• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hà Nội và ký ức một thời - Bài 1: Xe đạp từng là niềm tự hào của nhiều gia đình thời bao cấp

Văn hoá 22/10/2021 08:55

(Tổ Quốc) - Xe đạp – không chỉ đơn giản là phương tiện giao thông mà còn là một phần ký ức của người Hà Nội trong suốt thời bao cấp, những năm tháng đổi mới cho đến khi trở thành một đô thị sầm uất như ngày hôm nay. Xe đạp còn là thứ để chúng ta ngẫm nghĩ về sống chậm.

Xe đạp là tài sản có giá một thời của người Hà Nội

Cùng với máy khâu, xe đạp là một trong những tài sản "có giá"  của người Hà Nội cách đây hơn nửa thế kỷ trước. Cũng phải thôi, trải qua những năm tháng chiến tranh, cuộc sống nghèo nàn, lạc hậu với những chiếc xe thô sơ thì xe đạp quả là một phát minh kỳ diệu lúc bấy giờ. Chỉ cần dùng sức đạp của bàn chân là chiếc xe di chuyển quãng đường từ vài đến hàng chục ki lô mét, lại có thể chở thêm người lớn hoặc trẻ con ngồi sau để di chuyển - một giấc mơ của không ít gia đình lúc bấy giờ.

Thời đó, ngoài những dòng xe ngoại cổ đã cũ kỹ, được tận dụng vá víu, sửa chữa lại. Có xe tróc hết lớp sơn, chỉ còn mầu nâu, nếu được tân trang sẽ có sơn màu mới. Bên cạnh đó thì có xe nhập ngoại mới song hành. Thường phải gia đình nào có người nhà đi nước ngoài mới có cơ hội sở hữu những chiếc xe đạp nhập ngoại mới này. Có thể kể đến xe đạp Liên Xô với những thương hiệu nổi tiếng như Tourism, Sputnik, Pháp là Peugeot,  Đức là Mifa và Favorit của Tiệp... Điểm dễ nhận biết những chiếc xe thời bao cấp này là còn có tấm biển số hình chữ nhật treo ở khung xe, được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu xe đạp tương đương như giấy đăng ký xe máy, ô tô bây giờ.

Sau thời xe châu Âu nở rộ này, ở Hà Nội xuất hiện thêm dòng xe Phượng Hoàng của Trung Quốc, xe đạp Thống Nhất của Việt Nam. Sau nữa thì có xe mini Trung Quốc, xe mi ni bãi của Nhật. Quãng độ những năm 1990 đến những năm 2000, đường phố Hà Nội rất nhiều xe đạp với nhiều hãng xe trong và ngoài nước cùng đua nhau xuất hiện. Một Hà Nội nhộn nhịp, náo nhiệt hơn nhưng vẫn thanh bình, không khói bụi, tắc đường, tiếng động cơ xe không bủa vây khắp đường phố.

Trong "12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không" tại Hà Nội, những chiếc xe đạp là phương tiện sơ tán của người dân. Trong ký ức của nhiều người thì vào đêm 18/12/1972 nhiều gia đình Hà Nội đã sơ tán. Và chiếc xe đạp đã chở trẻ con, người lớn cùng nhiều vật dụng cần thiết theo họ đến những vùng sơ tán. Trong đêm tối thời điểm ấy từng đoàn xe đạp nối đuôi nhau lặng lẽ rời Thủ đô để tránh bom đạn đã trở thành ký ức khó phai mờ trong tâm trí bao người.

Hà Nội và ký ức một thời - Bài 1: Xe đạp từng là niềm tự hào của nhiều gia đình thời bao cấp - Ảnh 1.

Cho đến nay, nhiều người vẫn nhớ, vẫn lưu giữ giấy chứng nhận sở hữu xe đạp một thời

Thời bao cấp ở Hà Nội để mua một chiếc xe đạp không phải là điều dễ dàng. Có người phải nhờ vả, tích cóp hết tháng này đến tháng khác, chắp nối, mua ghép từng bộ phận mới thành chiếc xe hoàn chỉnh. Bởi thế chiếc xe là một tài sản khá lớn của người Hà Nội thời bấy giờ. Để bảo quản, giữ gìn những chiếc xe đạp tương đương cả một gia tài này hầu hết xe đạp đều có khóa để phòng kẻ gian lấy trộm, ai cũng cẩn thận lau chùi xe bóng loáng, thậm chí còn treo xe lên cao để xe không bị xước hay han gỉ. Câu thơ "Làm trai cho đáng lên trai/ Có pha vơ rít (xe đạp favorit), có đài giắt lưng" đủ để thấy xe đạp có giá và từng là niềm tự hào của bao người.

