(Tổ Quốc) - “Những trái hồng treo gió dẻo và chất lượng cần phải được bóp nhả, mát xa trên dây hàng ngày. Hồng treo từ 20 – 30 ngày sẽ được thu hoạch, tuỳ thuộc vào kích cỡ trái to, nhỏ”, chị Huỳnh Thị Huệ, chủ một cơ sở sản xuất hồng treo gió tại Cầu Đất, Đà Lạt cho hay.
"Chăm sóc, nâng niu trái hồng như chăm con"
Hồng Đà Lạt vốn nổi tiếng từ rất lâu, nhưng vài năm gần đây hồng Đà Lạt treo gió mới được biết đến như một hiện tượng. Tuy nhiên, phải đến khi "mục sở thị" cơ sở sản xuất hồng treo gió của gia đình chị Huỳnh Thị Huệ mới thấy được phương pháp làm hồng treo gió cẩn thận và kỳ công đến mức nào.
Mùa này, hai bên đường dẫn vào cơ sở sản xuất của gia đình chị Huỳnh Thị Huệ (Cầu Đất, Đà Lạt) phủ một màu vàng, xen lẫn đỏ rực rỡ của những trái hồng đang vào thời điểm chín rộ nhất. Khu vực này có tới hàng trăm cây hồng, đủ cung cấp cho khoảng 50-60 hộ gia đình sản xuất hồng treo gió tại đây.
Chia sẻ với phóng viên, chị Huỳnh Thị Huệ cho biết, những trái hồng tươi rói sau khi hái từ trên cây về được đem rửa sạch và phân loại. Những quả chín quá, rụng cuống, bị dập trên đường vận chuyển sẽ được loại bỏ, sau đó hồng tiếp tục được rửa nhiều lần bằng nước sạch.
Bước tiếp theo là gọt vỏ hồng. Bước này cũng cần một kỹ thuật nhất định làm sao cho vỏ mỏng nhất và không bị rụng cuống. Sau khi gọt vỏ, hồng được vệ sinh sạch một lần nữa rồi xử lý qua lưu huỳnh theo quy định kỹ thuật nhằm làm sạch nhựa hồng.
Chị Huỳnh Thị Huệ chia sẻ về phương pháp làm hồng treo gió
Sau đó, hồng được treo trong nhà lồng bằng những sợi dây buộc vào cuống. Những quả hồng sẽ được treo cách nhau khoảng 25cm. Khoảng cách giữa các dây cũng được cách nhau khoảng 25cm để bảo đảm tỷ lệ hồng treo không quá dầy để gió cũng như ánh nắng không chiếu vào được.
"Nhà lồng phải bảo đảm các yếu tố vệ sinh, không để cho côn trùng bay vào. Người nhà tôi ra vào nhà lồng đều phải đội mũ che tóc, đeo găng tay… Nhà đang ở của tôi có khi vài ngày không cần dọn dẹp nhưng nhà lồng thì ngày nào cũng phải vệ sinh sạch sẽ…", chị Huệ cho hay.
Đặc biệt, bà chủ cơ sở này cho biết thêm: "Để có được những trái hồng treo gió dẻo và chất lượng thì hồng cần phải được bóp nhả, mát xa trên dây hàng ngày. Hồng treo từ 20 – 30 ngày sẽ được thu hoạch, tùy thuộc vào kích cỡ trái to, nhỏ. Trái càng nhỏ thì thời gian phơi gió càng ngắn, nếu để lâu sẽ bị khô. Trái hồng to thì thời gian phơi lâu hơn. Áng chừng từ khi bắt đầu phơi được hơn 10 ngày là tôi phải vào nhà lồng kiểm tra hằng ngày, sau đó ăn thử xem trái nào đã hết vị chát chưa? Đủ độ dẻo chưa? Nói chung là tôi chăm sóc, nâng niu những trái hồng như chăm con vậy!".
Có đến tận nơi sản xuất mới biết được rằng, làm hồng treo gió tuy không cần áp dụng đến kỹ thuật tân tiến, tối ưu, đắt đỏ…nhưng yêu cầu sự cẩn thận, sạch sẽ và kỳ công tuyệt đối.
Hồng sau khi xử lý sạch được treo trên dây.
Đơn cử, những căn nhà lồng để treo hồng phải được đặt ở những nơi thoáng, có nắng gió… nhưng yêu cầu phải "sạch như phòng mổ". Xung quanh nhà lồng được chắn bằng một loại lưới đặc biệt nhằm ngăn côn trùng, ruồi muỗi nhưng cũng phải đủ để gió lọt vào… Dưới nền và mái nhà đều được quây kín, rất sạch sẽ.
