(Tổ Quốc) - Trong quý II, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp, chính sách quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19.
Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương sáng 2/7, Bộ KH&ĐT đã báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020.
Trong quý II, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp, chính sách quan trọng như Nghị quyết 42/NQ- CP ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó Nhà nước chia sẻ trách nhiệm với DN trong việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động.
Ngày 9/5, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị với DN nhằm khích lệ động viên tinh thần doanh nhân nỗ lực vượt khó, kịp thời nắm bắt, lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của cộng đồng DN.
Ngày 29/5/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Trong quý II, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 4 nghị quyết về miễn, giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đến năm 2020; về giảm thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2020; điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân; về mức thuế bảo vệ mội trường đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31/12/2020.
Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 6/4/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công; Nghị định 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất.
Đồng thời, trong quý II, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số văn bản quan trọng nhằm đẩy mạnh công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách thủ tục hành chính, phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho DN bị tác động bởi dịch bệnh COVID-19, như Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Tính đến tháng 5/2020, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đang được các bộ, ngành, địa phương cung cấp cho người dân, DN là hơn 56.000 dịch vụ, trong đó số dịch vụ công trực tuyến mức 4 là gần 17.000. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 có phát sinh hồ sơ trực tuyến là 25,62%. Các bộ, ngành tiếp tục rà soát để cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh và cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và người dân.
Về tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo, trong quý II các bộ, ngành và địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác triển khai Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV). Tính đến thời điểm báo cáo, khuôn khổ pháp lý để triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV đã cơ bản hoàn thiện.
Ở cấp địa phương, trong quý II, có thêm 6 nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án, văn bản hướng dẫn hỗ trợ DNNVV đã được địa phương ban hành, nâng tổng số lên 206; 10 địa phương đang gửi xin ý kiến góp ý đề án hỗ trợ DNNVV.
Một số tỉnh, thành phố đã rất chủ động và tích cực xây dựng và thực hiện các chính sách của địa phương về thúc đẩy khởi nghiệp và hỗ trợ DNNVV trên địa bàn như Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Bà Rịa - Vũng Tàu...
Trong quý II, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo áp dụng mức giảm phí dịch vụ nhiều nhất từ trước đến nay, góp phần hỗ trợ các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm chi phí, hạ lãi suất, đồng thời, gián tiếp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và DN; thực hiện 2 đợt điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1,5%/năm, giảm thêm 1% trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện ở mức 5,0%/năm)…
Đến ngày 25/5, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 223.000 khách hàng với dư nợ hơn 151.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 326.000 khách hàng với dư nợ trên 1,14 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23/1 đến nay đạt trên 767.000 tỷ đồng cho hơn 196.000 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5-2,5% so với trước dịch.
Về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã triển khai các hoạt động kết nối giao thương trực tuyến giữa DN Việt Nam với đối tác có nhu cầu nhập khẩu, nhằm khơi thông thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường cho nông sản nói riêng và hàng hóa nói chung, như Trung Quốc và Ấn Độ…
Về giảm chi phí kinh doanh cho DN, ngoài các giải pháp về thuế, tiền thuê đất… Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản chỉ đạo thực hiện các biện pháp hỗ trợ DN gồm tạm thời không xử lý các đơn vị vận tải hành khách không đảm bảo số chuyến khai thác tuyến (tối thiểu 70% số chuyến theo biểu đồ chạy xe); rà soát điều chỉnh giảm mức thu phí, lệ phí để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch.
Đánh giá chung, theo báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, hầu hết các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 35 đã hoàn thành. Tuy nhiên, hiệu quả triển khai Nghị quyết vẫn còn hạn chế, tồn tại. Đồng thời, trong 6 tháng đầu năm, cộng đồng DN bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, tỉ lệ DN đóng cửa, giải thể tăng cao, dẫn đến một số chỉ tiêu của Nghị quyết số 35 khả năng cao không thể đạt được, như chỉ tiêu có 1 triệu DN đang hoạt động vào năm 2020.
Trên cơ sở báo cáo của các bộ, ngành và địa phương và kiến nghị của cộng đồng DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị các bộ, ngành và địa phương tiếp tục khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ được giao về tháo gỡ khó khăn cho DN.
Khẩn trương rà soát và điều chỉnh đơn giản, minh bạch các quy trình, thủ tục tiếp cận chính sách hỗ trợ DN về thuế, tín dụng, lao động... thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh tiến độ thanh toán các khoản nợ công cho các DN đúng quy định.
Nghiêm túc thực hiện thanh, kiểm tra DN theo đúng tinh thần Nghị quyết số 35 ngày 16/5/2016 và Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020.
Một số giải pháp cụ thể, đó là đẩy mạnh hỗ trợ DN đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt tại các thị trường có thể sớm hết dịch như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... Đặc biệt khai thác các thị trường, khu vực thị trường hiện đang có các thỏa thuận thương mại tự do với Việt Nam.
Khẩn trương hướng dẫn thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế thu nhập DN năm 2020.
Nghiên cứu đề xuất mở rộng đối tượng cho vay của Quỹ Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và bổ sung kinh phí cho Quỹ để hỗ trợ DNNVV ứng phó với dịch COVID-19...