(Tổ Quốc) - Sáng 17/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp trực tuyến với 27 địa phương từ Quảng Ninh đến Nghệ An về công tác ứng phó với cơn bão số 1 (tên quốc tế là Talim).
Bão số 1 là cơn bão mạnh, hoàn lưu tương đối rộng
Tại cuộc họp, báo cáo cập nhật tình hình cơn bão số 1 (Talim), ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, đến 7h sáng nay, bão số 1 có cường độ cuối cấp 11, đầu cấp 12 ở vị trí cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) 310km về phía Đông Đông Nam.
"Dự báo diễn biến tiếp theo, các phương án dự báo của quốc tế và Việt Nam tương đối thống nhất, tuy nhiên hướng di chuyển và cường độ có một số khác biệt nhất định", ông Mai Văn Khiêm cho biết.
Trên cơ sở các phương án dự báo của Việt Nam, Tổng cục Khí tượng Thủy văn nhận định, khả năng cao (khoảng 80%) là từ giờ đến chiều, cường độ bão số 1 duy trì ở cấp 11 - 12 và hướng di chuyển có thể ổn định theo hướng đi về bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), suy giảm cường độ và hướng thẳng về khu vực giữa Hải Phòng và Quảng Ninh. Đây là cơn bão mạnh với hoàn lưu tương đối rộng nên phạm vi ảnh hưởng sẽ bao trùm Bắc Bộ và có thể kéo sang cả khu vực Thanh Hóa và Nghệ An.
Tuy nhiên cũng có khả năng khác là sau khi đi qua bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), bão sẽ đi lệch lên phía Bắc, sau đó đi dọc đất liền và ven biển Trung Quốc. Với khả năng này thì mưa và gió ảnh hưởng đến đất liền nước ta sẽ ít hơn (ảnh hưởng tương tự bão số 3 năm ngoái).
Về cường độ tác động, gió ở khu vực Bắc Biển Đông có thể đạt cấp 12, giật cấp 15, biển động dữ dội. Từ chiều 17/7, ở khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ gió mạnh cấp 6, cấp 7, sau lên cấp 8, cấp 9 và vùng tâm bão có khả năng đạt cấp 10 - 11, giật cấp 14.
Trên đất liền, phạm vi ảnh hưởng của bão số 1 nằm ở khu vực Bắc Bộ, trọng tâm là Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, với cường độ gió cấp 9 - 10, sâu hơn trong đất liền có thể đạt cấp 7-8, giật cấp 10. Thời gian nguy hiểm nhất của gió mạnh trên đất liền cần lưu ý là từ trưa và chiều 18/7, đề phòng ảnh hưởng cả đêm 19/7.
"Vì hoàn lưu của bão tương đối rộng nên cần lưu ý từ hôm nay, trong đất liền có thể xuất hiện dông lốc, gió giật mạnh. Trong ngay mai, dông lốc thậm chí có thể xuất hiện ở vùng Tây Bắc như Sơn La, Điện Biên", ông Mai Văn Khiêm lưu ý.
Về mưa, với kịch bản dự báo như hiện nay, có thể xuất hiện mưa lớn diện rộng ở Bắc Bộ và Thanh Hóa với tổng lượng mưa từ ngày 18 đến 22/7 có thể đạt 200mm đến 400mm, cục bộ một số nơi có thể lên đến trên 500mm. Khu vực Bắc Trung Bộ có thể ít hơn, ở khoảng từ 100mm đến 200mm.
"Hệ quả của mưa lớn cáo thể gây ra lũ quét và sạt lở đất. Trong 5 đến 10 ngày qua, một số nơi lượng mưa tích lũy đã lên đến 300mm - 400mm, độ ẩm đất cộng với nắng nóng khô thời gian qua khi kết hợp mưa lớn sắp tới rất dễ gây ra lũ quét, sạt lở đất.
