(Cinet)- Chính sách văn hóa của Hàn Quốc được phát triển liên tục trong vài thập kỷ gần đây, trong đó thể hiện rõ đường lối chung và các mục tiêu quốc gia cho từng giai đoạn. Một trong các mục tiêu chính của chính sách văn hóa hiện nay là thúc đẩy sự hài hòa và gắn kết giữa phát triển kinh tế và văn hóa của đất nước.
Ảnh minh họa |
(Cinet)- Chính sách văn hóa của Hàn Quốc được phát triển liên tục trong vài thập kỷ gần đây, trong đó thể hiện rõ đường lối chung và các mục tiêu quốc gia cho từng giai đoạn. Một trong các mục tiêu chính của chính sách văn hóa hiện nay là thúc đẩy sự hài hòa và gắn kết giữa phát triển kinh tế và văn hóa của đất nước.
I. Giới thiệu chung văn hóa Hàn Quốc
Văn hóa Hàn Quốc chịu ảnh hưởng tương đối mạnh mẽ của Nho giáo. Do lịch sử chia cắt dân tộc từ năm 1948, trước đây, Hàn Quốc cũng có chính sách chống cộng và “đóng cửa” đối với văn hóa Bắc Triều Tiên. Cho đến cuối những năm 1980, các sản phẩm văn hóa và nghệ thuật của Triều Tiên hay liên quan đến Triều Tiên đều bị cấm phổ biến tại Hàn Quốc. Từ năm 1988, Tổng thống Kim Dea Jung bắt đầu thực thi chính sách mở cửa với Triều Tiên, và đặc biệt với “Chính sách ánh dương” (Sunshine Policy), các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giữa Hàn Quốc và Triều Tiên được khôi phục. Về khía cạnh kinh tế, quá trình công nghiệp hóa mạnh mẽ và nhanh chóng của Hàn Quốc từ những năm 1960 đã đưa nước này trở thành một trong mười nền kinh tế lớn nhất thế giới và là thành viên của tổ chức OECD (Các tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế). Tuy nhiên, quá ưu tiên cho phát triển kinh tế có thể đe dọa các truyền thống và giá trị văn hóa dân tộc cũng như sự gắn kết của các thành phần trong cấu trúc kinh tế- xã hội. Để giải quyết những vấn đề này, hiện nay chính phủ Hàn Quốc đã phát triển các chính sách văn hóa phù hợp để thúc đẩy sự hài hòa và gắn kết giữa phát triển kinh tế và văn hóa của đất nước.
II. Xu hướng phát triển của chính sách văn hóa Hàn Quốc
1. Đường lối chung của chính sách văn hóa Hàn Quốc
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc là tổ chức của chính phủ, chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, du lịch và thể thao. Tổ chức này đóng vai trò trung tâm trong hoạch định và phát triển các chính sách văn hóa ở qui mô quốc gia. Bên cạnh vai trò của chính quyền trung ương, các chính quyền địa phương cũng chủ động trong việc xây dựng chính sách văn hóa và tổ chức bộ máy quản lý để phát triển văn hóa ở địa phương. Chính sách văn hóa của Hàn Quốc được phát triển liên tục trong vài thập kỷ gần đây, trong đó thể hiện rõ đường lối chung và các mục tiêu quốc gia cho từng giai đoạn. Các nhà nghiên cứu cho rằng “Kế hoạch tổng thể phát triển văn hóa năm năm lần thứ nhất”, được đề xướng bởi chính phủ Park Chung Hee vào năm 1973 được đánh dấu như một chính sách văn hóa dài hạn đầu tiên trong chính sách văn hóa của Hàn Quốc. Từ đó, chính phủ đã công bố nhiều tài liệu chính thức đề cập đến chiến lược phát triển văn hóa- nghệ thuật quốc gia. Qua nhiều giai đoạn phát triển, mặc dù các mục tiêu văn hóa của từng thời kỳ có những thay đổi nhất định, tùy thuộc theo hoàn cảnh cụ thể của đất nước, các mục tiêu chủ yếu và thường xuyên trong chính sách văn hóa Hàn Quốc là: xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển văn hóa, nghệ thuật; nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của nhân dân; và thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa.
2. Một số đổi mới trong chính sách văn hóa Hàn Quốc
Trong điều kiện nền kinh tế tri thức và quá trình toàn cầu hóa hiện nay, hơn bao giờ hết, chính phủ Hàn Quốc nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa nghệ thuật trong phát triển kinh tế và xã hội. Các chính sách của Chính phủ như “Hàn Quốc sáng tạo” (Creative Korea) (2004), “C- Korea 2010” và Kế hoạch phát triển nghệ thuật trung hạn và dài hạn “Sức mạnh của nghệ thuật” (2004) đều thể hiện một tầm nhìn, trong đó văn hóa, du lịch, thể thao và giải trí là động lực thúc đẩy và định hướng cho sự phát triển xã hội của quốc gia và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Trong hoạch định và thực thi chính sách văn hóa, chính phủ Hàn Quốc đã đặt ra một số ưu tiên và thay đổi nhằm đáp ứng nhu cầu của hoàn cảnh mới.
