• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hải trình thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1-12 (Bài 2): "Chúng tôi muốn các chiến sĩ hiểu được mình đang bảo vệ chính nghĩa"

Thời sự 03/06/2022 20:04

(Tổ Quốc) - Cùng với những tình cảm ấm áp mang đến từ mọi miền của Tổ quốc, nhiều đơn vị trong Đoàn công tác số 7 của chúng tôi cũng đã chuẩn bị các món quà vô cùng ý nghĩa mà đặt vào đó là đầy ắp những tâm tư, những lời gửi gắm về chủ quyền biển đảo dành tặng cho các quân và dân tại các quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1-12.

"Chúng ta đang bảo vệ chính nghĩa"

Từ nhiều tháng trước, khi biết được tin mình sẽ tham gia đoàn công tác của Bộ Nội vụ đến thăm quân và dân tại các quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1-12, cùng với cảm giác vui mừng, khấp khởi và háo hức, ông Đặng Thanh Tùng - Cục trưởng Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước đã mất nhiều đêm ngày trăn trở mình sẽ theo món quà gì thực sự ý nghĩa từ đất liền để tặng cho những người chiến sĩ đang canh giữ ở vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Hải trình thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1-12 (Bài 2): "Chúng tôi muốn các chiến sĩ hiểu được mình đang bảo vệ chính nghĩa" - Ảnh 1.

Đoàn công tác Bộ Nội vụ tặng quà cho các cán bộ, chiến sĩ trên Đảo Trường Sa.

Trong suốt chuyến hải trình này, khi chúng tôi đặt vấn đề muốn được biết điều đó, ông đã hẹn sẽ trả lời sau khi đến đảo Trường Sa - điểm đảo cuối cùng mà Đoàn công tác số 7 của chúng tôi may mắn được đặt chân đến. Vì vậy mà câu hỏi đầu tiên khi chúng tôi và ông cùng nhau ngồi dưới tán cây bàng vuông ở đảo Trường Sa đó là: "Vì sao ông muốn trả lời chúng tôi ở đảo Trường Sa mà không phải đảo nào khác?".

Ông Đặng Thanh Tùng cho biết, lý do mà ông muốn trả lời chúng tôi trên điểm đảo cuối cùng của hải trình lần này là vì, đây là chuyến thăm Trường Sa đầu tiên của ông, và ông muốn tự mình cảm nhận xem món quà mình mang tặng đã đúng với những cảm nghĩ của mình về Trường Sa trong lần đầu tiên đặt chân đến này.

"Đến bây giờ, sau khi đã đặt chân đến 7 đảo chìm và 3 đảo nổi, được gặp, được thấy những khó khăn, gian khổ, sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ hải quân tuổi còn đôi mươi, tôi nghĩ rằng món quà mình mang tặng thực sự ý nghĩa. Đó không phải là món quá về vật chất mà về tinh thần, để củng cố thêm niềm tin cho những người lính đảo" - ông Đặng Thanh Tùng chia sẻ.

Món quà mà ông Đặng Thanh Tùng gửi đến các chiến sĩ đó chính là Châu bản triều Nguyễn. Đây là khối tài liệu lưu trữ quốc gia được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Khối tài liệu này bao gồm tất cả văn bản chính thức của nền hành chính triều Nguyễn trước đây. Trong số tài liệu đó, có tài liệu rất quý từ những năm đầu của thế kỷ 19.

Hải trình thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1-12 (Bài 2): "Chúng tôi muốn các chiến sĩ hiểu được mình đang bảo vệ chính nghĩa" - Ảnh 2.

Các chiến sĩ hải quân anh dũng đang ngày đêm bảo vệ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ông Đặng Thanh Tùng chia sẻ, trong phiên bản tặng cho các chiến sĩ quân và dân Trường Sa là Châu bản có bút phê trực tiếp của Vua Tự Đức. Trong này tờ sớ có nêu, một tàu từ nước Anh chở 500 người từ Phúc Kiến (Trung Quốc) đến Singapore bị nạn, mắc kẹt ở một trong những đảo của quần đảo Trường Sa, Việt Nam.