Cơ quan KTTV sẽ cập nhật bản tin cảnh báo 6 tiếng 1 lần. Tuy nhiên rất khó để dự báo chính xác lũ quét, sạt lở sẽ xảy ra ở khu vực, vị trí nào. Do tính chất nguy hiểm của đợt mưa lớn này, Trung tâm dự báo KTTV quốc gia kiến nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT chỉ đạo cơ quan phòng chống thiên tai của các địa phương rà soát lại các vị trí "điểm nóng" về lũ quét và sạt lở đất để có phương án ứng phó. Kinh nghiệm qua các đợt lũ quét và sạt lở đất lớn trước đây là thường hay xảy ra nghẽn dòng ở thượng lưu các sông, suối ở các vị trí trước lũ quét, sạt lở, nếu rà soát được việc đó thì có thể cảnh báo sớm cho các địa phương", ông Mai Văn Khiêm cho biết.
Về tác động đến các đối tượng dễ tổn thương, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia nhấn mạnh, một số hoạt động có thể chịu ảnh hưởng của gió mạnh, gió giật và mưa (đặc biệt trong ngày mai) là các khu du lịch trên địa bàn Quảng Ninh, Hải Phòng, các khu khai thác than, hầm lò ở Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn hay các hoạt động ở sân bay Vân Đồn, Cát Bi, tàu thuyền và khu neo đậu thủy sản.
17.414 khách du lịch lưu trú trên các tuyến đảo của Quảng Ninh, Hải Phòng đã nhận được thông tin về bão
Báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, cho biết, tính đến 6h ngày 17/7, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 5.188 tàu/26.183 người biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động di chuyển vòng tránh. Hiện không còn tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm. Tuy nhiên, cần quan tâm đến các tàu nhỏ, tàu du lịch đi về trong ngày.
Theo Bộ GTVT, khu vực từ Quảng Ninh đến Nghệ An có 533 tàu và phương tiện thủy nội địa đang hoạt động; các phương tiện đã nhận được thông tin về bão số 1. Bộ đề nghị các tỉnh cần quan tâm đến việc neo đậu của các tàu hàng tại các cảng, khu vực cửa sông.
Về nuôi trồng thủy sản, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 119.803 ha; 20.189 lồng/bè. Các địa phương đã thông tin về bão cho người dân để chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn.
Về tình hình du lịch trên biển, tính đến 18h ngày 16/7, tại Quảng Ninh, Hải Phòng còn tổng số 17.414 khách du lịch lưu trú trên các tuyến đảo, trong đó Quảng Ninh có 4.096 người, Hải Phòng còn 13.318 nguời. Toàn bộ du khách đã nhận được thông tin về bão và bắt đầu di chuyển về đất liền. Đối với khách có nhu cầu ở lại đảo, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch tổ chức bố trí nơi lưu trú an toàn.
Với hồ thủy điện khu vực Bắc Bộ, mực nước các hồ chứa Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang đang thấp hơn mực nước cho phép.
Báo cáo tại cuộc họp, tỉnh Quảng Ninh cho biết từ 12h trưa nay, tỉnh sẽ dừng tất cả các hoạt động ra khơi của tàu thuyền. Trong khi đó, Hải Phòng dự kiến sẽ cấm biển từ 21h hôm nay.
Các bộ, ngành Trung ương đề nghị các địa phương hết sức lưu ý nguy cơ sạt lở ở các tỉnh miền núi phía Bắc do độ dốc lớn; xử lý nghiêm tình trạng lợi dụng bão để găm, đẩy giá hàng hóa thiết yếu.
Không để có thiệt hại về người và giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ, đây là cơn bão khởi động cho mùa mưa bão năm nay, "mọi việc còn ở phía trước, chúng ta phải hết sức lưu ý".
Đánh giá cao sự chuẩn bị tích cực của các bộ, ngành và địa phương trong những ngày qua để chủ động phòng, chống cơn bão số 1, Phó Thủ tướng lưu ý "dự báo vẫn là dự báo, mọi việc diễn tiến có thể không theo ý chúng ta mong muốn".
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương theo sát diễn biến của bão; thực hiện nghiêm Công điện số 646/CĐ-TTg ngày 16/7/2023, coi công điện là "kim chỉ nam" để thực hiện hành động. Tuyệt đối không được chủ quan lơ là dù đã có nhiều kinh nghiệm trong phòng chống bão.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, linh hoạt; phối hợp tốt trong cung cấp thông tin và ứng xử với diễn biến của bão; tiếp tục chuẩn bị chu đáo nhất có thể với mục tiêu không để có thiệt hại về người và giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản./.