2.1. Thay đổi về cơ chế tài chính
Một trong những thay đổi cơ bản nhất trong chính sách tài chính của chính phủ cho văn hóa nghệ thuật là sự chuyển hướng tài trợ, từ tài trợ cho “bên cung” sang hỗ trợ cho “bên cầu”. Nói cách khác, trước đây, các trợ cấp của chính phủ chủ yếu dành cho các tổ chức nghệ thuật và nghệ sỹ, nhằm vào quá trình sáng tạo và biểu diễn nghệ thuật. Như vậy, đối tượng nhận hỗ trợ của chính phủ là nghệ sỹ và các tổ chức nghệ thuật. Ngày nay chính phủ quan tâm và tập trung nhiều hơn vào khán giả là những người thưởng thức/ tiêu thụ văn hóa. Quan điểm của chính phủ Hàn Quốc là cố gắng đạt được sự cân bằng giữa “sáng tạo, truyền bá và hưởng thụ” các giá trị văn hóa nghệ thuật6. Có thể thấy, đây là một động thái tích cực, hướng đến sự phát triển lâu dài và bền vững của văn hóa, nghệ thuật Hàn Quốc. Khán giả là động lực quan trọng cho văn hóa nghệ thuật, thậm chí là lực lượng thúc đẩy và định hướng cho khu vực này. Đặc biệt, khi các tổ chức văn hóa nghệ thuật phải độc lập về tài chính trong nền kinh tế thị trường, các hoạt động và sản phẩm nghệ thuật của họ phải hướng tới khán giả nhiều hơn để đảm bảo cho tổ chức có thể tồn tại và phát triển. Hướng trọng tâm ưu tiên vào khán giả cũng khẳng định hướng tiếp cận đảm bảo phúc lợi xã hội của chính phủ Hàn Quốc, trong đó nhấn mạnh vào sự tham dự và hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của mọi người dân. Văn hóa được nhìn nhận như một phần không thể thiếu trong cuộc sống và là công cụ để nâng cao mức sống của nhân dân Hàn Quốc. Về cách thức hỗ trợ cho khu vực văn hóa nghệ thuật, chính phủ cam kết tiếp tục tài trợ trực tiếp những khoản trợ cấp lớn, đồng thời thực hiện các tài trợ gián tiếp khác. Lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật ở Hàn Quốc nhận được nhiều hỗ trợ trực tiếp từ chính phủ. Ngân sách quốc gia cho văn hóa nghệ thuật tăng đáng kể từ 0,6% năm 1998 đến 1,05% năm 2005. Trong năm 2005, chỉ tính riêng lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đã nhận được khoản ngân sách 168,2 tỉ won (tương đương với 172,3 triệu đô la Mỹ)7. Chính phủ cũng đã xây dựng cơ sở hạ tầng, hình thành nhiều quỹ cho văn hóa nghệ thuật, cải tạo và nâng cấp nhiều trung tâm biểu diễn văn hóa nhỏ, đảm bảo điều kiện vật chất cho các địa điểm biểu diễn và quảng bá, thúc đẩy văn hóa nghệ thuật thông qua nhiều hoạt động, sự kiện. Tuy vậy, hiện nay, chính phủ Hàn Quốc tập trung nhiều hơn theo hướng hỗ trợ gián tiếp cho văn hóa nghệ thuật. Nhà nước cố gắng tạo ra các động cơ để xã hội đầu tư và tiêu thụ văn hóa nghệ thuật như ban hành các qui định, giảm và miễn thuế cho việc mua bán các tác phẩm nghệ thuật và doanh thu từ các sự kiện văn hóa nghệ thuật. Hơn nữa, chính phủ Hàn Quốc đang trong quá trình tìm tòi phương thức đa dạng hóa các nguồn lực tài chính cho văn hóa để khuyến khích sự thích ứng với môi trường và chủ động phát triển của các tổ chức văn hóa nghệ thuật trong nước. Khuyến khích sự đầu tư, hỗ trợ cho nghệ thuật từ khu vực tư nhân và các cá nhân thông qua hoạt động tài trợ và từ thiện, đặc biệt là việc thực hiện trách nhiệm xã hội và hợp tác với các tổ chức văn hóa nghệ thuật của các doanh nghiệp là một trong những khuynh hướng được ưu tiên hàng đầu.
2.2. Thay đổi về cơ chế quản lý văn hóa
Thay đổi quan trọng trong cơ chế quản lý văn hóa của Hàn Quốc hiện nay là xu hướng phi tập trung hóa. Nguyên bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc, ông Dongchea Chung, đề cập đến xu hướng này như một “bước ngoặt quyết định” từ việc “chính phủ ra quyết định và quản lý” sang việc “hợp tác giữa chính phủ và các khu vực tư nhân”.
Hiện nay, với chiến lược “chính phủ tham dự” (participatory government), việc tham gia của nhiều bộ phận xã hội từ chính quyền trung ương, chính quyền địa phương cho đến các nhà nghiên cứu, giáo sư, nghệ sỹ và cộng đồng trong quá trình hoạch định chính sách văn hóa đang được khuyến khích. Xu hướng này đảm bảo cho việc chính sách văn hóa không phải được áp đặt từ trên xuống mà chính sách phản ánh được nhu cầu của mọi tầng lớp xã hội, của từng người dân. Hướng đi này là chuyển biến tích cực, mang tính dân chủ trong việc xây dựng và thực hiện chính sách văn hóa ở Hàn Quốc. Nhìn rộng ra, đây cũng là xu hướng quản lý văn hóa hiện đại của nhiều nước như Pháp, Thụy Điển, Phần Lan. Quá trình phân cấp, phân quyền trong quản lý văn hóa có thể làm cho khu vực văn hóa nghệ thuật tự chủ và năng động hơn, đồng thời cũng là tiền đề cho sự phát triển lành mạnh của khu vực này. Cơ chế mới này sẽ truyền cảm hứng và đánh thức sự sáng tạo và tiềm năng của mỗi cá nhân và tổ chức trong xã hội, tạo cho họ những cơ hội để đóng góp vào sự phát triển của văn hóa và nghệ thuật.
