• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hải Dương cần biến di sản thành nguồn lực phát triển

Thời sự 16/03/2023 14:40

(Tổ Quốc) - Thủ tướng lưu ý Hải Dương tập trung nguồn lực phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối; nghiên cứu, quy hoạch, thu hút nguồn lực đầu tư vào Khu di tích lịch sử Côn Sơn - Kiếp Bạc, phối hợp với các bộ, địa phương liên quan hoàn thiện hồ sơ đề cử công nhận Quần thể di tích "Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc" là di sản thế giới, biến di sản, tài sản thành nguồn lực phát triển.

Ngày 16/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng hệ thống chính trị năm 2022, những tháng đầu năm 2023, định hướng phát triển giai đoạn tiếp theo, giải quyết một số kiến nghị nhằm tạo điều kiện, thúc đẩy Hải Dương phát triển nhanh, bền vững.

Cùng dự cuộc làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng.

Hải Dương cần biến di sản thành nguồn lực phát triển - Ảnh 1.

Thủ tướng phát biểu kết luận buổi làm việc

Hải Dương có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển du lịch với bề dày văn hoá, văn hiến lâu đời

Tại buổi làm việc, Thủ tướng và các đại biểu dành nhiều thời gian phân tích, làm rõ tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Hải Dương. Theo đó, Hải Dương hội tụ rất nhiều yếu tố, điều kiện (cả thiên nhiên, lịch sử, cơ sở hạ tầng và con người) thuận lợi cho phát triển.

Hải Dương là vùng đất địa linh nhân kiệt, gắn liền với tên tuổi, sự nghiệp của nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân (Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Tuệ Tĩnh…).

Với diện tích 1.670 km² (thứ 52/63 cả nước), Hải Dương có vị trí địa lý quan trọng nằm ở trung tâm Ðồng bằng Bắc Bộ, thuộc vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc, trong không gian phát triển vùng Thủ đô Hà Nội, gần 3 cực tăng trưởng Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và các địa phương khác trong vùng đang phát triển mạnh mẽ.

Tỉnh có hệ thống giao thông thuận lợi với nhiều quốc lộ chạy qua, nhất là cao tốc Hà Nội-Hải Phòng…, đường sắt, đường thủy. Tỉnh tuy không có cảng biển và sân bay, nhưng rất gần cảng biển và sân bay.

Hải Dương đã tạo được nền tảng căn bản và còn tiềm năng lớn về phát triển công nghiệp, có hệ thống khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được quy hoạch và đi vào hoạt động.

Tỉnh cũng có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển du lịch với bề dày văn hoá, văn hiến lâu đời, nhiều di sản văn hóa (trong đó có 4 Di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn, Kiếp Bạc, An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương; Văn miếu Mao Điền và quần thể di tích đền Xưa - chùa Giám - đền Bia).

Hải Dương có lực lượng lao động dồi dào, trình độ chuyên môn cao (dân số trên 2,1 triệu người, thứ 8/63 cả nước); người Hải Dương năng động, sáng tạo, trung dũng, kiên cường. Có các trường đại học trên địa bàn, đáp ứng được yêu cầu đào tạo nhân lực đa ngành.

Đánh giá cao tầm nhìn, định hướng chiến lược phát triển, phương châm hành động của tỉnh, Thủ tướng nhấn mạnh một số quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. Trong đó, quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; vận dụng, thực hiện đúng đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời của mình, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, không ỷ lại, né tránh; khắc phục bằng được những hạn chế, tồn tại; hành động quyết liệt hơn, nỗ lực hơn, chủ động hơn, sáng tạo hơn.

Về định hướng, Thủ tướng yêu cầu thực hiện hiệu quả chiến lược "Bốn trụ cột - ba nền tảng - một trung tâm, ba đô thị động lực - ba trục phát triển" với trọng tâm là tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để phát triển bứt phá, bền vững, nâng tầm vị thế Hải Dương dựa trên các trụ cột: Công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp hàng hóa, tập trung, ứng dụng công nghệ cao và hữu cơ; dịch vụ chất lượng cao; đô thị xanh, thông minh, hiện đại.

Khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế khác biệt, cơ hội nổi trội; tận dụng sự lan tỏa của các trung tâm kinh tế, công nghiệp, dịch vụ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh. Phát huy tiềm năng về con người, truyền thống văn hóa lịch sử; quan tâm phát triển văn hóa ngang tầm với chính trị, kinh tế, chú ý hơn việc bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. "Hải Dương đất hẹp người đông, phải chú ý khai thác tiềm năng con người nhiều hơn và khai thác đất đai hiệu quả, tiết kiệm hơn", Thủ tướng lưu ý.

Phát triển du lịch gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa

Về nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu tập trung đầu tư cho công tác quy hoạch để phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư, tạo cả lực đẩy và lực kéo cho phát triển. Coi quy hoạch là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, phải đi trước một bước, có tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn, chiến lược; bảo đảm tích hợp, đồng bộ, thống nhất với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia. Quy hoạch phải có tính ổn định, lâu dài, còn đầu tư có thể phân kỳ, phù hợp nguồn lực. Những vị trí thuận lợi nhất phải dành cho sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn, việc làm cho người dân.

Hải Dương cần biến di sản thành nguồn lực phát triển - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Dương đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua.

Đa dạng hóa các nguồn lực, tăng cường hợp tác công-tư, lấy nguồn lực Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, kích hoạt các nguồn vốn xã hội; quản lý chặt chẽ và sử dụng vốn đầu tư hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, trong đó tập trung đầu tư kết nối giao thông với Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh…, kết nối với tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để sân bay, cảng biển gần hơn, khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, mở ra không gian phát triển mới.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng (cơ khí, chế tạo máy, thiết bị, thiết bị điện, điện tử, hóa chất, phụ trợ…) theo hướng nâng cao nội địa hóa, thiết kế sản phẩm. Phát triển nông nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị, phát triển sản phẩm OCOP. Phát triển du lịch gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa, điều kiện tự nhiên, sản phẩm, dịch vụ đặc thù.

Bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa, lịch sử, giá trị truyền thống, biến di sản tài sản, thành nguồn lực phát triển. Nghiên cứu, quy hoạch, thu hút nguồn lực đầu tư vào Khu di tích lịch sử Côn Sơn - Kiếp Bạc, phối hợp với các bộ, địa phương liên quan hoàn thiện hồ sơ đề cử công nhận Quần thể di tích "Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc" là di sản thế giới, hình thành chuỗi di sản và phát huy tốt nhất giá trị các di sản này.

Quan tâm bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện tốt chính sách đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo; chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, các công trình phúc lợi, thiết chế văn hóa khu công nghiệp.

Coi trọng đầu tư đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Con người là yếu tố quyết định, là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực của sự phát triển. Muốn phát triển văn minh, hiện đại thì phải có con người của xã hội công nghiệp, văn minh, hiện đại.

Tập trung giải quyết các vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu trong thực hiện nhiệm vụ, biểu hiện "lợi ích nhóm", "thao túng chính sách".

Chú trọng xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Đăng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