• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hàng không Việt: Phát triển nhanh nhưng còn nhiều dư địa

Du lịch 12/04/2019 10:50

(Tổ Quốc) - Chiều 11/4 tại Bình Định, một cuộc tọa đàm về Giải pháp thúc đẩy hàng không phát triển bền vững đã được báo Giao thông tổ chức.

Theo ông Phạm Văn Hảo, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, năm 2008 tổng số tàu bay của hàng không Việt Nam chỉ có 60 tàu. Còn hiện tại đã tăng lên gấp 3 lần với 192 tàu. Độ tuổi trung bình của đội tàu bay Việt Nam hiện nay chỉ là 5,8 tuổi, so với năm 2008 là 8,8 tuổi. Năm 2008, tàu bay sở hữu của Việt Nam chỉ có 29 tàu, còn lại là tàu đi thuê. Con số này hiện nay là 57 tàu bay sở hữu.

Nếu như trước đây, đội bay chủ yếu chỉ có Vietnam Airlines, còn hiện nay có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tư nhân như Vietjet, Bamboo Airways.

Hàng không Việt: Phát triển nhanh nhưng còn nhiều dư địa - Ảnh 1.

Máy bay Bamboo Airlines chở khách tới sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh

"Sự thay đổi này rõ ràng ở cả chất và lượng. Mạng đường bay của hàng không Việt Nam cũng có nhiều chuyển biến sau 10 năm với gần 60 đường bay nội địa và 130 đường bay quốc tế so với 25 đường bay nội địa và 54 đường bay quốc tế vào năm 2008"- ông Phạm Văn Hảo nói.

Năm 2008, các chuyến bay quốc tế chủ yếu bay qua Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, nhưng thời điểm hiện nay đã kết nối với rất nhiều cảng khác như: Cát Bi, Cần Thơ, Cam Ranh, Liên Khương, Phú Quốc…

Ông Đặng Tất Thắng - Phó Chủ tịch thường trực Bamboo Airways thì cho hay, hạ tầng của chúng ta chưa quá tải. Việt Nam có 22 sân bay nhưng hiện nay thời gian cao điểm nhất chỉ tập trung vào sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng cũng chỉ vào từng thời điểm như nghỉ lễ, cao điểm Tết, còn lại chưa quá tải.

"Thực tế dịp tết Âm lịch vừa qua Bamboo Airways có 16 chuyến bay Hà Nội - TP.HCM, trong đó có những chuyến bay đêm, nhằm giảm ách tắc giao thông ở các thành phố lớn. Khi bay đêm, nếu đi từ nhà ra sân bay hay ngược lại đều rất nhanh"- ông Thắng nói.

Trong khi đó, ông Đỗ Đức Tú- đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì cảnh báo, minh chứng cho sự phát triển nóng của hàng không là ở sân bay Tân Sơn Nhất. Sân bay này quá tải không chỉ ở giao thông kết nối, nhà ga, sân đỗ mà ngay cả đường cất hạ cánh cũng quá tải.

"Sự phát triển nóng của hàng không có mặt tích cực và cả hệ lụy nhất định. Tích cực vì đây là cơ hội phát triển hàng không, phát triển kinh doanh vận tải hàng không. Nhưng tăng trưởng quá nhanh, khả năng đáp ứng về hạ tầng sân bay, cụ thể là hạ tầng chưa theo kịp tốc độ của vận tải. Kế đó là vấn đề con người để đảm bảo quá trình vận hành diễn ra an toàn tuyệt đối"- ông Tú nói.

Còn nhiều dư địa cho hàng không

Lý giải về câu chuyện tăng trưởng của ngành hàng không Việt Nam, TS Võ Trí Thành cho hay, có hai câu chuyện lớn nhất dẫn đến sự phát triển của hàng không Việt Nam, đó là sự phát triển kinh tế trong nước và thu nhập của người dân, đặc tính các phân khúc dân số Việt Nam. Việt Nam đang trở thành trung tâm kết nối thế giới với mức độ hội nhập rất sâu. Chính mức độ hội nhập này là kéo hàng không tăng trưởng vừa là sức ép với hàng không Việt Nam, cùng với nhu cầu dịch chuyển của con người ở các phân khúc khác nhau.

Ông cũng nói thêm, chúng ta không cần nhiều quá nhưng luôn luôn có áp lực cạnh tranh và quản lý hàng không Việt Nam phải tạo ra áp lực đó. Ở đây có câu chuyện dẫn dắt của nhà nước: hợp tác giữa các hãng hàng không với nhà nước để có một cách mở cửa hàng không tốt nhất để tạo ra cách mở cửa bầu trời kết nối với thế giới.

Ngành hàng không dự báo tăng trưởng đạt ở mức hai con số vào năm 2020 và sẽ giảm dần xuống một con số sau năm 2020.

Tại hội thảo, một số ý kiến cho rằng dư địa hàng không của Việt Nam còn rất lớn. Theo tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (ICAO), tính theo dân số, một quốc gia có hàng không phát triển, tỷ lệ người dân phải đi gấp đôi năng lực. Ví dụ Việt Nam có 90 triệu dân, năng lực phải trên 100 triệu. Nhưng hiện chúng ta hiện mới chỉ có 50 triệu.

Một trong những hướng để tăng dư địa cho hàng không, theo TS Võ Trí Thành là cần giải bài toán khuyến khích sự tham gia của tư nhân một cách mạnh mẽ, hãy để doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp trên thị trường, chương trình, nhiệm vụ chính trị xã hội phải minh bạch rõ ràng.

Ngoài ra, mặc dù phát triển nhanh nhưng theo ông Phạm Văn Hảo, hàng không không chỉ phải chấp hành quy định trong nước mà cả quốc tế.

"Với hàng không, an toàn phải được đặt lên hàng đầu. Nếu anh chỉ chạy theo lợi nhuận, không đáp ứng được vấn đề về an toàn, khó có thể tồn tại. Lịch sử phát triển ngành hàng không đã chứng minh điều này. An toàn không chỉ quyết định sự tồn tại của một hãng hàng không mà còn là danh dự, uy tín của cả một quốc gia"- ông Hảo nhấn mạnh.

Ông cũng lấy ví dụ, thực tế, có những hãng hàng không tham gia thị trường, tồn tại và phát triển tương đối tốt như: Vietjet hoặc Bamboo Airways hay Sun Group với sân bay Vân Đồn cũng đang có những khởi đầu rất tốt đẹp. Song, rõ ràng đã có những hãng bị rút giấy phép…/.

Thái Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