Ảnh minh họa |
3. Thay đổi về chính sách văn hóa trong từng lĩnh vực
Luật Phát triển Văn hoá và Nghệ thuật Hàn Quốc định nghĩa về văn hoá và nghệ thuật là phạm vi bao gồm di sản, văn học, mỹ thuật, âm nhạc, múa, nhà hát, điện ảnh, giải trí, âm nhạc truyền thống, nhiếp ảnh, ngôn ngữ và xuất bản. Dựa trên định nghĩa này, mỗi chính sách văn hoá được đưa ra cho từng lĩnh vực.
3.1. Di sản văn hoá
Một trong những trách nhiệm chính của Bộ Văn hoá và Thể thao là bảo tồn di sản văn hoá quốc gia. Một phần ngân sách nhất định đuợc phân bổ cho các hoạt động hỗ trợ phát triển các bảo tang, công viên quốc gia, thư viện, trung tâm lưu trữ quốc gia, các di sản văn hoá di chuyển được và không di chuyển được và bảo vệ môi trường quốc gia và các loài động vật gặp nguy hiểm. Số lượng các bảo tàng ở Hàn quốc vào năm 1996 là 182 với 23 bảo tàng chính của quốc gia như bảo tàng lịch sử, nghệ thuật, khoa học, dân gian, bưu chính và đường sắt nằm dưới sự điều hành và quản lý của chính phủ.Chức năng bảo tồn di sản văn hóa như tu bổ các cung điện lịch sử được thực hiện bởi Cục Quản lý Tài sản Văn hoá. Các bộ phận bảo tàng trực thuộc cũng được thành lập tại các bảo tàng lớn của Hàn quốc tại nước ngoài như Anh, Pháp, Nhật Bản, Mỹ..vv. Các tổ chức trực thuộc này do Hiệp hội Văn hoá và nghệ thuật Hàn Quốc và Hội bảo trợ ngành kinh tế tư nhân hỗ trợ về tài chính.
Vào năm 1996, Hàn Quốc có 20 công viên quốc gia. Bộ Văn hóa và Thể thao chịu trách nhiệm về quản lý các tài sản văn hoá hiện có tại các công viên quốc gia này như đền, chùa, các công trình lớn về tự nhiên, các loài động vật đang gặp nguy hiểm trong khi Bộ Quản lý nhà nước và tự trị địa phương chịu trách nhiệm về công tác bảo tồn các công viên này. Bộ cũng đã sửa đổi luật Công Viên Quốc Gia vào năm 1996 để bảo vệ các khu di tích hoạt động.
Bộ đã tiến hành sửa đổi Luật Công viên quốc gia vào năm 1996 để bảo vệ các công viên quốc gia khỏi những tác động từ các phương tiện giải trí và hoạt động thể thao. Trong năm 1997, 52,7 tỉ won (55,2 triệu đô la Mỹ) đã được tiêu tốn cho việc duy trì hoạt động của các công viên quốc gia, 108 tỉ won (113,4 triệu đô la) cho công tác bảo tồn các di sản văn hóa và 73.3 đô la cho hoạt động của các bảo tàng quốc gia và 26,1 đô la để duy trì các bảo tàng dân tộc…vv. 5 khu di sản văn hóa quốc gia của Hàn Quốc nằm trong danh sách các di sản văn hóa thế giới của tổ chức UNESCO bao gồm: Đền okkuram Grotto and Pulguksa (1995), đền Changgyoung P'ango,
Kho cất giữ tấm ván cổ của người Tripitaka (1995), Lăng mộ cổ Chongmyo (1995) và Lâu đài Suwon Whasung (1997) và Cung điện Changduk.
Cục Quản lý Tài sản Văn hoá có nhiệm vụ chính trong thực hiện công tác bảo tồn di sản văn hoá và các hoạt động khác nhau như quản lý, nghiên cứu, khai quật, trùng tu các khu di tích văn hoá, hợp tác quốc tế về văn hóa. Đồng thời Cục Quản lý Tài sản Văn hóa cũng thực hiện chức năng công nhận các di sản văn hóa quốc gia.
Vào năm 1995, Cục Quản lý Tài sản Văn hóa công nhận tổng số 2.514 tài sản văn hóa quốc gia bao gồm 286 đồ vật lịch sử quốc gia và 1.228 các tài sản văn hóa có gia trị khác. Chính quyền cấp địa phương cũng đã công nhận tổng số 2.929 tài sản văn hóa quốc gia.
3.2. Chính sách Ngôn ngữ
Nền tảng chính sách ngôn ngữ của Hàn quốc là sự khuyến khích người dân có kiến thức sâu rộng và phát triển ngôn ngữ quốc gia cũng như khuyến khích các yếu tố đặc sắc của ngôn ngữ trong phạm vi quốc gia và trên thế giới.
Chính sách ngôn ngữ đề cập đến một số các nội dung như thay thế ngôn ngữ nước ngoài mà trước đây thường sử dụng chữ Trung Quốc bằng tiếng Hàn Quốc, khuyến khích các phương tiện truyền thông sử dụng ngôn ngữ tiêu chuẩn...vv. Viện Ngôn ngữ quốc gia được thành lập theo Nghị định của Thủ tướng ban hành năm 1990 để đóng góp vào sự phát triển văn hoá ngôn ngữ Hàn Quốc và đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định chính sách về ngôn ngữ. Nhiệm vụ của Viện là thực hiện các cuộc nghiên cứu về khoa học và hệ thống để cung cấp nền tảng cơ bản cho một chính sách ngôn ngữ quốc gia. Viện cũng thiết lập các tiêu chuẩn về ngôn ngữ Hàn Quốc liên quan đến các khía cạnh như phép chính tả, khoảng cách từ và thể thức viết hoặc nói..vv. Trên phạm vi quốc gia, Viện có chức năng thu thập và tổng hợp các ngôn ngữ được sử dụng bởi người dân ở cả miền Bắc và miền Nam Hàn Quốc để đưa ra một ngôn ngữ thống nhất quốc gia. Trên phạm vi thế giới, Viện giới thiệu nền văn học Hàn Quốc với bạn bè quốc tế và xuất bản các loại sách về Tiếng Hàn Quốc để phục vự người học nước ngoài.
