• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hai Bộ trưởng nói về vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn ở Việt Nam

Thời sự 04/06/2024 13:54

(Tổ Quốc) - Sáng 4/6, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp 7. Sau phát biểu mở đầu phiên chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề đầu tiên thuộc lĩnh vực tài nguyên – môi trường.

Đảm bảo cung cấp nước, ứng phó với hạn hán

Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan tâm đến việc gia tăng tình trạng hạn hán, suy thoái, cạn kiệt, xâm nhập mặn ở Việt Nam, vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước cho sinh hoạt, đặc biệt là vùng khan hiếm nước ngọt.

Hai Bộ trưởng nói về vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn ở Việt Nam - Ảnh 1.

Sáng 4/6, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề đầu tiên thuộc lĩnh vực tài nguyên – môi trường.

Trả lời các đại biểu Quốc hội về tình hình hạn hán diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nhận định biến đổi khí hậu có tác động rất lớn trên nhiều vùng miền trên cả nước. Chúng ta phải chủ động thích ứng, ứng phó với biến đổi khí hậu bằng cách triển khai hiệu quả Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và hoàn thành các quy hoạch khu vực sông, điều hòa điều phối nước hợp lý; đảm bảo sử dụng tối ưu nước, dự báo, cảnh báo sớm cho người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các địa phương để phòng chống hạn hán.

Đối với vấn đề lượng mưa đổ về trong mùa hạn nhưng tại sao vẫn thiếu nước, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, năm nay có hiện tượng El Nino, nên tình trạng thiếu nước chỉ là thiếu cục bộ ở khu vực. Tỉnh Tiền Giang và một số tỉnh đã chủ động cung cấp nước bù cho người dân, có hàng trăm điểm lấy nước công cộng cho người dân.

Tuy nhiên, các nhà máy nước và các hồ chưa đảm bảo cung cấp nước, ứng phó với hạn hán, nên cần phải điều chuyển nước từ nơi khác về. Đây là vấn đề cần được tính toán, quan tâm trong thời gian tới. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ cùng với các bộ, ngành liên quan có dự báo, tính toán, đảm bảo nguồn nước; đồng thời tuyên truyền người dân chủ động tích trữ nguồn nước; tiếp tục nâng cấp các nhà máy nước, đảm bảo cung cấp nước cho Nhân dân.

Hai Bộ trưởng nói về vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn ở Việt Nam - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn

Về vấn đề xâm nhập mặn, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nêu rõ, với tác động của biến đổi khí hậu, Đồng bằng sông Cửu Long bị tình trạng xâm nhập mặn sâu, dự báo trong thời gian tới, việc lưu lượng nước hạn chế, tình trạng xâm nhập mặn sẽ còn cực đoan hơn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tính đến phương án thích ứng với biến đổi khí hậu bằng chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Ví dụ từ sản xuất nuôi trồng ngọt, chuyển sang sản xuất nuôi trồng lợ; có các giải pháp công trình đồng bộ thủy lợi, cố gắng giữ nước ngọt. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết nội dung này, Bộ sẽ có văn bản để trả lời, phân tích, đánh giá đầy đủ hơn tới các đại biểu.

Cũng theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, đối với các đối tượng yếu thế, do biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, hạn hán những người như phụ nữ, trẻ em, người già sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Từ đó có các tác động đến kinh tế gia đình, sinh hoạt. Do đó, chúng ta phải đặc biệt quan tâm và ưu tiên những đối tượng này.

"Chúng ta không phải là một quốc gia dư thừa nước"

Cùng tham gia trả lời chất vấn vấn đề đại biểu nêu liên quan đến hồ chứa nước, hồ thủy lợi và tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ với những khó khăn của người dân ở khu vực này. Bộ trưởng cho biết, tình trạng sạt lở đang diễn ra, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.

Hai Bộ trưởng nói về vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn ở Việt Nam - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tham gia trả lời chất vấn.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có chuyến thị sát và giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình đề án tổng thể về vấn đề này, dự kiến đến tháng 9 tới, Bộ sẽ trình đề án trong đó, tiếp cận một cách tổng thể hơn, chiến lược hơn về vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn. Bộ cũng tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức diễn đàn do Thủ tướng Chính phủ chủ trì gặp gỡ lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học của 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nghe thêm ý kiến của chuyên gia về vấn đề này.

Về vấn đề tài nguyên nước, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, trên thế giới đánh giá chúng ta đang ở trong kỷ nguyên khô hạn mang tính chất toàn cầu, không riêng gì Việt Nam, trong đó Việt Nam lại là quốc gia bị tổn thương nhất.

Bộ trưởng khẳng định, vấn đề nước chúng ta phải tiếp cận ba chủ thể: số lượng nước, chất lượng nước và cách thức chúng ta sử dụng nguồn nước. Đặc biệt, cách thức sử dụng nguồn nước sẽ tác động tới số lượng nước và chất lượng nước.

"Chúng ta chưa bao giờ xem nước là tài nguyên, nhưng đứng trước thách thức biến đổi khí hậu, cách thức chúng ta khai thác, sử dụng, đã đến lúc chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận với nguồn nước. Cũng cần tuyên truyền với bà con nông dân cả nước rằng, chúng ta không phải là một quốc gia dư thừa nước, do vậy cần có cách tiếp cận ngắn hạn, vừa dài hạn, vừa có chiến lược tổng thể để chuyển đổi trạng thái nông nghiệp, từ tưới tràn, tưới xả sang tưới nhỏ giọt", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Hai Bộ trưởng nói về vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn ở Việt Nam - Ảnh 4.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 4/6.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tiết kiệm nước còn liên quan đến phát thải khí nhà kính, trong đó đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh, tiết kiệm nước hơn sẽ làm giảm phát thải. Bộ trưởng cũng mong muốn Quốc hội ủng hộ đề án Chính phủ đã phê duyệt.

Về các giải pháp trước mắt hạn chế xâm nhập mặn, trữ ngọt, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đề nghị Chính phủ ưu tiên đầu tư cho Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các công trình có độ phủ rộng, nhiều người dân hưởng lợi.

Về hồ chứa, Bộ trưởng khẳng định, các địa phương cần phải xem xét thận trọng, bởi không phải dễ để sử dụng diện tích lớn làm hồ trữ nước của một địa phương để phục vụ cho địa phương khác, nhất là địa hình bằng phẳng, không có độ dốc. Bộ trưởng cho rằng, các địa phương nên tham khảo kinh nghiệm của tỉnh Trà Vinh trong tiếp cận nguồn nước, các giải pháp tiết kiệm nướng, ngăn chặn xâm nhập mặn.

Hai Bộ trưởng nói về vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn ở Việt Nam - Ảnh 5.

Các đại biểu dự phiên chất vấn.

Về hồ thủy lợi, theo phân cấp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông đang trực tiếp quản lý 5 hồ lớn và 25 hồ liên quan nhiều tỉnh do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân cấp cho các địa phương quản lý. Đến thời điểm này các hồ an toàn, đang được thường xuyên theo dõi, quản lý. Đối với 900 hồ lớn, vừa, nhỏ đã phân cấp các địa phương quản lý, nguồn lực đầu tư theo luật ngân sách của địa phương.

Tuy nhiên, đối với một số địa phương nguồn lực hạn chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng báo cáo Thủ tướng Chính phủ có giải pháp cụ thể hơn. Bộ trưởng đề nghị các đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát, đề xuất duy tu, sửa chữa đảm bảo an toàn hồ đập do địa phương quản lý…

Xuân Trường - Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