(Tổ Quốc) - Bảo đảm 100% người cao tuổi thuộc diện được trợ giúp pháp lý được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật khi họ có yêu cầu là mục tiêu Kế hoạch số 283/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội về triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý đối với người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2030.
Trợ giúp pháp lý đối với người cao tuổi
Theo Điều 2 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, thì trợ giúp pháp lý được hiểu là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.
Căn cứ theo Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định về người được trợ giúp pháp lý, đồng thời tại Điều 2 Nghị định 144/2017/NĐ-CP quy định điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý quy định tại khoản 7 Điều 7 nêu trên là người thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật cho thấy không phải mọi trường hợp người cao tuổi đều được trợ giúp pháp lý. Mà chỉ khi người cao tuổi có khó khăn về tài chính, cụ thể là thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng thì mới là đối tượng được trợ giúp pháp lý.
Bởi vậy Kế hoạch số 283/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội về triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý đối với người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2030 là rất nhân văn, thiết thực và ý nghĩa.
Bảo đảm 100% người cao tuổi được trợ giúp pháp lý
Mục tiêu của kế hoạch là nâng cao chất lượng, hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý đối với người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính; tăng cường truyền thông về quyền được trợ giúp pháp lý đối với người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính, bảo đảm 100% người cao tuổi thuộc diện được trợ giúp pháp lý được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật khi họ có yêu cầu.
Theo đó, mỗi năm Hà Nội sẽ tổ chức từ 03 đến 05 cuộc tập huấn nâng cao năng lực cho người làm công tác trợ giúp pháp lý về kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý đối với người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính. Các lớp tập huấn được tổ chức, năng lực thực hiện trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi của người làm công tác trợ giúp pháp lý được nâng cao.
Thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý đối với người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính bằng các hình thức trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, chú trọng thực hiện các vụ việc người cao tuổi bị bạo lực, bạo hành, bị ngược đãi.
Về tư vấn pháp luật: Tăng cường thực hiện hoạt động tư vấn pháp luật đối với người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính có nhu cầu trợ giúp pháp lý tại các xã, phường, thị trấn, Hội Người cao tuổi, các câu lạc bộ người cao tuổi, các cơ sở trợ giúp xã hội... Mỗi năm thực hiện từ 50 đến 70 cuộc tư vấn pháp luật tại cơ sở.
Về tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng: Chú trọng thực hiện vụ việc tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người cao tuổi có khó khăn về tài chính, đảm bảo 100% người cao tuổi có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý khi họ có yêu cầu.
Kế hoạch cũng tập trung vào 4 nội dung để truyền thông, tăng cường khả năng tiếp cận trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi như: Truyền thông về hoạt động trợ giúp pháp lý và quyền được trợ giúp pháp lý của người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính trên các phương tiện thông tin đại chúng; Tổ chức hàng năm từ 30 đến 50 cuộc truyền thông về trợ giúp pháp lý và phổ biến pháp luật cho người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính tại nơi ở, nơi sinh hoạt của họBiên soạn và phát hành các ấn phẩm với nhiều hình thức có nội dung về chính sách trợ giúp pháp lý và quyền được trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý, trong đó có người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính; Cung cấp danh sách, số điện thoại của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước và người thực hiện trợ giúp pháp lý khác cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ sở giam giữ và trại giam, Ủy ban nhân dân cấp xã, Hội Người cao tuổi, câu lạc bộ người cao tuổi, các cơ sở trợ giúp xã hội và các tổ chức có người cao tuổi sinh hoạt; tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức này để phát hiện nhu cầu trợ giúp pháp lý và giới thiệu người cao tuổi thuộc diện được trợ giúp pháp lý đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước khi họ có yêu cầu trợ giúp pháp lý.
Việc UBND Hà Nội ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý đối với người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2022-2030 không những thể hiện sự quan tâm của thành phố đối với người cao tuổi mà cũng là hoạt động thực hiện các quyết định trợ giúp người cao tuổi của Chính phủ và các Bộ trước đó như: Quyết định số 2156/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 1334/QĐ-BTP ngày 10/6/2022 của Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý đối với người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính giai đoạn 2022- 2030.
Hà Anh
*Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL thực hiện