3.3. Thư viện và Bảo tàng
Năm 1996, tổng số 10.244 thư viện đang hoạt động trên khắp Hàn Quốc. Chúng bao gồm một thư viện quốc gia, một thư viện quốc hội, 329 thư viện công cộng, 378 thư viện thuộc các trường đại học, 9.117 thư viện trường học và 418 thư viện chuyên ngành. Tổng số bảo tàng ở Hàn quốc là 174 bảo tàng tính đến năm 1997 trong đó bao gồm 23 bảo tàng quốc gia, 24 bảo tàng công cộng, 47 bảo tàng tư nhân và 80 bảo tàng thuộc các trường đại học. Thư viện quốc gia Hàn quốc thu thập và bảo tồn các loại sách và tài liệu vốn là một phần của di sản văn hóa quốc gia. Thư viện quốc gia cũng có trách nhiệm trong việc phát triển hệ thống thư viện hiện đại, chuẩn hoá các thư mục, hỗ trợ và nghiên cứu cho các thư viện khác, thiết lập cơ sở dữ liệu về thư mục quốc gia. Đồng thời Thư viện quốc gia tổ chức mạng lưới Hệ thống Thông Tin thư viện Hàn quốc (KOLIS-NET) và liên kết với các tổ chức nước ngoài bao gồm Liên đoàn Quốc tế các Hiệp hội Thư viện (IFLA), Liên đoàn Tài liệu quốc tế (FID) và Hội đồng Lưư trữ quốc tế (ICA).
Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc là một tổ chức công cụ với các nhiệm vụ như khai quật, thu thập, nghiên cứu, bảo tồn, trưng bày các di tích lịch sử và văn hoá, cung cấp các chương trình giáo dục và xã hội nhằm mục đích củng cố và nâng cao sự hiểu biết về văn hoá truyền thống. Bảo tàng cũng thực hiện các chức năng về nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Hàn Quốc và khôi phục nền nghệ thuật truyền thống và thủ công trong các hoạt động sống hằng ngày. Đây là nơi lưu trữ của 120.000 di sản khảo cổ học và nghệ thuật, bộ sưu tập gồm 4.500 di vật lịch sử được trưng bày tại 18 triển lãm nghệ thuật hàng năm tại Hàn Quốc.
Bảo tàng Dân Gian quốc gia được thành lập nhằm mục đích đảm bảo sự hiểu biết tốt hơn về văn hoá truyền thống, trưng bày các di vật lịch sử và vật dụng thời xưa trong hoạt động hằng ngày. Bảo tàng cũng hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu so sánh nền giữa xã hội Hàn Quốc với xã hội các nước về phong tục truyền thống và xuất bản chuyên đề và sách liên quan.
3.4. Nghệ thuật biểu diễn
Hiện nay, 276 cơ sở đang phục vụ các hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở Hàn Quốc bao gồm 44 khu liên hợp nghệ thuật, 89 Hội trường lớn biểu diễn nghệ thuật công cộng, 133 hội trường biểu diễn quy mô nhỏ, 254 rạp chiếu phim, 495 nhà hát quy mô nhỏ. Theo niên giám văn hoá và nghệ thuật năm 1996, số lượng các buổi biểu diễn nghệ thuật bao gồm 1.380 về âm nhạc truyền thống, 3.193 về âm nhạc cổ điển Phương tây và 1.850 vở kịch, 1.492 buổi biểu diễn múa. Nhiều sự kiện văn hoá lớn cũng đã diễn ra ở khu vực này như: Liên hoan Nghệ thuật sân khấu Seoul, Liên Hoan Nghệ thuật Sân khấu toàn quốc, Liên hoan Múa Seoul, Liên hoan Múa toàn quốc, Liên hoan Âm nhạc Seoul, Liên hoan Âm nhạc quốc gia, Liên hoan Nghệ thuật truyền thống quốc gia, Liên hoan âm nhạc giao hưởng truyền thống quốc gia, Hội thi Âm nhạc dân gian quốc gia và nhiều sự kiện văn hoá diễn ra tại các địa phương.
Nhà hát Lớn được thành lập năm 1950 với mục đích bảo tồn các hình thức nghệ thuật truyền thống và phát triển nghệ thuật đương thời. Đây là nơi quy tụ 7 đoàn nghệ thuật thành viên: Đoàn Kịch quốc gia, Đoàn Ch'anggkuk quốc gia, Đoàn Múa quốc gia, Đoàn múa Ba lê quốc gia, Đoàn dàn hợp xướng quốc gia và Đoàn hát Opera quốc gia. Trung tâm biểu diễn nghệ thuật truyền thống quốc gia có vai trò quan trọng trong hoạt động nghiên cứu và bảo tồn các dụng cụ và nền âm nhạc truyền thống. Trung tâm tiến hành các cuộc nghiên cứu về sự phát triển của các dụng cụ và các loại hình âm nhạc truyền thống. Trung tâm cũng xuất bản các bảng tổng phổ âm nhạc truyền thống, tài liệu nghiên cứu và các loại sách tham khảo khác. Trung tâm là nơi tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống trước công chúng như: tổ chức thường xuyên 80 buổi hoà nhạc các buổi hoà nhạc Thứ bảy, các buổi hoà nhạc tại các nơi thiệt thòi về văn hoá và tại nước ngoài. Kết hợp với các đoàn nghệ thuật múa và âm nhạc trực thuộc, Trung tâm tổ chức các nghi lễ âm nhạc tại Lăng mộ cổ Hoàng gia và Lăng mộ Khổng tử.
