• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

HÀ NỘI THỰC HIỆN MỤC TIÊU KÉP - Bài 1: Những "quyết sách" trên "mặt trận" Covid

Thời sự 04/07/2021 21:06

(Tổ Quốc) - Dịch Covid-19 xuất hiện đã tạo nên những cuộc khủng hoảng trên thế giới. Lựa chọn "Chống dịch" hay là "Phát triển kinh tế" là bài toán không hề dễ dàng cho mỗi nước. Từ những kết quả chống dịch thành công bước đầu được thế giới ghi nhận, Thủ tưởng Chính phủ Việt Nam đã lựa chọn thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế. Và Hà Nội là một trong những tỉnh, thành đã thực hiện "mục tiêu kép" với nhiều nỗ lực bước đầu.

Trước làn sóng dịch Covid -19 thứ tư với cường độ mạnh và phức tạp nhất từ trước đến nay nhưng chính quyền Hà Nội đã quyết đoán, đưa ra những "ứng xử", những "quyết sách" nhanh chóng, đúng đắn, kịp thời trước tình hình dịch bệnh cũng như cuộc sống của người dân một cách linh hoạt, hợp lý.

Hà Nội "căng như dây đàn" trước đợt dịch Covid -19 thứ tư

Từ cuối tháng 1/2021, Hà Nội đã xuất hiện ca Covid – 19 với các trường hợp ở Mê Linh, Đông Anh… Nhưng đỉnh điểm dịch bệnh Covid -10 phải kể đến thời điểm cuối tháng 4/2021 khi một lần nữa các ca bệnh lại tập trung ở Đông Anh.

Không những vậy, đợt dịch thứ tư này còn tấn công nhiều quận huyện tại Hà Nội với lên đến hàng trăm ca tại nhiều địa điểm trọng yếu như: Times City và Công ty T&T, chùm Đà Nẵng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Các ca bệnh có lịch trình phức tạp như trường hợp giám đốc Hacico không khai báo y tế, nhiều bệnh nhân đã và đang điều trị tại bệnh viện liên tiếp được thông báo trở thành F0. Bệnh viện K xác định có đến 5.000 người liên quan bao gồm y bác sĩ, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nên tính chất phức tạp hơn cả ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (huyện Đông Anh). Một số bệnh viện xuất hiện ca dương tính đã thông báo ngừng tiếp nhận bệnh nhân… khiến bầu không khí Hà Nội "căng như dây đàn" trước nỗi lo dịch Covid – 19 tấn công.

Liên tiếp các chùm ca bệnh xuất hiện khiến không ít người dân Hà Nội hoang mang lo lắng và câu hỏi được đặt ra là liệu Hà Nội có giãn cách toàn thành phố để phòng chống dịch như thời điểm tháng 4/2020?. Bởi cùng xuất hiện các chùm ca bệnh với Hà Nội, một số tỉnh, thành khác đã ngay lập tức thực hiện biện pháp giãn cách ở phạm vi xã, huyện, thành phố…

Thời điểm đó, mặc dù chưa có quyết định chính thức Hà Nội có giãn cách hoặc phong tỏa toàn thành phố hay không nhưng trên mạng xã hội nhiều thông tin sai sự thật đã xuất hiện khiến người dân càng hoang mang, bất an, lo lắng. Từ khóa "Hà Nội giãn cách", "phong tỏa Hà Nội" bất ngờ được xuất hiện trên internet cho thấy sự quan tâm của người dân về một quyết định lớn của những người đứng đầu Hà Nội trước tình hình dịch bệnh chưa từng xảy ra và chưa có tiền lệ.

Để dập tắt thông tin sai sự thật này, Sở Thông tin truyền thông Hà Nội cũng đã nhanh chóng vào cuộc xử phạt những cá nhân đưa tin đồn thất thiệt, gây hoang mang dư luận. Các chủ tài khoản "bịa đặt" thông tin về phát biểu của lãnh đạo cũng như đưa tin sai "Hà Nội phong tỏa" đã bị xử phạt. Sở TTTT Hà Nội cũng cho biết từ đầu năm 2021 đến tháng 5/2021, Sở đã phát hiện và xử lý trên 30 trường hợp vi phạm đăng tải các thông tin chứa nội dung sai sự thật về dịch bệnh Covid-19, với tổng số tiền nộp phạt 270 triệu đồng. Ngoài ra, các bộ phận chức năng của Sở cũng đã tiến hành kiểm tra, rà soát, nhắc nhở, yêu cầu gỡ thông tin đối với nhiều trường hợp khác.