Theo đệ trình của các quan quản lý, nhà vua đã đồng ý cấp lương thực, vật liệu sửa chữa con thuyền đó để họ có thể tiếp tục hành trình. Văn bản đó tuy đơn giản như vậy nhưng nó thể hiện tâm thế, tính nhân văn của nước chủ nhà khi có những người gặp nạn trên biển sẵn sàng dang tay cứu giúp. Quan trọng hơn, nó thể hiện chúng ta đã có chủ quyền của các quần đảo Trường Sa từ rất sớm.

"Tôi quyết định tặng những món quà đó với mong muốn các chiến sĩ ở Trường Sa hiểu được tính chính nghĩa, sự thiêng liêng của một công dân khi có được vinh dự bảo vệ biển đảo của dân tộc mà suốt bao nhiêu thế hệ người Việt đã hy sinh xương máu để gìn giữ" - ông Đặng Thanh Tùng cho biết.

Hai món quà tiếp theo mà ông Đặng Thanh Tùng dành tặng các chiến sĩ đó là cuốn sách và tấm ảnh có chữ ký về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - "Người Anh cả" của Quân đội nhân dân Việt Nam. "Tôi mong muốn tấm gương về tinh thần yêu nước, chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc của Đại tướng sẽ truyền cảm hứng đến những người chiến sĩ trẻ để tiếp tục noi theo truyền thống anh hùng của các thế hệ ông cha đi trước trong bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc" - ông Đặng Thanh Tùng bày tỏ.

Tâm tư gửi gắm từ đất liền

Hành trình lần đầu tiên đến thăm các quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1-12 của Thiếu tướng, PGS.TS Trần Anh Vũ - Phó Giám đốc Học viện An ninh nhân dân lại càng thêm ý nghĩa hơn khi món quà mà ông mang theo để tặng các chiến sĩ đang canh giữ biển đảo đó là tâm tư, tình cảm của hàng ngàn học viên Học viện An ninh nhân dân.

Hải trình thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1-12 (Bài 2): "Chúng tôi muốn các chiến sĩ hiểu được mình đang bảo vệ chính nghĩa" - Ảnh 3.

Thiếu tướng, PGS.TS Trần Anh Vũ - Phó Giám đốc Học viện An ninh nhân dân trao thư của các học viên cho cán bộ, chiến sĩ trên Đảo Tốc Tan C.

Thông qua phong trào "Sinh viên Học viện An ninh nhân dân viết thư gửi cán bộ, chiến sĩ tại quần đảo Trường Sa", hơn 1.500 bức thư và hơn 30 bài thơ của sinh viên Học viện được đóng thành 11 cuốn sách đã được Thiếu tướng Trần Anh Vũ trực tiếp trao tận tay các chiến sĩ tại 10 đảo và Nhà giàn DK1-12.

Thiếu tướng Trần Anh Vũ chia sẻ, phong trào được tổ chức nhằm giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên Học viện An ninh nhân dân, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; đồng thời chuyển tải những thông điệp, tình cảm của thế hệ trẻ của sinh viên Học viên An ninh nhân dân đến với cán bộ, chiến sĩ hiện đang công tác tại quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1-12.

"Thực tế khi thăm, làm việc trên các điểm đảo thì bên cạnh những khó khăn về vật chất, cán bộ chiến sĩ còn có những khó khăn về mặt tinh thần. Chúng tôi mong muốn những bức thư sẽ là món ăn tinh thần, sự kết nối của đồng chí "chưa từng gặp mặt" nhưng chung một nhiệm vụ cao cả đó là bảo vệ Tổ quốc Việt Nam" - Thiếu tướng Trần Anh Vũ bày tỏ.

Bài 3: "Tôi cố nén cảm xúc để không khóc khi ôm đàn đứng hát ở nơi các em đang đứng gác"

(còn nữa)

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