Giáo dục về âm nhạc và các điệu múa truyền thống Hàn Quốc là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của trung tâm với việc lập ra và điều hành rất nhiều các chương trình như: khoá học kéo dài ba tuần cho người mới bắt đầu học về điệu múa và âm nhạc truyền thống, khoá học một năm về các nhạc cụ truyền thống, khoá học cho các giáo viên trung học, sinh viên và giảng viên đi tới các khu vực khác để tìm hiểu về văn hoá truyền thống.
Trung tâm Nghệ thuật Seoul là một khu liên hợp các loại hình nghệ thuật đươc xây dựng nhằm cung cấp cơ sở cho các hoạt động biểu diễn của các nhà nghệ thuật và phục vụ khán giả để đóng góp tốt nhất cho quá trình sáng tạo và phát triển của nền văn hoá quốc gia.
Trung tâm được thành lập năm 1998. Trong thời gian gần đây, trung tâm đã thu hút sự tham gia của 10 triệu người tham gia và hàng năm trên 1 triệu người tham gia vào các hoạt động nghệ thuật được tổ chức tại trung tâm. Trung tâm quản lí các tổ chức trực thuộc như Phòng hoà nhạc, các hội trường lớn tổ chức nghệ thuật như Nhà hát Opera, Nhà hát kịch, Nhà hát Thử nghiệm, Triển lãm nghệ thuật, Thư viện nghệ thuật, Căn phòng thư pháp và Công viên văn hoá. Trung tâm tổ chức hầu hết các buổi biểu diễn về các loại hình nghệ thuật từ nhạc giao hưởng Phương tây tới các buổi biểu diễn kịch của trẻ em. Đồng thời trung tâm cũng tổ chức liên hoan nhạc giao hưởng, liên hoan âm nhạc thính phòng, liên hoan nhạc pan, buổi hoà nhạc với các tác phẩm mới về âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc và âm nhạc Phương tây, buổi hoà nhạc quốc tế và liên hoan các bài hát thánh ca quốc tế. Trung tâm cũng thực hiện chương trình phát triển mạnh các loại hình sáng tác nghệ thuật.
Ảnh minh họa |
3.5. Nghệ thuật trưng bày
Theo số liệu thống kê năm 1997, Hàn Quốc có tổng số 32 bảo tàng nghệ thuật trong đó bao gồm 1 bảo tàng quốc gia, 4 bảo tàng công cộng và 26 bảo tàng tư nhân. Có khoảng 269 trung tâm triển lãm và 337 phòng trưng bày tư nhân hoạt động trên khắp cả nước.
Một cuộc thi cấp quốc gia được tổ chức hàng năm về các lĩnh vực như hội hoạ, thủ công, kiến trúc, nhiếp ảnh. Đại hội nghệ thuật Hàn quốc, Triển lãm thủ công Hàn Quốc, Đại hội nghệ thuật kiến trúc quốc gia, Triển lãm quốc gia về nhiếp ảnh là những cuộc thi được tổ chức nhàm mục đích khuyến khích phát triển các nhà nghệ thuật chuyên nghiệp. Đồng thời các cuộc thi này cũng nhằm mục đích nâng cao sự nhận thức của người dân về nghệ thuật trưng bày. Quỹ Nghệ thuật và Văn hoá Hàn Quốc (KCAF) hỗ trợ tổng số 96 dự án với kinh phí 460 triệu won (0,6 triệu đô la Mỹ) về lĩnh vực nghệ thuật trưng bày vào năm 1996.
Bảo tàng nghệ tuật đương thời quốc gia là một tổ chức quan trọng cung cấp phương thức tiếp cận toàn diện với xu hướng hiện nay về nghệ thuật đương thời của quốc gia và quốc tế. Nhiệm vụ của Bảo tàng là thu thập một cách hệ thống và bảo tồn các tác phẩm nghệ thuật và tích cực giới thiệu nghệ thuật Hàn Quốc ra thế giới và tiếp nhận các tác phẩm nghệ thuật nước ngoài thông qua mối quan hệ hợp tác với các bảo tàng trên thế giới.
3.6. Văn học
Theo niên gián nghệ thuật và văn hoá năm 1996, tổng số 855 các loại tạp chí khác nhau đã được xuất bản trong lĩnh vực văn học bao gồm 704 tạp chí được xuất bản bởi nhiều hiệp hội các nhà văn. 4.411 các loại sách khác nhau được xuất bản và 226 sự kiện văn học đã được tổ chức. Quỹ Văn hoá và nghệ thuật Hàn Quốc thực hiện các chương trình hỗ trợ về tài chính nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các hoat động sáng tạo trong viết sách và khuyến khích nền văn học quốc gia phát triển. Các chương trình trợ giúp của KCAF bao gồm xuất bản các tạp chí của hiệp hội các nhà văn, xuất bản và phân phối các tạp chí định kì văn học Hàn quốc và xuất bản các sách văn học Hàn Quốc với hệ thống chữ nổi dành cho những người mù...vv. Tổng số tiền hỗ trợ từ quỹ KCAF cho 170 dự án khác nhau trong lĩnh vực văn học trong năm 1996 là 15,7 tỉ won (19,5 triệu đô la Mỹ).
