• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hà Nội xây dựng mô hình thí điểm phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn

Du lịch 05/12/2024 08:42

(Tổ Quốc) - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, đơn vị đang xây dựng mô hình thí điểm phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, dự kiến 11 tháng đầu năm 2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 25,33 triệu lượt khách, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 5,67 triệu lượt khách (vượt chỉ tiêu Kế hoạch đề ra năm 2024: cả năm ước đạt 5,5 triệu lượt khách) tăng 35,8% so với cùng kỳ năm 2023 (bao gồm 3,99 triệu lượt khách du lịch quốc tế có lưu trú) khách du lịch nội địa ước đạt 19,66 triệu lượt khách, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 99.949 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Lượng khách tăng trưởng nhờ các giải pháp tổng thể đã được thực hiện, bám sát các chương trình, kế hoạch phát triển du lịch từ đầu năm 2024.

Phát triển mô hình du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới

Trong tháng 11, Hà Nội tiếp tục triển khai các kế hoạch về việc Xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với các giá trị di sản - di tích tại điểm du lịch Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng theo tuyến du lịch trung tâm Hà Nội tới phía tây Thành phố; xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm đặc thù gắn với giá trị của di sản - di tích và làng nghề theo tuyến du lịch "Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội" tại các huyện: Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên năm 2024.

Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại xã An Phú, huyện Mỹ Đức; xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn tại xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ.

Hà Nội xây dựng mô hình thí điểm phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn  - Ảnh 1.

Hà Nội xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn.

Ngành du lịch cũng đã thực hiện khảo sát để đánh giá lựa chọn điểm xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn tại xã Xuân Giang (huyện Sóc Sơn), xã Tích Giang (huyện Phúc Thọ), xã Cộng Hòa, xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai).

Tổ chức Hội nghị phổ biến và hướng dẫn thực hiện Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13259:2020 Du lịch cộng đồng - Yêu cầu về chất lượng dịch vụ và hội nghị Tập huấn thực địa nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch điểm đến du lịch cộng đồng bản Miền, Ba Vì.

Triển khai các loại hình du lịch mới gắn với thế mạnh của từng địa phương như: sản phẩm du lịch thể thao tại huyện Sóc Sơn, sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với chăm sóc sức khỏe tại các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn; Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch đường sông kết nối các điểm đến du lịch dọc khu vực sông Hồng, tuyến du lịch Chương Dương Độ - Bát Tràng - Đền thờ Chử Đổng Tử; Phối hợp với các quận, huyện nghiên cứu, đề xuất triển khai các mô hình du lịch văn hóa, làng nghề mới như: nghiên cứu, phát triển làng du lịch tại huyện Sóc Sơn; trung tâm thiết kế sáng tạo làng nghề kết hợp với hoạt động du lịch tại huyện Phú Xuyên…

Theo bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, quảng bá, tổ chức các sự kiện du lịch, tháng 11, Sở Du lịch đã phối hợp với UBND huyện Ứng Hòa xây dựng kế hoạch tổ chức chương trình quảng bá du lịch "Ứng hòa - Miền di sản ngoại đô". Phối hợp UBND quận Ba Đình triển khai kế hoạch về tổ chức chương trình quảng bá sản phẩm du lịch Đêm Hà Nội 2024 và công bố Quyết định công nhận 03 điểm du lịch: Di tích quốc gia đặc biệt đền Quán Thánh, đền Voi Phục và đảo Ngọc - Trúc Bạch, quận Ba Đình.

Đồng thời tiếp tục triển khai đa dạng các hình thức truyền thông trên các kênh và các nền tảng số, trang Website, nền tảng mạng xã hội (Youtube, Facebook, Tiktok…) và các hình thức tuyên truyền quảng bá khác phù hợp trên không gian mạng.

Thực hiện sản xuất clip, biên tập, dịch bài thuyết minh các điểm đến du lịch trên địa bàn Thành phố đã được chuẩn hóa sang 5 ngôn ngữ: Anh, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Duy trì hệ thống biển chỉ dẫn, thông tin phục vụ tuyên truyền quảng bá du lịch Hà Nội ở một số điểm đến du lịch. Tuyên truyền cổ động trực quan bằng pano tấm lớn tuyên truyền về Du lịch Hà Nội chào mừng các ngày lễ, Tết trong năm, các sự kiện lớn của Đất nước và Thủ đô. Đồng thời, tích cực triển khai tuyên truyền quảng bá hình ảnh Du lịch Hà Nội tại hệ thống các màn hình LED tại khu vực sân bay Nội Bài, khu vực hồ Hoàn Kiếm, tượng đài Lý Thái Tổ; thực hiện hệ thống số hóa điểm du lịch của các quận, huyện, thị xã trong hệ thống giới thiệu du lịch chung của Thủ đô bằng giao diện ảnh 360o, 3D...

Ngành du lịch cũng đã tổ chức thiết kế, sản xuất sản phẩm quà tặng, bộ nhận diện du lịch, ấn phẩm du lịch Hà Nội đặc sắc, mang đậm nét văn hóa Thủ đô, phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch và phục vụ khách du lịch tại các khu, điểm tham quan du lịch.

Cùng với nhiệm vụ xây dựng số hóa dữ liệu các khu du lịch, điểm du lich, cơ sở dịch vụ du lịch và hệ thống bản đồ số du lịch trên địa bàn Thành phố, trong thời gian qua, Sở du lịch đã tổ chức 10 hội nghị triển khai về ứng xử văn minh du lịch và du lịch cộng đồng năm 2024 tại các xã trên địa bàn các huyện Phú Xuyên, Thanh Trì, Quốc Oai, Gia Lâm, Sóc Sơn, Đông Anh. Tổ chức tập huấn phát triển mô hình du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới năm 2024 tại huyện Chương Mỹ.

Đẩy mạnh ứng dụng nền tảng địa chỉ số trong hoạt động du lịch

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, tháng cuối cùng của năm 2024, ngành du lịch hiện đang tập trung nhiệm vụ tiếp tục tham mưu báo cáo Thành ủy, UBND Thành phố thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định 2195/QĐ-UBND ngày 25/4/2024 của UBND Thành phố về việc đổi mới mô hình tổ chức, phương thức quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (chùa Hương) huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.

Tiếp tục tham mưu xây dựng và trình UBND Thành phố ban hành kế hoạch triển khai thực hiện và phương án điều tra tài nguyên du lịch của Hà Nội theo Kế hoạch tổng thể tổ chức điều tra tài nguyên du lịch của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Hà Nội xây dựng mô hình thí điểm phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn  - Ảnh 2.

Những nét văn hóa của người dân làng cổ Đường Lâm là yếu tố giúp cho du lịch cộng đồng phát triển.

Sở cũng xây dựng mô hình thí điểm phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; triển khai Kế hoạch xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn tại xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ. Tổ chức các Hội nghị tập huấn phát triển mô hình du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới năm 2024 tại các huyện: Gia Lâm, Quốc Oai và Mê Linh.

Dịp cuối năm, ngành du lich Hà Nội cũng sẽ tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới của Thủ đô trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước.

Đẩy mạnh ứng dụng nền tảng địa chỉ số trong hoạt động du lịch; tiếp tục số hóa hệ thống thông tin số về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch, thị trường du lịch Hà Nội.

Đăng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