Ông Nguyễn Văn Sơn (Hai Bà Trưng, Hà Nội) bồi hồi nhớ lại ngày đó gia đình có bao nhiêu tiền tích cóp từ nhiều năm đủ để mua chiếc xe Mifa của Đức. Ai cũng hồ hởi mua được xe và nghĩ mua xong rồi sẽ đưa cả nhà rong ruổi đi khắp nơi cho bõ những ngày ao ước đi đó đi đây. Thế nhưng khi giấc mơ "tậu xe" đã thành hiện thực thì nhiều dự định lại... đứng yên. Lý do là sau khi họ hàng làng xóm trầm trồ, ngưỡng mộ và xi xao "nhà đấy mua được xe Mifa", "thế là có của ăn của để" thì lại nói nhỏ phải giữ gìn cẩn thận kẻo mất trộm. Thế là sau đó nhà ông Sơn phần vì lo sợ bị mất trộm phần vì sợ xe "mất giá"  nên nhất quyết không đi, mà cứ treo lên cao, ngày ngày nhìn thấy trước mắt là yên tâm. Ông Sơn bảo, nghĩ lại bây giờ thấy buồn cười cái thời đó, tích cóp bao năm, nhờ vả bao lâu mua được xe cuối cùng lại treo lên, không đi vì sợ nọ sợ kia. Mua xe suy cho cùng là để đi chứ chỉ để ngắm thì cái xe còn gì có giá trị nữa. Cuối cùng, sau một thời gian cứ treo lên, hạ xuống để lau chùi gia đình ông cũng bán cho người khác và mua chiếc xe đạp sản xuất trong nước để đi,  bớt đi những nỗi sợ chập chờn, có phần mơ hồ.

Hà Nội và ký ức một thời - Bài 1: Xe đạp từng là niềm tự hào của nhiều gia đình thời bao cấp - Ảnh 2.

Nhiều người kể lại kỷ niệm với xe đạp (ảnh minh họa/ Minh Khánh)

Những ký ức thời bao cấp

Sự hiện diện của xe đạp trong đời sống của người Hà Nội kéo theo nhiều câu chuyện đằng sau nó. Đó là những bãi tập xe đạp với người lớn, trẻ con đông vui nhộn nhịp vào cuối tuần, dịp nghỉ hè. Thậm chí cũng chả cần dịp nào thích hợp, chỉ cần một khoảng sân nhỏ của khu tập thể, bất cứ lúc nào bố mẹ đi làm về - khi những chiếc xe được dựng một chỗ nghỉ ngơi thì trẻ con tranh thủ lấy tập. Cũng chỉ một thời gian ngắn sau thì trẻ con biết đi xe đạp.

Chia sẻ về quãng thời gian thế hệ 7x tập xe đạp, chị Nguyễn Thu Hương (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng: Thời đó,  biết đi xe đạp là một "dấu mốc" khá quan trọng đối với trẻ con, đủ để đem ra khoe với người  lớn và bạn bè như một niềm vui, niềm tự hào.  Và như một "mốc ngầm", trẻ con bắt đầu vào học lớp 1 là gần như mặc nhiên đã biết đi xe đạp. Ngược lại, bạn nào chưa biết đi xe đạp thì tự thấy kém cỏi, lặng lẽ tự tập luyện để bằng bạn bằng bè. Còn với người lớn, ai ngại ngùng không tập đi xe đạp và không biết đi xe đạp cũng tự thấy mình lạc hậu, chấp nhận thua thiệt, không thể tự "đi đây đi đó" bằng xe đạp được. Mỗi lần có dịp đi xa bằng xe đạp phải nhờ vả ngồi sau xe ai hoặc hết chỗ rồi thì ngậm ngùi ở nhà.

Hà Nội và ký ức một thời - Bài 1: Xe đạp từng là niềm tự hào của nhiều gia đình thời bao cấp - Ảnh 3.

Sửa chữa xe đạp thời bao cấp là một nghề của không ít người (ảnh minh họa/ Ngọc Thành)

Sửa chữa, bơm vá xe đạp cũng trở thành một nghề kiếm cơm của thời đó. Có khi chỉ cần một cái bơm xe đứng ở đầu đường hay góc phố có bóng mát là dễ dàng kiếm được vài đồng bạc lẻ từ những chiếc xe non hơi hoặc bị xịt lốp từ người đi đường. Còn những hàng sửa xe chuyên nghiệp hơn thì có đầy đủ đồ nghề để sửa tất cả hỏng hóc của xe. Cửa hàng rất đông khách dù không cần phải quảng cáo nhiều, chỉ cần cái biển với dòng chữ đơn giản "Sửa chữa xe đạp" cùng chiếc lốp cũ treo bên cạnh là từ đằng xa ai cũng biết đấy là chỗ sửa xe đạp.

Rồi các xí nghiệp, nhà máy chuyên sản xuất phụ tùng xe đạp làm ăn phát đạt từng là niềm mơ ước nghề nghiệp của thời ấy. Những cửa hàng bán phụ tùng xe đạp cũng tấp nập một thời đã tạo công ăn việc làm cho bao người.  

Hà Nội và ký ức một thời - Bài 1: Xe đạp từng là niềm tự hào của nhiều gia đình thời bao cấp - Ảnh 4.

Một trong những chiếc xe đạp cổ ở Hà Nội (ảnh minh họa/ Minh Khánh)

Hình ảnh chiếc xe đạp dù sang trọng, mới tinh hay cũ kỹ, bình dân gắn với đời sống của người Hà Nội suốt những năm tháng cách đây hơn nửa thế kỷ đã trở thành hoài niệm không dễ quên. Đó là hoài niệm một thời gian khổ không ai muốn quay trở lại, có thể là những tháng ngày tươi đẹp của tuổi trẻ mà chúng ta muốn trở về, muốn kể lại đầy tự hào, yêu mến. Nhưng dù thế nào thì nó vẫn là một phần ký ức không thể quên của người Hà Nội. Hình ảnh những chiếc xe đạp từng đi vào thơ ca nhạc họa đầy kiêu hãnh một thời: " Em vẫn đạp xe ra phố, anh vẫn tìm âm thanh mới..." còn vang vọng cho tới hôm nay.

Hà Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