"Làm hồng treo gió sợ nhất là mưa kéo dài. Vì thế, gia đình tôi phải lắp một số bóng đèn tan sương nhằm mục đích làm ấm hồng mỗi khi trời mưa dài hàng tuần, hoặc trời nhiều sương…", chị Huệ cho biết thêm.
"Làm hồng treo gió lãi một gấp đôi"
Theo UBND TP. Đà Lạt, phương pháp hồng treo gió người dân Đà Lạt tiếp nhận từ Nhật Bản đã cứu nghề chế biến mứt hồng Đà Lạt (hồng treo gió) và cứu cây hồng không bị phá bỏ. Năm 2012, những người nông dân sản xuất hồng gió từ Nhật Bản và các chuyên gia nông nghiệp của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam đã đến Đà Lạt hướng dẫn cho hơn 100 hộ nông dân phương pháp chế biến hồng chỉ dùng nắng và gió tự nhiên. Sau đó 2 năm, một số người dân Đà Lạt bắt đầu triển khai phương pháp này. Thời điểm đó, hồng khi vào mùa giá chỉ 2.000 đồng/kg tươi, không đủ tiền công hái. Sau khi nghề sản xuất hồng treo gió phát triển, giá hồng tại vườn đã tăng lên gấp 5 -6 lần.
Chị Huỳnh Thị Huệ cho biết, gia đình chị có hàng nghìn mét đất dành để trồng hồng, cà phê và rau… Thời gian đầu gia đình chị chỉ bán hồng tươi, sau đó, chứng kiến nhiều gia đình "phất lên" từ nghề mới nên chị bàn bạc với chồng "nâng cấp" từ kinh doanh hồng tươi lên thành sản xuất hồng treo gió.
Hồng treo gió phụ thuộc vào rất nhiều thời tiết
Do mùa hồng Đà Lạt chỉ diễn ra trong 3 tháng (bắt đầu từ giữa tháng 9 và kéo dài đến cuối tháng 11 đầu tháng 12) nên đây là thời điểm gia đình chị bận rộn nhất trong năm. Thời gian đầu, do chưa quen tay nghề nên lượng hồng treo gió làm ra bị hỏng khá nhiều.
"Đáng lẽ những trái hồng bé phải được thu hoạch sớm hơn nhưng do không nắm chắc kỹ thuật nên tôi để thu hoạch cùng lượt với những trái hồng to, vì thế số lượng trái hồng bé bị khô cứng, mất đi độ dẻo và bị mốc", chị Huệ chia sẻ khó khăn trong thời gian đầu bắt tay vào nghề sản xuất hồng treo gió.
Rút kinh nghiệm, năm sau đó chị Hồng đã làm tốt hơn, tính toán tỉ mỉ hơn thời gian đầu nên thành quả đã không phụ lòng người.
Hiện cơ sở nhà chị Huệ có khoảng 3- 4 nhân công chuyên gọt vỏ hồng. Chị trả công cho họ 3.000 đồng/kg, tiền hái hồng từ trên cây xuống cũng tương đương.
"Vào giữa mùa lượng sản xuất nhiều lên, có những hôm gia đình tôi cũng sản xuất vài ba tạ hồng tươi. Trung bình cứ 6-8 kg hồng tươi sẽ làm thành 1kg hồng treo gió. Giá bán ra thì cũng không cố định, giao động từ 300.000 đồng – 350.000 đồng/kg, vào mùa Tết thì đắt hơn. Nói chung, lãi từ làm hồng treo gió cũng gấp đôi so với vốn bỏ ra, nhưng với điều kiện gia đình tôi lấy công làm lãi", chị Huệ cho hay.
Cũng theo chị Huệ, phương pháp làm hồng treo gió của người Nhật có cái hay là khi hồng chín tới đâu thì được gió và nắng sấy khô tới đó nên thành phẩm mềm, giữ nguyên độ ngọt và vị vốn có của hồng tươi. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là độ hao hụt sau chế biến rất lớn, nếu thời tiết nắng mưa thất thường hồng sẽ rụng cuống hoặc lên mốc không thể sử dụng được.
"Dù vậy, gia đình tôi quyết tâm sẽ bám trụ lâu dài với nghề này để cuộc sống ổn định hơn", chị Huỳnh Thị Huệ chia sẻ.