Ảnh minh họa |
3.7. Cơ sở Dữ liệu thông tin về Văn hoá và Nghệ thuật
Với sự công nhận vai trò quan trọng của các thông tin có hệ thống, chính phủ Hàn Quốc trong thời gian gần đây đã tiến hành một loạt các hành động liên quan đến việc ban hành các luật về thông tin. Luật Tăng cường Thông tin đã được ban hành năm 1995 và Uỷ Ban Tăng cường thông tin được điều hành bởi Thủ tướng Hàn Quốc được thành lập vào tháng 4 năm 1994. Sau đó, vào tháng 6 năm 1996, chính phủ đã đưa ra bản công bố "Kế hoạch Tăng cường Phát triển thông tin".
Như là một phần trong kế hoạch, Kế hoạch tăng cường phát triển thông tin về văn hoá được lập ra vào năm 1996 bao gồm ba giai đoạn: giai đoạn một (1995-1997), giai đoạn hai (1998-2000) và giai đoạn ba (2000-2010). Cơ sở dữ liệu thông tin được hoàn thành năm 1997 bao gồm Hệ Thống Dữ liệu thông tin Tài sản Văn hóa, Hệ thống Dữ liệu thông tin Thư viện, Hệ thống dữ liệu thông tin Bảo tàng và Hệ thống dữ liệu thông tin nghệ thuật. M0ột cơ sở dữ liệu bao gồm xấp xỉ 3.300 phương cách tiếp cận thông tin về Kho báu quốc gia, khu di tích lịch sử và kho báu thông qua các phương tiện thông tin như sách báo, tranh ảnh và âm thanh Hệ thống cơ sở dữ liệu về Tài sản Văn hoá và 4000 phương cách tiếp cận với hệ thống Quản lý thông tin về Tài sản văn hoá Công cộng. Có 1000 cách thức tiếp cận thông tin về Bảo tàng Quốc gia trên Hệ thống Dữ liệu thông tin Bảo tàng. Hệ thống Dữ liệu Thông tin thư viện là một hệ thống thông tin điện tử kết nối với 9 bảo tàng lớn trên cả nước với mục đích nhằm khuyến khích việc sử dụng danh sách đầy đủ về các loại sách tham khảo quốc gia và chuẩn hoá trong quản lí thông tin. Hệ thống dữ liệu Bảo tàng với dung lượng 1000 thông tin về các tác phẩm được sưu tầm, 1200 về các nhà nghệ thuật và các thông tin về các sự kiện triển lãm nghệ thuật, giới thiệu về bảo tàng...vv. Hệ thống Dữ liệu Nghệ thuật thiết lập một cơ sở dữ liệu bao gồm các thông tin về điện ảnh, kịch, âm nhạc và nghệ thuật truyền thống.
3.8. Xuất bản sách và tạp chí định kỳ
Ngành công nghiệp xuất bản của Hàn Quốc chiếm 6% thị phần toàn cầu và là 1 trong 10 nước xuất bản lớn nhất trên thế giới. Vào năm 1996, tổng số các công ty xuất bản đang hoạt động tại Hàn Quốc là 12.458 công ty và 5.028 xưởng in và 26.664 loại tài liệu được xuất bản với tổng số bản được in là 158.136.723. Mặc dù ngành công nghiệp xuất bản Hàn Quốc đã tăng về số lượng như đã đề cập ở trên, chủ yếu vẫn là sách tham khảo dành cho các trường chiếm thị phần lớn nhất 44,2% và sách cho trẻ em chỉ chiếm 8,9%. Các tạp chí định kì được xuất bản vào năm 1997 với tổng số lượng 8.724 tạp chí trong đó bao gồm 126 tạp chí định kì hàng ngày, 2.561 tạp chí định kì hàng tuần, 3.376 tạp chí hàng tháng, 2 tạp chí tin tức và 2.659 các loại tạp chí định kì khác.
Môi trường phát triển ngành xuất bản quốc gia đang ngày càng trở nên khó khăn hơn khi Hàn Quốc phải hội nhập toàn cầu với sự tuân thủ các điều lệ của tổ chức WTO. Vì vậy, Luật bản quyền đã được ban hành nhằm vượt qua thách thức đó. Chính phủ Hàn Quốc thực hiện kế hoạch thành lập “Khu công nghiệp thông tin xuất bản” và làm cho ngành công nghiệp xuất bản trở thành một ngành công nghiệp chiến lược của quốc gia.
Từ năm 1995, Hiệp hội văn hoá xuất bản Hàn Quốc đã tổ chức Hội chợ Sách quốc tế tại Seoul và khuyến khích các công ty xuất bản của Hàn Quốc tham gia các hội trợ sách hàng đầu thế giới để tìm hiểu về xu hướng xuất bản của thế giới và học hỏi kĩ thuật xuất bản hiện đại của quốc tế.
3.9. Báo chí và truyền hình
Tính đến tháng 3 năm 1996, tổng số các công ty truyền thông trên toàn quốc bao gồm báo chí, thông tấn xã, các đài truyền hình và phát thanh, các đài truyền hình cáp lên tới 216 công ty với đội ngũ nhân viên là 42.893 người. Trong số 216 công ty truyền thông có đến 67 công ty báo chí (10 công ty báo hàng ngày, 9 công ty báo kinh tế, 2 công ty báo tiếng Anh, 3 công ty báo Thể thao và 43 công ty báo tiếng Hàn quốc), 43 đài truyền thông (bốn đài truyền thông quốc gia như KSB, MBC, SBC, ESB) và 2 thông tấn xã. Hơn 1,5 triệu gia đình đã mắc truyền hình cáp vào năm 1996.
