(Tổ Quốc) - Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ, NXB Trẻ ra mắt độc giả hai cuốn sách về đề tài chiến tranh Biên giới Tây - Nam: "Mùa chinh chiến ấy" (Đoàn Tuấn) và "Lính Hà" (Nguyễn Ngọc Tiến).
Chiến trường Biên giới Tây - Nam hay chiến trường K, đều để gọi một chiến trường ở xa Tổ quốc- Campuchia sau thời kỳ diệt chủng của Khmer Đỏ. Trong bối cảnh lịch sử của 40 năm về trước, vừa trải qua hai cuộc chiến tranh ròng rã, đất nước còn đang bề bộn với công cuộc tái thiết đời sống hòa bình, lại phải căng mình đối phó với một cuộc chiến mới. Ngoài biên giới, súng vẫn nổ, chiến tranh vẫn diễn biến âm thầm mà khốc liệt.
Chiến trường K là nơi bộ đội Việt Nam phải đối mặt với tập đoàn diệt chủng Khmer Đỏ. Đây không chỉ là cuộc chiến tranh vệ quốc đơn thuần; ngoài nhiệm vụ giữ trọn vẹn từng tấc đất biên giới, những người lính còn mang trong mình sứ mệnh thực thi nghĩa vụ quốc tế: giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm cảnh diệt chủng. Một mặt phải chiến đấu, cảnh giác với kẻ thù luôn rình rập. Một mặt phải cố gắng bảo toàn hình ảnh đúng mực của người chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam ở một miền đất xa lạ, không phải quê hương của mình. Trước ngần ấy dồn nén kinh khủng của chiến tranh, những người lính trẻ mười tám, đôi mươi đã vấp phải vô số thử thách về phẩm chất con người, lẫn cạm bẫy của việc từ bỏ hàng ngũ. Nhưng họ đã ở lại, đã chiến đấu, chia nhau ngụm nước, điếu thuốc rê, năm này qua năm khác… Những người may mắn trở về, mang theo thứ tài sản vô giá của cuộc đời quân ngũ: tình đồng đội.
Bìa cuốn sách "Mùa chinh chiến ấy" của Đoàn Tuấn |
Cả hai cuốn sách đều được viết dưới dạng “hồi ức chiến binh”. Nhớ lại và viết. Nội dung, vì thế, được chắt lọc hoàn toàn từ những trải nghiệm xương máu, không thông qua lăng kính phóng đại, hư cấu của thể tài văn học cố định nào. Nhân vật “tôi” - cũng chính là tác giả, người lính đã cầm súng chiến đấu trong cuộc hành quân dài hàng ngàn cây số tới những miền rừng núi heo hút của xứ sở Chùa Tháp và để lại một phần máu thịt tuổi trẻ ở đó. Những trang văn là đầy ắp những con người, những sự kiện, những cảm xúc, suy tư có thực của đời “lính K”.
Người lính tại chiến trường K phần lớn là những học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông. Nên không lạ khi họ ra trận với một tâm thế rất hồn nhiên, mang cả những suy tư học trò vào chiến trận hay thơ thẩn bỏ cơm mấy bữa vì nhớ người yêu. Đến từ khắp mọi miền đất nước nên “văn hóa lính K” cũng hết sức đa dạng, nhiều màu sắc. Lính tráng lúc này không chỉ hát “Tiến bước dưới quân kỳ”, “Cuộc đời vẫn đẹp sao"… mà còn biết ca cải lương, “đổ” những bài “nhạc vàng” thấm đẫm tâm trạng và không ngần ngại, đọc cho nhau nghe những câu thơ đầy lãng mạn.
Bìa cuốn sách "Lính Hà" của Nguyễn Ngọc Tiến |
Với “Lính Hà”, Nguyễn Ngọc Tiến làm nên chân dung lính Hà Nội đương thời, có cả sự kế thừa từ thế hệ lính đàn anh đi trước - “Hà Nội hiên ngang giữa ban ngày”. Đó là đám lính nổi tiếng bông phèng, ngang tàng nhưng cũng tài hoa, mơ mộng, si tình chẳng kém ai. Trong chất văn rỉ rả, có phần bỗ bã lính tráng ấy hiện lên những suy cảm trữ tình riêng tư, chỉ có thể bộc lộ qua câu chữ ghi chép, qua chia sẻ gần gũi. Có ra đi, có trở về, có những cái chết không hẹn trước và cả những cắc cớ, dang dở của đời lính.
Còn Đoàn Tuấn, tận dụng tối đa khả năng quan sát, ghi chép tỉ mỉ - những phẩm chất vốn có của một người lính thông tin để tái hiện lại “Mùa chinh chiến ấy”, dù đã qua đi gần 40 năm, nhưng vẫn sinh động như một giấc mơ tuổi trẻ khốc liệt mà tuyệt đẹp. Đoàn Tuấn ghi lại từng thói ăn, nếp ở, hoạt động tác chiến, chặng đường hành quân, những phong tục tập quán kỳ lạ của đất nước bạn qua con mắt xanh non của một người lính trẻ, hay thậm chí là những chuyện “bốc giời” của anh em, bồ tèo. Như anh luôn trăn trở: “Làm sao góp nhặt để tặng lại cho mỗi người, cho đồng đội tôi?”. Đoàn Tuấn viết trong sáng, tự nhiên nhưng khi cần cũng không hề né tránh những mảng gai góc của hiện thực.
Cùng với không nhiều những cuốn sách viết về tài chiến tranh biên giới Tây Nam trước đây, “Lính Hà” và “Mùa chinh chiến ấy” tiếp nối, làm thành bộ tác phẩm tư liệu đầy đủ, chân xác đến từng chi tiết về những mất mát của tuổi trẻ Việt Nam ra chiến trận trong một giai đoạn mà đất nước tưởng đã yên ấm, hòa bình. Hy sinh không chỉ của những người đã mất, mà cả người đang sống.
Nhà báo, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến hiện đang công tác tại báo Hà Nội mới, từng có 6 năm chiến đấu tại mặt trận Biên giới Tây Nam (1976 -1981). Những tác phẩm (truyện, tiểu thuyết, khảo cứu) của anh về Hà Nội: Me Tư Hồng, Mong manh, 5678 bước chân quanh hồ Gươm, Đi xuyên Hà Nội, Đi ngang Hà Nội - Đi dọc Hà Nội (Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội - 2012).
Nhà biên kịch, nhà văn Đoàn Tuấn tốt nghiệp Đại học Điện ảnh Liên Xô (VGIK) năm 1991, có nhiều kịch bản đã được dựng thành phim như: Ngõ đàn bà - 1992, Chiếc chìa khóa vàng - 1995, Sống cùng lịch sử - 2014… Sách văn học đã in: Đất bên ngoài Tổ quốc (Tập thơ - in chung với Lê Minh Quốc), Những người không gặp nữa (Nxb Trẻ - 2006)... Đoàn Tuấn nguyên là chiến sĩ sư đoàn 307, chiến đấu tại chiến trường K trong giai đoạn khốc liệt 1978-1983. Hiện nay, anh là Phó Tổng biên tập tạp chí Thế giới điện ảnh.