(Tổ Quốc) - Hải Dương triển lãm ảnh "80 năm xây dựng và phát triển"; Nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhân dân được tổ chức trên địa bàn Thủ đô; Toàn tỉnh Bắc Ninh hiện lưu giữ hơn 2000 sắc phong tại các di tích lịch sử văn hóa… là những thông tin văn hóa nổi bật tại một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng.
Hà Nội: Trong 02 ngày cuối tuần thứ Bảy và Chủ nhật (23, 24/5), Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhân dân và du khách.
Các đơn vị nghệ thuật tiếp tục biểu diễn các tiết mục nghệ thuật đặc sắc phục vụ nhân dân tại nhiều địa điểm trên địa bàn Thủ đô như phố đi bộ Hoàn Kiếm (sân khấu tượng đài Vua Lý Thái Tổ, tượng đài Quyết tử), sân khấu khu vực hồ Văn – Văn Miếu và trên một số sân khấu lớn tại các quận, huyện, thị xã.
Các chương trình bao gồm nhiều tiết mục hát, múa ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, ca ngợi vẻ đẹp của quê hương, đất nước, con người Việt Nam, ca ngợi Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, Thành phố vì hòa bình.
Cùng với đó, tại khu vực Nhà bát giác còn có triển lãm ảnh về Kỷ niệm Hồ Chí Minh, sân khấu khu vực Hồ Văn thuộc Trung tâm Văn hóa, Khoa học – Văn Miếu Quốc Tử Giám tổ chức Chèo phục vụ nhân dân.
Tại khu vực tượng đài Vua Lý Thái Tổ đã diễn ra chương trình biểu diễn thể thao do Hội võ Thiên Môn Đạo Hà Nội thực hiện. Chương trình đã thu hút và gây sự chú ý của nhân dân và du khách qua các màn biểu diễn võ thuật và mùa lân…
Hải Dương: Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh đang sưu tầm, biên tập ảnh phục vụ tổ chức Triển lãm "80 năm xây dựng và phát triển" kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh (10/6/1940-10/6/2020).
Dự kiến 80 tác phẩm được trưng bày tại triển lãm. Các tác phẩm có nội dung ca ngợi nét đặc trưng của đất và người Hải Dương; truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng trong suốt quá trình lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh; những thành tựu, kinh tế, văn hóa, xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh trong 80 năm qua.
Triển lãm dự kiến diễn ra tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh (số 8 đường Hồng Quang, TPHải Dương), từ ngày 5-10/6/2020. Sau đó, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh sẽ phối hợp trưng bày triển lãm tại các huyện, thị xã, thành phố phục vụ Đại hội Đảng bộ cấp huyện nhiệm kỳ 2020-2025.
Vĩnh Phúc: Trung tâm Văn hóa tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Vĩnh Phúc vừa tổ chức tuyển chọn và chấm giải Cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII.
Sau hơn một tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được gần 300 tác phẩm tranh của 59 tác giả trong và ngoài tỉnh gửi về tham gia cuộc thi.
Theo đánh giá của Ban Giám khảo các tác phẩm có chất lượng tốt, đồng đều, đa dạng về đề tài, phản ánh không khí thi đua lập thành tích của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc; tình cảm của nhân dân hướng về Đảng; thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc và đất nước 5 năm qua; biểu dương nhân tố mới, điển hình tiên tiến của các tổ chức Đảng trên tất cả các lĩnh vực...
Các tác phẩm toát lên khí thế vui tươi, phấn khởi, đồng sức, đồng lòng của nhân dân Vĩnh Phúc đối với Đảng và Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, phát huy sức mạnh đại đoàn kết để xây dựng Vĩnh Phúc ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.
Sau một thời gian làm việc công tâm, khách quan, Ban Giám khảo tuyển chọn được 100 tranh trưng bày triển lãm và chấm được 11 giải theo đúng cơ cấu Thể lệ của Ban Tổ chức là: 01 giải nhất, 02 giải nhì, 03 giải ba và 05 giải khuyến khích.
Các tác phẩm này sẽ được in thành "Tập tranh cổ động Vĩnh Phúc chọn lọc" và in tranh cổ động cỡ lớn để trưng bày triển lãm tuyên truyền chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Ban Tổ chức Cuộc thi sẽ tiến hành tổng kết và trao giải vào tháng 10/2020.
Bắc Ninh: Theo kết quả tổng kiểm kê di tích mới đây của Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh, toàn tỉnh hiện lưu giữ được 2053 sắc phong tại các di tích lịch sử văn hóa.
Trong hệ thống sắc phong trên, sắc phong có niên đại sớm nhất được bảo lưu tại đình Hồi Quan (xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn). Đây là sắc phong có niên đại Đức Long năm thứ 6 (1634) được ban cho Tam Quang Đại vương – vị danh tướng dưới thời Hai Bà Trưng.
Ngoài bản sắc phong có niên đại sớm nhất tỉnh Bắc Ninh trên, đình Hồi Quan còn lưu giữ 29 đạo sắc phong có niên đại: Dương Hòa năm thứ 2 (1636), Dương Hòa năm thứ 3 (1637), Dương Hòa năm thứ 5 (1639), Dương Hòa năm thứ 8 (1642), Phúc Thái năm thứ 3 (1645), Phúc Thái năm thứ 5 (1647), Phúc Thái năm thứ 7 (1649), Khánh Đức năm thứ 4 (1652), Thịnh Đức năm thứ 3 (1655), Thịnh Đức năm thứ 4 (1656), Thịnh Đức năm thứ 5 (1647), Vĩnh Thọ năm thứ 3 (1660), Cảnh Trị năm thứ 8 (1670).
Ngoài ra, còn có Dương Đức năm thứ 3 (1674), Chính Hòa năm thứ 4 (1684), Vĩnh Thịnh năm thứ 6 (1710), Vĩnh Khánh năm thứ 2 (1730), Cảnh Hưng năm thứ nhất (1740), Cảnh Hưng năm thứ 28 (1767), Cảnh Hưng năm thứ 44 (1783), Chiêu Thống năm thứ nhất (1787), Quang Trung năm thứ 5 (1792), Cảnh Thịnh năm thứ 2 (1794), Tự Đức năm thứ 6 (1853), Tự Đức năm thứ 33 (1880), Đồng Khánh năm thứ 2 (1887), Duy Tân năm thứ 3 (1909), Khải Định năm thứ 9 (1924) - 2 đạo).
Nghiên cứu đạo sắc phong có niên đại sớm nhất tỉnh Bắc Ninh được lưu giữ ở đình Hồi Quan là cứ liệu quan trọng để tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, mỹ thuật và thư pháp của nước ta vào giai đoạn đầu thời Lê Trung Hưng.