(Tổ Quốc) - Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng đây là con số rất lớn và nếu giải ngân được sẽ có tác động rất lớn đối với sự phát triển kinh tế của Thành phố, trước mắt là tác động tới tăng trưởng của Quý II/2020, tăng cường cơ sở hạ tầng, thu hút thêm đầu tư xã hội, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.
Sáng 8/4, Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Thành uỷ với Ban cán sự Đảng UBND Thành phố về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ và cho ý kiến về xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn của Thành phố trong 5 năm tiếp theo.
Không điều chỉnh kế hoạch đầu tư công 2020
Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ nêu rõ Hà Nội luôn quan tâm phòng chống dịch bệnh và nỗ lực duy trì các hoạt động kinh tế theo Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và còn có xu hướng kéo dài đã ảnh hưởng đến đời sống kinh tế- xã hội của thành phố, làm suy giảm các động lực tăng trưởng, ảnh hưởng tới doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hoá.
Trước bối cảnh đấy, ông Vương Đình Huệ khẳng định: "Thúc đẩy đầu tư công mạnh mẽ hơn là giải pháp cấp bách của kinh tế Thành phố trong năm nay và góp phần hoàn thành nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ này" khi dựa trên nhận định rằng: "Đầu tư công không liên quan nhiều tới các chuỗi cung ứng hàng hoá toàn cầu mà hoàn toàn là từ ý thức chủ quan của chúng ta".
Về bảo đảm nguồn cho đầu tư công năm 2020, báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND Thành phố cho biết sau khi tính toán, dự phòng việc hụt thu ngân sách vì ảnh hưởng của COVID-19 nhưng UBND Thành phố không điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm nay, bao gồm 22.000 tỷ đồng vốn kế hoạch của năm, 11.000 tỷ đồng từ các kỳ giải ngân trước chuyển sang và khoảng 6.000 tỷ đồng vốn kết dư ngân sách của năm 2019 đã được giao cho đầu tư công năm 2020 (tổng là 37.000 tỷ đồng).
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng đây là con số rất lớn và nếu giải ngân được sẽ có tác động rất lớn đối với sự phát triển kinh tế của Thành phố, trước mắt là tác động tới tăng trưởng của Quý II/2020, tăng cường cơ sở hạ tầng, thu hút thêm đầu tư xã hội, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.
Thực tế giải ngân trong 3 tháng đầu năm 2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết các chủ đầu tư, nhà thầu đã hoàn thành 18,8% khối lượng công trình đầu tư công, tỷ lệ giải ngân đạt 9,8%, cao hơn mức 7,2% của cùng kỳ năm ngoái.
Cho rằng tỷ lệ này rất thấp, các ý kiến chỉ ra khó khăn vướng mắc nhất là chậm chễ trong khâu giải phóng mặt bằng là chính và bao trùm là sự chủ động, ý thức trách nhiệm của cán bộ thực hiện các thủ tục đầu tư vẫn còn chưa cao.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Quốc Hùng phân tích rằng, trong cùng một nền về thể chế, pháp lý nhưng có quận, huyện giải phóng mặt bằng, giải ngân nhanh hơn nơi khác. Thậm chí ngay trong một Ban quản lý dự án cũng có dự án giải ngân nhanh hơn các dự án khác.
"Ý thức trách nhiệm của cán bộ sẽ quyết định tất cả, là nhanh hay chậm. Đơn cử ở Bắc Từ Liêm, cán bộ quận xuống đối thoại với dân nhanh, công khai minh bạch các thể chế, chính sách liên quan thì dân yên tâm giao đất nhanh, dự án sớm được triển khai và ngược lại thì mọi việc chậm chạp", ông Nguyễn Quốc Hùng nói.
Lập tổ công tác của Thành phố để thúc đẩy giải ngân đầu tư công
Trong khi đó, các lãnh đạo khác của UBND Thành phố cũng nêu ra những hạn chế liên quan tới năng lực của cán bộ thực hiện dự án đầu tư công, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương và trách nhiệm, năng lực của nhà thầu thi công,... làm cho giải ngân chậm trong nhiều năm qua.
Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định cần nhanh chóng tháo gỡ các khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công và nhấn mạnh lại Thành phố sẽ không điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công mặc dù thu ngân sách của Thành phố sẽ bị ảnh hưởng. Lý do cân đối được nguồn thu là thành phố sẽ điều tiết vốn từ dự án không hấp thụ hết, chậm tiến độ (khoảng 2.000 tỷ đồng) để chuyển sang dự án hiệu quả hơn; ngân sách sẽ được dự phòng bổ sung từ nguồn kết dư và tăng thu 2019, nguồn cải cách tiền lương và dự trữ của Thành phố; kiến nghị Trung ương xem xét, quyết định tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương của Thành phố là 35%, được áp dụng cơ chế đặc thù trong rút ngắn thủ tục giải phóng mặt bằng như TP Hồ Chí Minh, cho phép Hà Nội được chỉ định thầu đối với các công trình trong tình huống cấp bách hiện nay và cho phép Hà Nội giải ngân theo tiến độ đối với các dự án ODA nhưng không làm tăng tổng mức đầu tư công.
Thống nhất nhận định và đề xuất của Ban cán sự Đảng UBND Thành phố, thay mặt Thường trực Thành uỷ, Bí thư Vương Đình Huệ khẳng định thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả là nhiệm vụ quan trọng thứ 2 của Thành phố, đứng sau nhiệm vụ phòng, chống COVID-19.
"Nếu các sở, ngành, quận, huyện, các Ban quản lý dự án chỉ cần tập trung xử lý công việc, xây dựng cơ chế báo cáo công việc và thông tin giải ngân bằng 1/3 cường độ, trách nhiệm như phòng, chống dịch thôi thì cũng giúp Thành phố giải ngân nhanh lắm rồi", ông Vương Đình Huệ hối thúc.
Do vậy, Bí thư Hà Nội đề nghị Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố thành lập Tổ công tác để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, thường xuyên giao ban, phối hợp, xác định rõ trách nhiệm từng cơ quan, thống kê từng vướng mắc gắn với trách nhiệm cá nhân và thời hạn hoàn thành đối với các thủ tục giải phóng mặt bằng, lập đơn giá, thiết kế, thi công, thẩm định công trình.
Bên cạnh đó, cùng với nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, Bí thư Thành uỷ Hà Nội yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND chỉ đạo các cơ quan ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn thi công công trình trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài để đẩy nhanh tiến độ công trình.
Thường trực Thành uỷ đồng tình với Ban cán sự Đảng UBND Thành phố có văn bản kiến nghị các cơ quan Trung ương để tháo gỡ các khó khăn trong đầu tư công của Hà Nội và chủ động xử lý các vướng mắc thuộc thẩm quyền của UBND.
Về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới, Thành phố Hà Nội sẽ ưu tiên trước hết cho các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2015- 2020 sang; sau đó là cho các dự án liên quan tới lĩnh vực giáo dục y tế, an sinh xã hội; phòng chống thiên tai bão lũ, nông nghiệp; giao thông và thiết chế văn hoá.