3.10. Phim điện ảnh, hoạt hình và viđeo
Ảnh minh họa |
Trong năm 1996, 65 bộ phim đã được sản xuất trong nước trong khi có tới 483 phim nước ngoài được nhập khẩu vào Hàn Quốc. Trong số 483 phim nước ngoài, phim Mỹ chiếm 56,3% với 227 phim. 13,7% các bộ phim được phân phối trực tiếp bởi các công ty sản xuất phim nước ngoài. Đồng thời 19 bộ phim trong nước cũng được xuất khẩu sang các nước trên thế giới. Số lượng các bộ phim được công chiếu tại các rạp chiếu bóng là 375 với 55 phim trong nước và 320 phim nước ngoài.
Năm 1996, doanh thu của ngành công nghiêp phim Hàn Quốc là 202.8 tỉ won (252 triệu đô la Mỹ) và số lượng người tham gia vào ngành công nghiệp này là 5.570 người. Năm 1997, 30 trường đại học đã đào tạo các khoá học về điện ảnh với 1.844 sinh viên tham gia.
Công ty Phát triển Phim điện ảnh Hàn Quốc được thành lập năm 1973 để khuyến khích, thúc đẩy và hỗ trợ ngành điện ảnh phát triển. Công ty có chức năng cung cấp cho các nhà làm phim chi phí sản xuất trong suốt giai đoạn tiền sản xuất đồng thời giúp đỡ họ có được các khoản vày từ ngân hàng. Hàng năm Công ty trao giải thưởng cho các nhà sản xuất phim và tăng cường tổ chức các cuộc thi viết kịch bản phim trên truyền hình và người viết kịch bản đạt giải thưởng sẽ được công nhận là một nhà sản xuất phim. Vào năm 1984, Công ty đã thành lập Viện Nghệ thuật Điện ảnh Hàn quốc để đào tạo các nhà sản xuất phim triển vọng và giúp đỡ họ trong việc tham gia vào ngành công nghiệp điện ảnh sau khi hoàn tất chương trình đào tạo.
Trung tâm Lưu trữ Phim quốc gia được thành lập năm 1974 nhằm mục đích nâng cao vài trò quan trọng của giá trị phim ảnh về nghệ thuật, lịch sử và giáo dục thông qua việc sưu tập, bảo tồn và trưng bày các bộ phim, sách báo và tài liệu liên quan.
Trong năm 1996, ngành phim hoạt hình Hàn Quốc đạt doanh thu 40 tỉ won (50 triệu đô la Mỹ) trong tổng doanh thu của ngành điện ảnh quốc gia là xấp xỉ 3,5 nghìn tỷ won (4.347 triệu đô la Mỹ) và chiếm 99% lượng phim xuất khẩu ra nước ngoài. Có khoảng 200 công ty sản xuất phim hoạt hình với xấp xỉ 20.000 nhân viên và 5 hiệp hội phát triển phim hoạt hình. 10 tổ chức giáo dục đại học đã mở các khoá học về phim hoạt hình với 525 sinh viên tham gia theo học 4 năm bậc đại học và 2 năm bậc cao đẳng. Doanh thu của ngành công nghiệp video trong nước là 199,6 tỉ won ( 248 triệu đô la Mỹ) vào năm 1996. Tỉ lệ khán giả xem video phim trong năm 1996 là 44,4% tăng 8,3% so với năm 1993. 42% các video phim về giải trí tăng 7,9% so với năm 1993 và 7.7% về giáo dục và văn hóa, giảm 0,4% so với năm 1993. Một người xem trung bình 1,9 video phim mỗi tháng trong đó 0,2 phim về giáo dục và văn hóa.
3.11. Ngành công nghiệp ghi âm và trò trơi trên máy tính
Vào năm 1995, ngành công nghiệp ghi âm băng đĩa nhạc của Hàn Quốc đạt doanh thu 400 tỉ won (516,3 triệu đô la Mỹ) và trở thành thị trường lớn thứ 8 trên thế giới và lớn thứ 2 trong khu vực Châu Á sau Nhật Bản. Số lượng các công ty ghi âm của Hàn Quốc là 98 và 5 công ty phân phối trực tiếp đa quốc gia đang hoạt động. Các công ty ghi âm trong nước chiếm 63% và các công ty ghi âm đa quốc gia chiếm 37% thị phần băng đĩa tại Hàn quốc. Thị trường trò chơi máy tình Hàn Quốc đạt doanh thu 500 tỉ won (645,4 triệu đô la Mỹ) cũng trong năm 1995. Mức tăng trưởng hàng năm của các trò chơi máy tính được nhập khẩu từ nước ngoài là 57,8% và các trò chơi xuất khẩu là 15,8%. Một loạt các công ty kinh doanh kết hợp của Hàn Quốc đang tăng dần vốn đầu tư cho thị trường này.
4. Thay đổi hợp tác quốc tế về văn hoá
Hợp tác quốc tế về văn hoá của Hàn Quốc đang tập trung vào đẩy mạnh phát triển văn hoá dân tộc tại các nước trên thế giới và tham gia các sự kiện văn hoá quốc tế và các chương trình hợp tác văn hoá với các nước khác. Với mục đích này, một loạt các bộ như Bộ Ngoại giao và Thương mại, Bộ Công nghiệp và Năng lượng cũng như bộ Văn hoá và Du lịch đã tiến hành hợp tác. Các tổ chức văn hoá quốc tế và các tổ chức phi chính phủ cùng kiều bào Hàn Quốc đang sinh sống tại nước ngoài cũng đóng vai trò quan trọng trong hợp tác văn hoá.
