• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hàng chục ngàn tỷ đồng “bay theo mây khói” với các dự án thua lỗ của ngành dầu khí

Kinh tế 28/04/2017 15:06

(Tổ Quốc)-Xơ sợi Đình Vũ, ba nhà máy nhiên liệu sinh học, nhà máy đóng tàu Dung Quất, góp vốn vào OceanBank, PVC... đã khiến Tập đoàn Dầu khí mất nhiều ngàn tỉ đồng.

Gần 3.300 tỷ đồng do sai phạm tại PVC

Trong thời gian từ năm 2007-2013, trên các cương vị là Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), mặc dù đã có kiến nghị, cảnh báo của các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tình hình thua lỗ và tiềm ẩn thua lỗ, nhưng ông Trịnh Xuân Thanh và Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Ban Kiểm soát Tổng công ty đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế.

Đã để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2013), nhiều tổ chức, cá nhân trong Tổng công ty bị kỷ luật và xử lý hình sự

Được biết, vào năm 2011, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), trong đó, nhiều đơn vị thành viên, có cả Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Thanh tra Chính phủ đã ra kết luận công bố vụ việc PVC thua lỗ 3.300 tỷ và nhiều vi phạm khác.

Thanh tra Chính phủ cũng đã thanh tra những sai phạm trong một số dự án lớn như: Nhà máy nhiên liệu Xăng sinh học (Phú Thọ), Xơ sợi Đình Vũ (Hải Phòng) và bước đầu kết luận, PVC có sai phạm trong thi công các dự án này.

Đồng thời, tại thời điểm thanh tra xác định, PVC còn nợ Tổng Cty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP) 111,7 tỷ đồng khi nhận chuyển nhượng dự án khách sạn Thái Bình.

Hiện Trịnh Xuân Thanh đang bị truy nã quốc tế. Liên quan tới vụ việc này, cơ quan chức năng đã khởi tố 12 đối tượng.

 Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Ảnh minh họa: Nam Nguyễn

1.400 tỷ đồng “bay” theo nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ

Tháng 11/2016, Thanh tra Chính phủ công bố Kết luận thanh tra việc đầu tư xây dựng dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ với việc thua lỗ hơn 1.400 tỷ đồng

Theo kết luận thanh tra, dự án Nhà máy xơ sợi Polyeste Đình Vũ (PVTex) do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Dệt may (Vinatex) hợp tác đầu tư với quy mô lớn, giá trị nghiệm thu tại thời điểm thanh tra lên tới 363.528.263,03 đô la.

Sau khi hoàn thành và đi vào sản xuất kinh doanh, dự án đã để thua lỗ hơn 1.400 tỷ đồng.

Nguyên nhân thua lỗ được Thanh tra Chính phủ chỉ ra là do PVTex, PVN, Vinatex, các đơn vị, tổ chức và cá nhân liên quan đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm trong quá trình thực hiện đầu tư, xây dựng dự án.

PVN là tập đoàn có vốn chi phối tại PVTex, nhưng trong quá trình điều hành, giám sát còn nhiều vi phạm, thiếu sót, chưa thực hiện hết trách nhiệm trong việc đôn đốc, giám sát người đại diện vốn của PVN tại PVTex để đảm bảo việc thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật.

Việc nhận chuyển nhượng vốn từ Vinatex và Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú không đúng quy định, dẫn đến phải chịu toàn bộ lỗ của dự án là hơn 1.4700 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Công an điều tra, xử lý sai phạm tại nhà máy xơ sợi Đình Vũ.

“Trắng tay” 800 tỷ đồng tại OceanBank

Đầu tháng 3/2017, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã phải trả hồ sơ vụ đại án Hà Văn Thắm, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị Oceanbank và các đồng phạm để điều tra bổ sung. Trong đó có việc liên quan tới số tiền 800 tỷ đồng của PVN đã thất thoát ở OceanBank.

Năm 2008, PVN đã ký thỏa thuận với Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) để trở thành cổ đông và đối tác chiến lược của ngân hàng này.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, khi đó là Tổng giám đốc Công ty Tài chính Dầu khí Việt Nam (PVFC) được PVN giới thiệu cử làm viên HĐQT kiêm chức vụ Tổng giám đốc của OceanBank.

Ngày 6/5/2015, Ngân hàng Nhà nước quyết định mua lại OceanBank với giá 0 đồng khiến 800 tỷ đồng tương đương 20% cổ phần của PVN cũng sẽ mất trắng.

5.400 tỷ đồng không hiệu quả tại Ethanol Phú Thọ, Dung Quất, Bình Phước

Tháng tháng 10/2007 đến tháng 3/2009, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã quyết định chủ trương đầu tư, chỉ đạo các đơn vị thành viên góp vốn thành lập 2 công ty cổ phần và 1 công ty liên danh để thực hiện đầu tư 3 dự án sản xuất ethanol nhiên liệu tại 3 miền gồm: Nhà máy nhiên liệu sinh học tại Phú Thọ, Khu kinh tế Dung Quất - Quảng Ngãi và tại Bình Phước.

Mỗi nhà máy có công suất 100 triệu lít/năm, nguồn vốn đầu tư do các cổ đông góp 30% và 70% phải đi vay ngân hàng.

Đến thời điểm Thanh tra Chính phủ vào cuộc - tháng 12/2014 dự án tại Quảng Ngãi và Bình Phước đã đầu tư xong, riêng dự án tại Phú Thọ được thực hiện đầu tư sớm nhất (tháng 9/2009) nhưng chưa hoàn thành do nhà thầu đã dừng thi công từ tháng 11/2011.

Thanh tra Chính phủ kết luận, cả 3 dự án này tính đến nay, đều không đạt hiệu quả về đầu tư. Sau khi thực hiện xong dự án, các nhà máy đi vào hoạt động đều thua lỗ lớn và hầu như không vận hành thương mại.

Toàn bộ vốn đầu tư vào 3 dự án với tổng số tiền đã thanh toán tính đến tháng 11/2014 là hơn 5.400 tỷ đồng chưa có hiệu quả.

Hơn 7.400 tỷ đồng nợ gánh cho Nhà máy đóng tàu Dung Quất

Theo một báo cáo của Bộ Công Thương tháng 12/2016, thực hiện chủ trương tái cơ cấu Vinashin- Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, từ tháng 7/2010, Vinashin đã bàn giao Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS) sang Petro Vietnam.

Tại thời điểm chuyển giao về Petro Vietnam (2010), DQS lỗ luỹ kế 1.235 tỷ đồng và tổng khoản nợ phải trả là 7.440 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng 4.800 tỷ đồng.

Petro Vietnam đã chuyển cho DQS 5.095 tỷ đồng, bao gồm 1.900 tỷ đồng góp vốn điều lệ và 3.104 tỷ đồng để thanh toán nợ.

Tuy vậy, tổng các khoản nợ phải trả vẫn còn gần 6.900 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng 1.227 tỷ đồng. Lỗ lũy kế vân còn hơn 3.600 tỷ đồng.

Bộ Công Thương tính toán, nếu thực hiện phương án phá sản, giá trị ước tính có thể thu hồi vẫn thấp hơn nợ phải trả. Petro Vietnam sẽ không thể thu hồi được khoản tiền trên 5.000 tỷ đồng đã đầu tư vào DQS.

Thái Tùng (tổng hợp)

NỔI BẬT TRANG CHỦ