• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hai kịch bản mới nhất về tăng trưởng GDP trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19

Kinh tế 15/07/2021 17:02

(Tổ Quốc) - Sáng nay (15/7), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam tổ chức Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021: Cải cách để phục hồi tăng trưởng bền vững”. Tại hội thảo, CIEM đã công bố báo cáo kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm, đồng thời đưa ra 2 kịch bản dự báo tăng trưởng cả năm 2021.

Dựa vào tình hình kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2021 và diễn biến của dịch bệnh Covid-19, dự báo của CIEM cho thấy: Ở kịch bản 1, dịch bệnh ở Việt Nam dự báo được kiểm soát vào tháng 10/2021, tạo điều kiện cho việc nối lại hoạt động sản xuất, kinh tế ở mức bình thường thì tăng trưởng GDP có thể đạt 5,9%; lạm phát bình quân 2,6%; tăng trưởng xuất khẩu 16,4% và cán cân thương mại (tỷ USD) 4,2%.

Ở kịch bản 2, nếu dịch bệnh được khống chế sớm trong tháng 8/2021 thì tăng trưởng GDP đạt 6,2%; lạm phát bình quân 2,8%; tăng trưởng xuất khẩu 18,3% và cán cân thương mại (tỷ USD) là 5,4%. 

2 kịch bản mới nhất về tăng trưởng GDP trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 - Ảnh 1.

Theo CIEM, nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2021 có thể tiếp tục chịu những tác động từ những bất định, rủi ro trong nội tại nền kinh tế cũng như thế giới. Ảnh: Hà Giang

Như vậy, theo cả 2 kịch bản trên thì tăng trưởng GDP đều không đạt được mục tiêu Chính phủ đưa ra tại Nghị quyết 01 là 6,5%.

Trước đó, Ngân hàng thế giới (WB) đánh giá mức tăng trưởng GDP Việt Nam là 6,6%, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá ở mức 6,5%, đặc biệt, Ngân hàng TNHH một thành viên United Overseas Bank (UOB) lạc quan đánh giá mức tăng trưởng GDP 2021 lên đến 6,7%...

Theo CIEM, nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2021 có thể tiếp tục chịu những tác động từ những bất định, rủi ro trong nội tại nền kinh tế cũng như thế giới. Thời gian tới dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát làn sóng tiếp theo, làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá, chi phí logistics tăng tác động đến xuất nhập khẩu hàng hoá…Do vậy, khả năng kiểm soát dịch bệnh tiếp tục là nhân tố ảnh hưởng mạnh mẽ tới tốc độ tăng trưởng.

Viện trưởng CIEM - bà Trần Thị Hồng Minh cho rằng, thời gian tới, Việt Nam cần thúc đẩy cải cách đủ sâu rộng để phục hồi tăng trưởng một cách bền vững. Trong đó, cần bảo đảm có sự song hành giữa chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách kinh tế vi mô, hướng tới phục hồi xanh và phục hồi bền vững; Thúc đẩy phục hồi kinh doanh và nâng cao năng lực nội tại, mức độ tự chủ của nền kinh tế gắn với thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học-công nghệ hướng tới kinh tế số; trang bị kỹ năng mới để cải thiện năng suất lao động./.


Hà Giang (T/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