(Tổ Quốc) - Tỉnh có cơ sở hạ tầng tốt nhất Việt Nam sẽ sớm trở thành trung tâm logistics của cả nước.
Theo báo cáo về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, năm 2022, Quảng Ninh đứng thứ nhất trong danh sách địa phương có chỉ số cơ sở hạ tầng tốt nhất Việt Nam. Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng luôn là tỉnh đột phá, đi đầu về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh khi 6 năm liên tiếp (2017-2022) giữ vị trí đứng đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Hiện tại, Quảng Ninh tổng chiều dài hệ thống đường bộ trên địa bàn khoảng 6.361,93km. Trong đó, với việc đưa tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái vào sử dụng, Quảng Ninh trở thành địa phương có số km cao tốc lớn nhất cả nước (176km/1.046km).
Tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dài 80 km, vận tốc thiết kế 120 km/h, có tổng vốn đầu tư khoảng 14.000 tỷ đồng đã chính thức thông xe từ tháng 9/2022. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là tuyến cao tốc dài nhất, hiện đại nhất Việt Nam.
Đặc biệt, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là tuyến cao tốc duy nhất ở Việt Nam kết nối đồng bộ với 3 sân bay quốc tế (Nội Bài - Cát Bi - Vân Đồn). Đồng thời, tuyến đường này và tuyến Lào Cai - Hà Nội - Lạng Sơn đã kết nối 3 của khẩu quốc tế quan trọng nhất khu vực miền Bắc (Lào Cai, Hữu Nghị và Móng Cái).
Bên cạnh đó, tuyến đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái cùng với hệ thống cảng biển, logistics; các đầu tàu, cực tăng trưởng kinh tế của phía Bắc và các đô thị lớn; các khu kinh tế ven biển của Hải Phòng, Quảng Ninh và các khu kinh tế cửa khẩu với cửa khẩu quốc tế Móng Cái tạo ra những lợi thế so sánh khác biệt cho Quảng Ninh.
Để hoàn thành tuyến cao tốc này, Quảng Ninh đã sử dụng các kinh nghiệm trong triển khai xây dựng hệ thống cao tốc. Cơ chế "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, đầu tư công - quản lý tư", Quảng Ninh sử dụng một lượng ngân sách để làm "vốn mồi" dẫn dắt các nguồn vốn khác với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Đây là điểm mấu chốt giúp địa phương trong một thời gian ngắn có số km cao tốc bằng 1/10 tổng số đường cao tốc toàn quốc.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh, Quảng Ninh có vị trí địa kinh tế thuận lợi cùng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông gần như hoàn thiện và hiện đại nhất cả nước với đủ 5 loại hình vận tải (đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, đường biển, hàng không), giúp kết nối, giao thương với các tỉnh, thành phố trong cả nước, khu vực và quốc tế.
Do đó, tỉnh có lợi thế đặc biệt để phát triển logistics. Lợi thế phát triển logistics của Quảng Ninh gắn với thương mại biên giới, cảng biển và đặc biệt còn có Cảng hàng không Vân Đồn rất tiềm năng.
Về thế mạnh từ cảng biển, Quảng Ninh có 6 cụm cảng biển, trong đó có 3 khu vực chính gồm: Cẩm Phả (TP Cẩm Phả), Hòn Gai (TP Hạ Long) và Vạn Gia (TP Móng Cái). Xác định tầm quan trọng của cảng biển, Quảng Ninh đã tập trung huy động, thu hút mọi nguồn lực, chủ yếu là nguồn lực ngoài ngân sách để phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển, bến bãi và hạ tầng kết nối cảng biển, ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật vào quản lý, khai thác.
Điển hình như dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (TP Móng Cái giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư trên 2.200 tỷ đồng; Cảng cao cấp Ao Tiên (huyện Vân Đồn); Nhà máy điện khí LNG (TP Cẩm Phả) có hợp phần cảng biển…
Trong tương lại, khi hạ tầng cảng biển, hạ tầng giao thông kết nối và các dịch vụ hỗ trợ được phát triển đồng bộ, các cảng biển của Quảng Ninh sẽ trở thành những cửa ngõ chính, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa và vị thế của ngành kinh tế biển.
Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), khẳng định: "Với những lợi thế, tiềm năng nổi trội, cùng quyết tâm mạnh mẽ của tỉnh và nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, Quảng Ninh hội tụ đủ yếu tố cần thiết để trở thành một trong những đầu mối logistics quan trọng, trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa đa phương thức kết nối vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với cả nước, khu vực và quốc tế. Do đó, Quảng Ninh sẽ sớm trở thành trung tâm logistics của cả nước."