Nhiều tổ chức văn hoá Hàn Quốc đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế như UNESCO, IIC, IFLA, PEN, CISAC, FIT, IUA, IAA, IMC, FIJM, IMS, ITI ASSITEJ, UNIMA, WCC, CIOFF, ICTM, FACP, FIAF, FIAFP, OISTAT, ACIT…vv.
Trong nỗ lực nhằm nâng cao vị thế của quốc gia trên thế giới, chính phủ Hàn Quốc đang tiến hành rất nhiều dự án bao gồm dự án sáng tạo hình ảnh văn hoá quốc gia, thành lập và hỗ trợ hoạt động của các trung tâm văn hoá Hàn Quốc tại nước ngoài, phát triển Công nghệ cao CD-Rom, mô tả sinh động nền văn hoá Hàn Quốc trong các cuốn sách và giới thiệu văn học Hàn Quốc ra nước ngoài.
Hàn Quốc đã ký kết các hiệp định về văn hoá với tổng số 81 quốc gia trên thế giới. Quan hệ hợp tác văn hoá trong khu vực của Hàn Quốc được tiến hành với các nước như Nhật Bản, Châu Á và Châu Đại Dương, Châu Mỹ và khối các nước Bắc Âu. Hàn Quốc hiện nay đang chuẩn bị tổ chức một sự kiên văn hoá cho Diễn Đàn Hợp Tác Á - Âu sẽ được tổ chức tại quốc gia này vào năm 2000 và chuẩn bị các hoạt động tham gia liên hoan văn hoá của Đại hội thể thao Olympic Sydney 2000. Chính phủ Hàn Quốc cũng đang tích cực hợp tác về văn hoá và thể thao với Nhật Bản hướng tới đăng cai tổ chức giải bóng đá thế giới năm 2002 với hi vọng rằng sự kiện này sẽ giúp Nam Triều Và Bắc Triều khôi phục lại các quan hệ hợp tác về văn hoá.
Chính phủ Hàn Quốc đã bắt đầu nhận thức được vai trò quan trọng của du lịch vào đầu những năm 80 khi du lịch có thể trở thành một phương tiện hàng đầu để tạo cơ hội cho các du khách nước ngoài tìm hiểu về Hàn Quốc và vì thế nâng cao vị thế của quốc gia này trên toàn thế giới. Đây cũng là chức năng, nhiệm vụ của Bộ Văn hoá và Thể thao được thành lập năm 1994 và chính sách về du lịch ở cấp trung ương nằm trong chính sách toàn cầu hoá của quốc gia. Hàn Quốc đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động hợp tác trên nhiều lĩnh vực văn hoá.
Về mỹ thuật, Hàn Quốc đã tổ chức Triển lãm Nghệ thuật Quốc tế Venice Biennale vào năm 1995 khi tổ chức hoạt động kỉ niệm 100 năm thành lập. Vào năm 1996, Hàn Quốc đã tham gia một loạt các sự kiện văn hoá quốc tế như Triển lãm Nghệ Thuật Kiến trúc và nhiều liên hoan văn hoá khác như Đại hội Kiến Trúc quốc tế lần thứ 20 đươc tổ chức tại Tây Ban Nha, Liên hoan Nghệ thuật Quốc tế Chateau lần thứ 28 và Triễn lãm các sản phẩm thủ công Hàn Quốc - Nhật Bản. Hàn Quốc cũng là chủ nhà của Hội nghị Nghi thức Trà Quốc tế lần thứ 4, Triễn lãm ảnh quốc tế lần thứ 17.
Về văn học, Hàn Quốc đăng cai tổ chức Hội thảo về Văn học Hàn Quốc tại Lima, Peru 1996.
Về kịch, Hiệp hội kịch Hàn Quốc đã tổ chức Hội nghị Các chuyên gia Văn hoá quốc tế, Hội nghị UNIMA hàng năm tại Hungary và Liên hoan Kịch Câm Quốc tế ChunChon. Liên hoan Kịch Quốc tế đã được tổ chức tại Hàn Quốc vào năm 1997 cùng với Hội nghị thường niên ITI lần thứ 27.
Trong lĩnh vực múa, Hội thảo Biểu diễn Múa Quốc tế và đại hội Múa đương thời Quốc tế, Hội nghị chuyên đề quốc tế về nghệ thuật múa Hàn Quốc đã được tổ chức tại quốc gia này vào năm 1996.
Các hoạt động giao lưu quốc tế thông qua tổ chức Diễn Đàn Văn học Hàn Quốc – Trung Quốc năm 1996 và mời các đoàn nghệ thuật của Trung Quốc sang biểu diễn tại Hàn Quốc, mời các nhà giới thiệu và cử các giáo viên Tiếng Hàn Quốc giảng dạy âm nhạc truyền thống Hàn Quốc cho các kiều bào đang sinh sống tại nước ngoài.
Hàn Quốc là một quốc gia năng động. Bên cạnh các thành tựu kinh tế, Hàn Quốc đã đạt được nhiều thành công trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trong thời gian gần đây. Kinh nghiệm về phát triển và đổi mới chính sách văn hóa cũng như giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa là bài học quí báu cho các nước trong khu vực.
Hiền Lê lược dịch (Nguôn: Korea.net, Culuturalpolicies)