• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hà Tĩnh nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa qua nhiều thế hệ

Tổ Quốc Media 26/11/2020 10:10

(Tổ Quốc) - Hà Tĩnh là miền địa linh nhân kiệt, có bề dày lịch sử - văn hóa lâu đời. Vùng đất này sớm trở thành cái nôi di sản, chứa đựng nhiều trầm tích văn hóa. Với sự nỗ lực trong công tác bảo tồn qua nhiều thế hệ, nhất là từ khi có Luật Di sản văn hóa, hệ thống di sản văn hóa cả vật thể và phi vật thể ở Hà Tĩnh đã từng bước được khảo sát, nghiên cứu, xếp hạng, trùng tu, phục dựng và truyền dạy.

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị Di sản ở Hà Tĩnh

Thời kỳ tiền sơ sử, Hà Tĩnh đã có người sinh sống. Cùng với tiến trình lịch sử, Hà Tĩnh sớm trở thành cái nôi di sản, chứa đựng nhiều trầm tích văn hóa, cung cấp nhân tài vật lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước qua các thời kỳ.

Về di sản văn hóa vật thể, đến nay, đã kiểm kê được trên 1.800 di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng. Trong đó, đã xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt gần 600 di tích các loại. Về di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia và di sản tư liệu, Hà Tĩnh có hàng chục nghìn hiện vật thuộc bảo tàng, khu di tích và sở hữu tư nhân. Riêng Bảo tàng Hà Tĩnh đã có gần 10 nghìn hiện vật, trong đó có những bộ sưu tập có giá trị như bộ sưu tập đồ gốm cổ, tiền đồng cổ, các hiện vật khảo cổ Thạch Lạc, hiện vật kháng chiến chống Mỹ, kỷ vật chiến tranh, đặc biệt là bảo vật quốc gia 3 khẩu súng thần công “Bảo quốc an dân Đại tướng quân”.

Văn hóa phi vật thể và các hình thức sinh hoạt cộng đồng cũng được quan tâm, chỉ đạo phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể như Dân ca Ví dặm, Ca trù, Ví Phường vải, Trò Kiều, hát Sắc bùa, hò Nam Khê… được phục hưng và phát huy tốt trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Tính đến nay, đã xây dựng được 120 CLB Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trên địa bàn toàn tỉnh, kiểm kê được 70 lễ hội các loại, trong đó có 12 lễ hội lớn được tổ chức thường niên…

Với sự nỗ lực trong công tác bảo tồn qua nhiều thế hệ, nhất là từ khi có Luật Di sản văn hóa, hệ thống di sản văn hóa cả vật thể và phi vật thể ở Hà Tĩnh đã từng bước được khảo sát, nghiên cứu, xếp hạng, trùng tu, phục dựng, truyền dạy.

Bên cạnh những mặt đã làm được, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản trên địa bàn tỉnh còn một số bất cập. Đó là: Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Di sản văn hóa và các văn bản của Trung ương, của tỉnh chưa thường xuyên, sâu rộng; Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý di sản chưa được quan tâm đúng mức; Đội ngũ cán bộ chuyên ngành văn hóa nói chung và di sản văn hóa nói riêng cả về quản lý và chuyên môn nghiệp vụ vừa thiếu vừa yếu cả về trình độ chuyên môn và tâm huyết, trách nhiệm; Việc chấp hành pháp luật về di sản văn hóa ở một số địa phương còn chưa nghiêm dẫn đến tình trạng một số di tích tự ý xây dựng, phục dựng nhưng chưa có ý kiến của cơ quan chuyên môn; Nguồn kinh phí đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy di tích hàng năm còn ít; Cơ chế, chính sách về phát huy di sản văn hóa phi vật thể thiếu đồng bộ và chưa kịp thời... dẫn đến các di sản văn hóa vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ thất truyền, mai một ở mức cao.

Di sản văn hóa - lịch sử trên mảnh đất Hà Tĩnh được trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, hiện vẫn còn giữ được hồn cốt của nó, là cốt lõi của bản sắc văn hóa, là nguồn tài nguyên du lịch vô giá, là cơ sở để sáng tạo ra những giá trị văn hóa mới. Nhiệm vụ của chúng ta hôm nay và tương lai là phải gìn giữ, bảo tồn và phát huy để di sản lịch sử Hà Tĩnh mãi mãi trường tồn.


Đức Cường- Đức Quang- Thu Mai

NỔI BẬT TRANG CHỦ