(Tổ Quốc) - Trong năm 2017, khách du lịch đến Hải Dương lưu trú ước đạt 3.750.000 lượt, doanh thu đạt 1.780 tỉ đồng. Sáu tháng đầu năm 2018, tổng lượng khách du lịch đến Hải Dương ước đạt 2.000.000 lượt khách, doanh thu ước đạt 900 tỷ đồng.
Đảo Cò - xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương - Video: Việt Cường
Trong 2 ngày 28 và 29/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương đã phối hợp với UBND huyện Cẩm Giàng và Thanh Miện tổ chức chương trình khảo sát, tọa đàm phát triển du lịch nhằm tạo ra những sản phẩm mới, hấp dẫn du khách… góp phần nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả kinh tế mà ngành du lịch đã và đang đóng góp cho tỉnh nhà.
Hải Dương nằm ở vùng đồng bằng sông Hồng, cách thủ đô Hà Nội 57 km về phía tây, cách thành phố Hải Phòng 45km về phía đông, có diện tích tự nhiên 1,664 km2, dân số trên 1,7 triệu người.
Bà Phạm Thị Kim Nhung, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương phát biểu tại Tọa đàm
Từ xa xưa, Hải Dương đã nức tiếng khu vực đồng bằng sông Hồng là vùng đất "địa linh, nhân kiệt", một trong những vùng đất văn hiến, khoa bảng, gắn liền với tên tuổi của nhiều vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, thần y Tuệ Tĩnh….Hải Dương có trên 2207 di tích lịch sử, danh thắng (trong đó có 144 di tích được xếp hạng quốc gia và một khu di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc); nhiều làng nghề nổi tiếng như: gốm Chu Đậu, vàng bạc Châu Khê, chạm khắc gỗ Đông Giao…
Với những điệu kiện thuận lợi trên, Hải Dương có vị thế khá quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội và du lịch tại khu vực đồng bằng sông Hồng.
Trong những năm qua, được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, ngành du lịch Hải Dương đã và đang từng bước khẳng định được vị trí của mình, góp phần đáng kể vào sự phát triển chung của tỉnh nhà.
Trong năm 2017, khách du lịch đến Hải Dương lưu trú ước đạt 3.750.000 lượt, doanh thu đạt 1.780 tỉ đồng. Sáu tháng đầu năm 2018, tổng lượng khách du lịch đến Hải Dương ước đạt 2.000.000 lượt khách, doanh thu ước đạt 900 tỷ đồng.
Bà Phạm Thị Kim Nhung, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, đến nay, Hải Dương có trên 160 cơ sở lưu trú, trong đó có một khách sạn hạng 4 sao, hai khách sạn hạng 3 sao, 17 khách sạn hạng 2 sao, sáu khách sạn hạng 1 sao; 18 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành; trên 20 đơn vị kinh doanh vận chuyển khách du lịch; 20 doanh nghiệp kinh doanh điểm dừng chân du lịch.
Cũng theo bà Phạm Thị Kim Nhung, mặc dù có nhiều tiềm năng và lợi thế như vậy, nhưng du lịch của Hải Dương còn khá khiêm tốn so với các tỉnh bạn trong khu vực như Hải Phòng, Quảng Ninh…Hải Dương chưa thực sự trở thành điểm sáng hay cái tên nổi bật để du khách cũng như các công ty lữ hành tìm đến nhiều. Chưa khai thác tối đa hiệu quả tiềm năng du lịch của mình. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư theo kịp nhu cầu của phát triển; chất lượng tăng trưởng thiếu vững chắc, lượng khách quốc tế chiếm tỷ lệ rất thấp, mức chi tiêu của khách du lịch còn rất hạn chế.
Đoàn đại biểu tham quan khu di tích văn miếu Mao Điền - huyện Cẩm Giàng
Các sản phẩm du lịch còn đơn điệu, thiếu đa dạng và ít được đổi mới, chưa thực sự tạo được sức hút đối với du khách, cơ sở hạ tầng chưa thực sự đồng bộ…. Chính vì vậy, hiệu quả kinh tế - xã hội từ du lịch mang lại chưa cao, chưa tạo động lực để thúc đẩy, lôi cuốn người dân sở tại (ở các địa phương có điểm di tích, du lịch) nhập cuộc, cùng làm du lịch với chính quyền….
Thông qua chương trình khảo sát, tọa đàm phát triển du lịch Cẩm Giàng và Thanh Miện lần này, những người làm du lịch Hải Dương mong muốn nhận được những ý kiến chia sẻ của các đơn vị bạn, những góp ý của các công ty lữ hành để có thể từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tồn tại trong suốt thời gian qua, tiến tới đẩy mạnh phát triển du lịch của tỉnh nhà trong thời gian tới.
Qua chuyến tham quan, khảo sát thực tế tại các điểm du lịch của hai địa phương (Cẩm Giàng – Thanh Miện) như: Văn miếu Mao Điền, đền Bia, chùa Giám; đảo cò…các đại biểu đã có nhiều ý kiến chia sẻ, đóng góp với ngành du lịch Hải Dương, nhưng tập trung lại các ý kiến đều xoay quanh vấn đề cốt lỗi là xây dựng sản phẩm du lịch tiêu biểu, hướng tới cộng đồng và nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái.
Đầu tư, phát triển du lịch cần có trọng tâm, trọng điểm chứ không nên dàn trải. Muốn làm được như vậy thì chính quyền địa phương cùng những người làm du lịch Hải Dương cần phải xác định được đâu là thế mạnh là điểm khác biệt của mình so với các địa phương khác, có như vậy mới hình thành và xây dựng được sản phẩm du lịch hấp dẫn. Cần mở rộng và tăng cường liên kết với các địa phương để tạo ra chuỗi giá trị cao trong du lịch. Khi đã có sản phẩm du lịch hấp dẫn thì cũng cần đặc biệt coi trọng và có phương án để bảo vệ, nâng cao nhận thức của người dân trong vấn đề bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái. Muốn phát triển du lịch bền vững thì không có lựa chọn nào khác là bảo vệ môi trường. Hiện tại, Hải Dương cũng đã và đang là tỉnh thu hút khá lớn về đầu tư kinh tế, sự xuất hiện ngày càng nhiều của các nhà máy, khu công nghiệp…Đó thực sự là những bài toán đặt ra cho những người làm quản lý và du lịch của Hải Dương trong thời gian tới./.