(Tổ Quốc) - Từ nhiều năm nay, các quỹ tương hỗ truyền thống vẫn đang mất dần sức hút.
Gần đây Will Danoff phải đối mặt với 1 câu hỏi hóc búa: tại sao hàng tỷ USD đã bị rút khỏi Contrafund – quỹ tương hỗ khổng lồ mà ông đang điều hành tại Fidelity Investments. Hiệu suất không phải là vấn đề: quỹ của ông đã tăng trưởng 21% kể từ đầu năm đến nay – vượt trội so với mức 6,2% của chỉ số S&P 500. Cuối cùng kết luận của ông là: ngày nay những người trẻ tuổi muốn một điều gì đó cuốn hút, hấp dẫn hơn.
"Đó là vấn đề về nhân khẩu học", Danoff, người đã đạt được thành tích đáng nể là đánh bại chỉ số S&P 500 với khoảng cách trung bình 3 điểm phần trăm mỗi năm trong suốt hơn 30 năm qua, nói. "Chúng ta cần phải cải tiến để hấp dẫn hơn đối với thế hệ Z và cả những thế hệ trẻ hơn, và may mắn là tôi nghĩ rằng ứng dụng của chúng tôi khá tốt. Nhưng bạn biết đấy, 1 người trẻ thế hệ Z có lẽ không hứng thú với việc đầu tư vào 1 quỹ tương hỗ".
Nhận định nói trên – từ một trong những ngôi sao sáng nhất của Fidelity – thể hiện chính xác sự bối rối của toàn ngành này. Từ nhiều năm nay, các quỹ tương hỗ truyền thống vẫn đang mất dần sức hút. Nhiều nhà đầu tư quay lưng vì hiệu suất kém và mức phí thường niên có thể lên đến 1% cũng là nguyên nhân chính khiến loại hình này mất đi sức hút.
Ngày nay, số tiền đổ vào các quỹ đầu tư chủ động ngày càng giảm xuống. Thay vào đó là sự nổi lên của những lựa chọn thay thế chi phí thấp như các quỹ chỉ số và quỹ ETF mô phỏng thị trường thay vì cố gắng đánh bại thị trường. Gần đây, các nhà đầu tư trẻ tuổi còn đổ xô mua bán cổ phiếu trên ứng dụng Robinhood – nơi họ có thể giao dịch miễn phí chỉ bằng cách lướt điện thoại.
"Khi tôi bắt đầu bước vào nghề năm 1990, có tổng cộng 261 quỹ đầu tư chứng khoán và hiện giờ con số đã lên đến hàng nghìn. Có hàng nghìn quỹ đầu cơ. Hàng nghìn, thậm chí hàng triệu nhà đầu tư Robinhood. Bên cạnh đó còn có rất nhiều quỹ đầu tư quốc gia. Chẳng có gì ngạc nhiên khi mức độ cạnh tranh lại lớn đến vậy".
Hiện Fidelity vẫn là một trong những người khổng lồ của ngành quản lý quỹ, với tổng khối lượng tài sản khoảng 3.300 tỷ USD. Không giống như hầu hết các đối thủ, Fidelity cũng đã theo đuổi những thứ mới mẻ như quỹ ETF, cung cấp dịch vụ môi giới bán phần (discount brokerage) và thậm chí tham gia cả vào thị trường tiền số. Danoff cho rằng chính nguồn lực dồi dào của Fidelity là một trong những lý do giúp ông có thể đánh bại chỉ số S&P 500 trong thời gian dài đến vậy.
Ông cũng nhận ra sự hấp dẫn của các quỹ chỉ số - loại hình đầu tư trong thập kỷ trước đã tăng trưởng mạnh mẽ và làm xói mòn lợi thế của các quỹ tương hỗ, khép lại thời kỳ mà những nhà quản lý quỹ như Peter Lynch, Bill Miller và Ken Heebner là những cái tên thân thuộc với các hộ gia đình. Năm ngoái, 71% các ông chủ quỹ đầu cơ quy mô lớn ở Mỹ không thể đánh bại chỉ số S&P.
"Một vấn đề của các quỹ đầu tư chủ động là điều gì sẽ xảy ra khi nhà quản lý quỹ nghỉ hưu hoặc mất phong độ. Thứ hai, liệu cácnhà đầu tư có niềm tin mãi mãi vào nhà quản lý quỹ hay không?"
Các nhà quản lý quỹ hoàn toàn có thể mắc sai lầm. Trong trường hợp của Danoff, ông đã rút toàn bộ vị thế của Contrafund ở Tesla trong năm 2017 và 2018, bỏ lỡ cơ hội kiếm hơn 10 tỷ USD. Giờ đây ông vẫn tin rằng xe điện có 1 tương lai sáng sủa, Tesla là công ty vĩ đại và Elon Musk là 1 "CEO xuất chúng". Nhưng Danoff quyết định không đầu tư vào Tesla vì công ty này ngốn vốn quá nhiều, chưa kể đến mức giá trị vốn hóa quá cao (411,6 tỷ USD).
Ngược lại, dù cổ phiếu của Berkshire Hathaway tăng trưởng kém hơn so với S&P 500 suốt cả thập kỷ vừa qua, Danoff vẫn tin tưởng vào Warren Buffett. "Càng theo dõi lâu, tham dự các hội nghị cổ đông thường niên ở Omaha, tôi càng yêu thích cổ phiếu Berkshire. Với các cổ phiếu công nghệ mà tôi đang nắm giữ, đây là chiến lược cân bằng hoàn hảo".
Tập trung vào tăng trưởng lợi nhuận, quỹ Contrafund rót nhiều tiền nhất vào các cổ phiếu Amazon, Facebook, Apple và Alphabet – những công ty quá quyền lực đến nỗi đã trở thành đích ngắm của các luật chống độc quyền. Danoff cho biết đó chính là điều khiến ông lo lắng.
Cho đến hiện tại thì đại dịch Covid-19 đang có lợi cho danh mục của Danoff vì ông đặt cược dài hạn vào các lĩnh vực phần mềm, mạng xã hội, điện toán đám mây và thanh toán điện tử.
Tham khảo Bloomberg