Gần một tháng nữa là đến Tết Canh Dần, làng nghề làm miến truyền thống Dương Liễu (Hoài Đức) đang bước vào giai đoạn nước rút, tất bật sản xuất. Tuy nhiên, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ở đây vẫn bị thả nổi.
Còn nhiều nỗi lo
Bước vào thời điểm giáp Tết nhu cầu sử dụng miến tăng gấp 3 lần so với bình thường. Khách mua hàng bắt đầu đổ về đặt miến bán Tết. Trung bình một ngày, mỗi hộ gia đình sản xuất từ 5 tạ đến 1 tấn miến. Do tập trung sản xuất để lấy số lượng, nên khâu vệ sinh ATTP lại bị người dân bỏ qua.
Có hai loại miến được dân làng nghề sản xuất đó là miến mộc và miến vàng. Miến mộc không sử dụng thuốc tím để tẩy nên có màu xám đục. Còn miến vàng được dùng thuốc tím tẩy trắng rồi nhuộm vàng bằng bột màu thực phẩm. Theo các chủ hộ sản xuất thì các loại phẩm màu này không độc hại, nhưng nếu lạm dụng, thì việc ảnh hưởng tới sức khỏe là điều không tránh khỏi.
![]() |
Miến được phơi cạnh mương thoát nước đen ngòm, bốc mùi nồng nặc |
Đi đến đầu ngõ của khu làm miến đã thấy các loại mùi của các công đoạn làm miến kết hợp với mùi cống rãnh bốc lên. Đến các hộ gia đình mới thấy được sự ô nhiễm ngay tại nơi sản xuất. Từ những thùng đựng bột sắn đến những dụng cụ làm miến đều bày la liệt, lẫn lộn trên nền đất nhớp nháp, bẩn thỉu. Bên cạnh đó là cống rãnh thoát nước xung quanh các hộ làm miến không được khơi thông, cũng không có nắp đậy, nước thải từ trong nhà ra ngoài ngõ đen ngòm, bốc mùi, ruồi nhặng có ở khắp nơi.
Chị Nguyễn Thị Vĩnh, một chủ làm miến nói: “Chúng tôi cũng chú ý vệ sinh sạch sẽ lắm nhưng ngày Tết phải làm nhiều hàng nên hơi bừa bộn, ruồi nhặng ở đây là điều không tránh khỏi bởi cống rãnh quá bẩn mà chúng tôi không có cách nào xử lý”. Tết đến, số lượng miến được sản xuất tăng gấp 3 thì cũng đồng nghĩa với việc rác thải, nước thải tăng lên, khâu xử lý an toàn vệ sinh thực phẩm không được quan tâm.
Miến phơi cạnh những con sông “chết”
Tại nơi sản xuất miến đã đánh thức nhiều nỗi lo, vậy tại khu vực phơi miến thì sao? Miến được phơi ngay trên mặt đường mà có khối lượng xe lưu thông lớn gây bụi bẩn mù mịt, miến phơi trên cánh đồng xung quanh những con kênh, mương của làng đã bị “chết” từ lâu vì rác thải, cặn bã từ làm miến thải ra.
Xã Dương Liễu có hai con kênh chính là kênh Đan Hoài và kênh Tiêu và rất nhiều con mương nhỏ khác đều đã “chết”, đặc biệt là kênh Đan Hoài chạy qua khu vực giáp với khu dân cư của xã được phủ một màu đen kịt, sủi bọt, ruồi muỗi bay dày đặc và bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Vậy mà miến vẫn được phơi trải dài hai bên bờ kênh. Và cũng không lạ gì khi xung quanh những chỗ phơi miến đầy những túi rác, rồi những động vật chết bốc mùi. Anh Hùng một người dân sống gần kênh Đan Hoài nói: “Khu vực này quanh năm bốc mùi khó chịu như vậy, nhất là khi trời mưa. Bã sắn do dân làm miến thải ra phủ dày kín mặt các con kênh mương ở đây, nước chảy bên dưới lớp rác thải chứ không còn nhìn thấy nước nổi lên trên”.
Bàn về giải pháp cho thực trạng này, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Liễu, ông Đỗ Đăng Lương cho biết, năm 2008, UBND xã đã có quyết định về việc ban hành quy chế quản lý, sử dụng và bảo vệ hệ thống đường giao thông, cống rãnh xã Dương Liễu và đã được đem ra bàn bạc với dân.
Hiện tại, địa phương đang tích cực đầu tư để khắc phục bằng cách phối hợp với Hội Phụ nữ xã thành lập đội thu gom rác thải, khơi thông cống rãnh. Đồng thời, địa phương cũng đang có kế hoạch đầu tư bãi rác với diện tích 10.000m2 ở khu vực giữa vùng bãi. Ông Lương cho biết thêm: “Trong dịp Tết, miến được sản xuất nhiều, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra và tuyên truyền, vận động bà con đảm bảo ATVSTP trong sản xuất, tăng cường kiểm tra công tác sản xuất ở từng hộ gia đình”.
Theo ANTĐ