(Tổ Quốc) - Hoa gói thắp hương là một nét đẹp đặc sắc trong văn hóa tín ngưỡng của người dân xứ Hà Thành.
Người xưa quan niệm rằng người âm nhận tấm lòng của người dương qua hương hoa chứ không phải qua mâm cỗ. Bởi vậy, ngày Tết, ngày lễ, không thể thiếu đĩa hoa trên bàn thờ tổ tiên, thần linh. Ngày nay, đĩa hoa không còn phổ biến như lọ hoa. Cái hay của đĩa hoa cúng còn nằm ở chỗ, đĩa hoa cứ được bày như thế, cho đến khi khô, vẫn thoảng mùi hương như minh chứng cho tấm lòng hương thảo của con cháu dành cho tổ tiên, ông bà và người đã khuất.
Hà Nội 36 phố phường ngày càng tập nập, nhộn nhịp khiến con người dần quên đi một vài nét đẹp văn hóa truyền thống. Trên bàn thờ tuần rằm, mùng một hay những ngày lễ tết không còn xuất hiện những gói hoa bày trên đĩa được chăm chút tỉ mỉ nữa mà thay vào đó là những loài hoa hiện đại được cắm vào lọ. Dẫu biết loài hoa nào dâng lên cũng thế hiện thành ý, thành tâm của gia chủ nhưng với những người Hà Nội xưa, nhìn vào cũng chạnh lòng về một nét văn hóa tinh tế không còn phổ biến trong đời sống hiện đại.
Tại số 21 phố Hàng Khoai có một gánh hoa giản dị lâu năm của một bà cụ hơn 80 tuổi. Dáng người gầy gầy bóng lưng gù của cụ bà hàng hoa gói không còn xa lạ với người dân nơi đây. Bà Phan Thị Thu năm nay 84 tuổi, bà là người gốc làng Ngọc Hà xưa – nay thuộc phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội. Quanh năm suốt tháng, bất kể dù nắng hay mưa bà vẫn theo đuổi cái nghề bán hoa gói. Hà Nội 12 mùa hoa thì cũng từng ấy mùa bà cần mẫn bên con phố nhỏ.
Dành cả cuộc đời bên gánh hoa, nhưng khoảng một tháng gần đây vì vấn đề sức khỏe bà không thể ra bán, gánh hoa được chị con dâu út – chị Phạm Thị Nhung (sinh năm 1975) thay bà đi bán. Theo chị Nhung chia sẻ: "Bà Thu – mẹ chồng chị từ năm 13 tuổi đã đội thúng, đội mẹt theo các cụ đi bán hoa cúng ngoài chợ. Hồi ấy, Ngọc Hà còn trồng bát ngát các loài hoa, mỗi mùa là một loài hoa khác nhau. Mẹ chồng chị thường ra vườn của nhà hoặc đi mua hoa lại ở các vườn khác mang ra bến xe điện ngày xưa bán. Còn ngày nay thì phải nhập, lấy mối từ những vườn hoa lớn và được người ta mang đến.
Bà gánh hoa, đội thúng rong ruổi bán hoa khắp các con phố Hà Nội được 10 năm cho đến khi lấy chồng bà chuyển về Hàng Khoai để bán. Tính đến nay bà đã gắn bó với nghề bán hoa này cũng hơn 70 năm rồi"
Tuy bà tuổi đã cao sức đã yếu, con cái đều bảo bà nghỉ ngơi, nhưng vì yêu nghề cũng như muốn lưu giữ lại nét đẹp truyền thống của người Hà Nội xưa nên bà vẫn cần mẫn bán hoa hàng ngày. Chỉ những lúc đau ốm không thể ra chợ để bán được bà mới nhờ đến các con dâu bán hộ.
Khi xã hội ngày càng thay đổi, hoa truyền thống đang bị mai một, nhiều người ưa chuộng các loại hoa nhập, hoa lai thì gánh hoa bà Thu vẫn chỉ bày bán những loài hoa truyền thống như: hoa mẫu đơn, hoa sen, hoa lan, móng rồng… Đặt chân đến gánh hoa bà Thu, mùi thơm của hoa tỏa ra khiến cho lòng người thêm nhẹ nhàng và yên bình.
Đồ nghề bán hàng của bà Thu vô cùng giản dị không như các hàng hoa rực rỡ khác. Chỉ có vài cái rổ nhựa đựng hoa, bó lá dong giềng, dây lạt và xô nước nhưng cũng đủ ghi dấu ấn nét đẹp của người Hà Nội xưa. Mỗi gói hoa bà Thu bán với giá dao động từ 30.000 – 50.000 đồng, Trong gói hoa để bày cúng trên bàn thờ thường có 5 – 7 loại hoa khác nhau, mùa nào hoa nấy. Khi gói hoa chỉ cắt ngắn lấy đầu bông, được gói khẽ khàng trong chiếc lá dong, buộc cọng lạt hình chữ thập rồi lại xỏ một vòng nữa tết thành cái quai để xách. Mỗi loại một bông thôi mà thơm ngào ngạt, tinh khiết vô cùng.
Chị Nhung chia sẻ thêm: "Chị học cách gói hoa của bà phải được mấy năm rồi nhưng không thể gói đẹp bằng bà, khi gói hoa tay của bà thoăn thoắt, bà chỉ cần gập một cái là tất cả các hoa đều gói gọn bên trong".
Có lẽ vậy, khi được hỏi anh em trong gia đình có ai nối nghiệp của bà không thì chị trả lời: "Các con của bà bây giờ chưa ai nối nghiệp của bà cả, chị với chị dâu trưởng chỉ thay nhau bán hộ, phụ giúp bà bán những ngày lễ tết với những hôm bà yếu. Nhưng cũng không biết đâu được, nếu mình có cái duyên với gánh hoa này thì mình sẽ gắn bó với nó."
Ở Hà Nội, ngoài gánh hoa gói lâu đời của bà Thu, chúng ta có thể tìm đến một gánh hoa gói khác của chị Hồng nằm trên phố Hàng Giấy gần với chợ Đồng Xuân. Ngoài ra, vào ngày rằm, mùng một hay lễ tết những gánh hoa gói sẽ xuất hiện bày bán nhiều hơn tại các cửa chùa, cửa đền.
Qua thời gian, những phong tục tập quán này dần trở nên xa lạ với các bạn trẻ. Xã hội hiện đại kéo theo những xô bồ, bận bịu, lo toan của đời sống thường nhật nhưng trên các con phố nhỏ đó vẫn còn có những con người níu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống xưa. Ấy là điều trân quý.