(Tổ Quốc) - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, do tương tác với không khí lạnh nên phạm vi và mức độ ảnh hưởng của bão số 6 đến vùng biển ven bờ và đất liền có thể xảy ra theo 2 kịch bản khác nhau.
Sáng 18/10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai tổ chức họp ứng phó với bão số 6 (bão Nesat).
Phát biểu tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, từ đêm qua (17/10) bão số 6 đạt cường độ mạnh nhất cấp 12-13, giật cấp 15. Dự báo bão sẽ duy trì cường độ mạnh cấp 12-13 trong khoảng 12h tới, từ chiều và đêm nay (18/10) trở đi nhiều khả năng sẽ giảm dần cường độ khi di chuyển về phía vùng biển Trung Bộ do ảnh hưởng của không khí lạnh.
Theo ông Mai Văn Khiêm, khác với cơn bão trước đây, khi vượt qua khu vực phía Bắc của đảo Luzon (Philippines), do đi qua vùng biển thoáng, không bị ảnh hưởng của ma sát địa hình, nên bão số 6 không bị mất năng lượng nên cường độ gần như giữ nguyên khi vào Biển Đông (mạnh cấp 11).
Hiện nay không khi lạnh đang hoạt động mạnh và liên tục được tăng cường nên sự tương tác của không khí lạnh này với hoàn lưu bão trên Biển Đông sẽ quyết định đến quỹ đạo và cường độ của cơn bão số 6.
"Phần lớn các cơn bão trong quá khứ đi vào biển Đông mà gặp không khí lạnh và khô đã tồn tại phía trước thì cường độ bão sẽ suy yếu, tuy nhiên trong quá khứ vẫn có trường hợp không khí lạnh không đủ mạnh thì bão sẽ yếu đi nhưng không nhiều và cường độ ảnh hưởng tới đất liền vẫn còn mạnh", ông Mai Văn Khiêm nhận định.
Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia lưu ý, trước mắt cần đặc biệt quan tâm đến ảnh hưởng của gió mạnh trong 24-48h tới ở khu vực Bắc Biển Đông, nhất là khu vực biển Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Nam, bởi sự tương tác của không khí lạnh và hoàn lưu bão số 6.
Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 9-10, sau tăng lên cấp 11-12, giật cấp 14, sóng biển cao 6,0-8,0m, vùng gần tâm bão 8,0-10,0m. Biển động dữ dội. Vùng biển phía Tây Bắc khu vực giữa Biển Đông có mưa rào và dông mạnh; gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9 sóng cao 4,0-6,0m. Biển động mạnh.
Ở vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Nam có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao từ 3,0-5,0m; biển động mạnh.
Đối với vùng biển ven bờ và đất liền, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, do tương tác với không khí lạnh nên phạm vi và mức độ ảnh hưởng của bão số 6 có thể xảy ra theo hai kịch bản.
Kịch bản thứ nhất (với xác suất xảy ra khoảng 60-69%): Xảy ra trong trường hợp bão tương tác với không khí lạnh, suy yếu trước khi đi trước khi vào vùng biển Trung Bộ và yếu thành vùng áp thấp hoặc ATNĐ trước khi vào đất liền.
Kịch bản thứ hai (xác suất xảy ra khoảng 30-40%): Khi bão di chuyển tới khu vực phía Nam của đảo Hải Nam, tương tác mạnh với không khí lạnh rất mạnh, cường độ yếu đi nhanh sẽ tan trước khi đi vào đất liền, trên đất liền mưa và gió không đáng kể.
Theo báo cáo nhanh của Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai Tìm kiếm cứu nạn Bộ đội Biên phòng, tính đến 6h30 ngày 18/10, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 59.719 tàu/270.561 LĐ biết diễn biến của bão để di chuyển phòng tránh, trong đó 3 tàu Quảng Ngãi/33 lao động đang ở khu vực đảo Đá Lồi (quần đảo Hoàng Sa).
Về tình hình hồ đập, theo báo cáo của Vụ an toàn đập, tại khu vực Bắc Trung Bộ hiện có 2.323 hồ, dung tích từ 66-98% dung tích thiết kế; 1.319 hồ đầy nước: Thanh Hóa: 320/610 hồ; Nghệ An: 962/1.061 hồ; Hà Tĩnh: 25/346 hồ; Quảng Bình: 7/153 hồ; Thừa Thiên Huế 5/56 hồ.
Khu vực Nam Trung Bộ có 517 hồ, dung tích đạt 65-90% dung tích thiết kế; 350 hồ đầy nước: Đà Nẵng 19/19 hồ; Quảng Nam 55/73 hồ; Quảng Ngãi 65/118 hồ; Bình Định 22/160 hồ; Phú Yên 36/50 hồ; Khánh Hòa 5/28 hồ; Ninh Thuận 8/21 hồ; Bình Thuận 40/48 hồ đầy nước.