiện toàn và duy trì hoạt động của Đội dân phòng bảo đảm thực chất, hiệu quả.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố; nâng cao năng lực của các đơn vị được giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Trong đó, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tập trung giải quyết dứt điểm những tồn đọng trong công tác phòng cháy, chữa cháy tại các khu dân cư và các công trình vi phạm; di dời các cơ sở hóa chất trong khu dân cư đến khu/cụm công nghiệp, phù hợp quy hoạch của ngành Công Thương; đôn đốc 100% cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy được đưa vào hoạt động trước khi Luật phòng cháy, chữa cháy năm 2001 và công trình vi phạm chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy hoàn thành việc khắc phục các tồn tại về phòng cháy, chữa cháy; không để phát sinh công trình vi phạm đất đai, vi phạm trật tự xây dựng liên quan phòng cháy, chữa cháy.
Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thành phố được trang bị phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ hiện đại, phục vụ chữa cháy các loại hình cơ sở đặc thù, phức tạp dưới hầm sâu, trong ngõ nhỏ, hẹp, cháy rừng; đến năm 2030, quy hoạch và xây dựng mới 33 vị trí trụ sở, doanh trại, đảm bảo bán kính chạy cháy, đáp ứng công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Lực lượng Công an cấp xã, dân phòng được trang bị bổ sung xe mô tô và phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đảm bảo đáp ứng phương châm "4 tại chỗ".
Đến năm 2030, hoàn thành lắp đặt 3.050 trụ chữa cháy ngoài nhà; khoảng 9.483 tuyến đường, phố, ngõ, ngách có chiều sâu hơn 200m có phương án bổ sung đường ống cấp nước, trụ hoặc họng tiếp nước; hoàn thành khoảng 433 bể nước, trạm bơm chữa cháy tại các khu vực công cộng, 4 bến lấy nước, 900 hố thu nước chữa cháy thuộc khu dân cư nguy hiểm cháy, nổ.
Xây dựng phần mềm ứng dụng, triển khai thí điểm và đưa vào vận hành chính thức phần mềm ứng dụng quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy, chữa cháy, phần mềm ứng dụng hướng dẫn thoát nạn cho người dân trên địa bàn Thành phố; nâng cấp Trung tâm thông tin chỉ huy 114 của Công an thành phố, đảm bảo hạ tầng kết nối với trung tâm truyền tin báo của quốc gia, theo yêu cầu vận hành Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu phòng cháy, chữa cháy và truyền tin báo sự cố.