Những "quyết sách" kịp thời

Cùng lúc đó, Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh, Bí thư thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng đã lên tiếng khẳng định Hà Nội không giãn cách hay phong tỏa toàn thành phố. Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh đã khẳng định tại buổi làm việc tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều ( ngày7/5) rằng: Không có chuyện thành phố phong tỏa hay giãn cách xã hội. Toàn bộ hệ thống chính trị đang nỗ lực từng giờ, từng phút để chống dịch. Lãnh đạo Hà Nội đề nghị người dân yên tâm, thông tin này chỉ là tin đồn thất thiệt.

"Hà Nội không giãn cách, phong tỏa cực đoan ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Có lúc có tin đồn phong tỏa thành phố, làm gì có việc đó, chúng ta bình tĩnh xử lý và những giải pháp thành phố đang làm là đúng và hiệu quả, không bỏ lọt các F1, F2, F3" - Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh tại buổi làm việc của Thường trực Thành ủy Hà Nội với Ban Cán sự Đảng UBND TP, Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP Hà Nội về phòng chống dịch COVID-19 vào chiều 10/5.

Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng và Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định không có chuyện phong tỏa Hà Nội (ảnh: chinhphu.vn, nhandan.com.vn)

Thực tế, khi Hà Nội xuất hiện các ca F0 ngay lập tức khu vực đó được phong tỏa diện hẹp. Hà Nội thực hiện phương châm chống dịch "4 tại chỗ", "phong tỏa hẹp, quản lý chặt", "mô hình phòng chống dịch 3 lớp". Phát hiện kịp thời, thần tốc truy vết, tăng cường xét nghiệm, khoanh vùng dập dịch triệt để, thực hiện tốt thông điệp "5K", làm chủ trong công tác phòng, chống dịch trong thời gian sớm nhất. Tại huyện Đông Anh, khoanh vùng ổ dịch với "3 lớp", lớp lõi có dịch giãn cách theo chỉ thị 16, lớp tiếp theo thực hiện giãn cách theo chỉ thị 15, lớp ngoài cùng theo chỉ thị 19, từ đó đảm bảo an toàn phòng dịch, không "ngăn sông cấm chợ", không làm đảo lộn cuộc sống của người dân.

Cùng với đó, Hà Nội đã ra liên tiếp các văn bản từng bước siết chặt các quy định phòng chống dịch Covid -19 phù hợp với diễn biến của dịch tại mỗi thời điểm khác nhau, như: tạm dừng các hoạt động không thiết yếu để phòng, chống dịch Covid-19 (ngày 3/5), tạm dừng hoạt động các nhà hàng bia, quán bia, giải tỏa các chợ cóc, chợ tạm tránh nguy cơ lây lan dịch Covid-19. Các cửa hàng ăn, uống trong nhà phải đảm bảo giãn cách chỗ ngồi tối thiểu 2m (ngày 11/5); Cấm toàn bộ các hoạt động thể thao tập trung đông người, sân golf ( 13/5); tạm dừng toàn bộ hoạt động của các cơ sở kinh doanh như nhà hàng, ăn uống (chỉ cho bán mang về), các cơ sở cắt tóc, gội đầu, không tập trung đông người (25/5)…

Song song với các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, lãnh đạo Hà Nội cũng ban hành kế hoạch triển khai tiêm vắc xin miễn phí cho người dân. Một số văn bản tiêm vắc xin Covid -19 tự trả phí không đúng với quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo thành phố đã được nhanh chóng thu hồi.

HÀ NỘI THỰC HIỆN MỤC TIÊU KÉPBài 1: Những "quyết sách" trên "mặt trận" Covid - Ảnh 3.

Hà Nội chỉ cách ly y tế, phong tỏa diện hẹp khu vực có F0

Với tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ người dân trên địa bàn thành phố gặp khó khăn do dịch Covid – 19, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, tính đến hết tháng 4/2021, toàn thành phố Hà Nội đã thực hiện hỗ trợ cho 515.515 người với tổng số tiền là hơn 608 tỷ đồng. Các đối tượng nhận hỗ trợ gồm: Người có công; bảo trợ xã hội, nhân khẩu thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng, lao động bị mất việc làm và hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Có thể khẳng định, trước làn sóng dịch Covid -19 thứ tư với cường độ mạnh và phức tạp nhất từ trước đến nay nhưng chính quyền Hà Nội đã quyết đoán, đưa ra những "ứng xử", những "quyết sách" nhanh chóng, đúng đắn, kịp thời trước tình hình dịch bệnh cũng như cuộc sống của người dân một cách linh hoạt, hợp lý, phù hợp với thực tiễn khiến người dân tin tưởng, ủng hộ và đem lại hiệu quả nhất định.

Hạ Yên

NỔI BẬT TRANG CHỦ