(Tổ Quốc) - Thịt lợn, thịt gà và thịt bò đông lạnh đang ùn ứ ở một số cảng lớn của Trung Quốc do gián đoạn vận chuyển, một hệ lụy từ việc virus corona chủng mới hoành hành ở Trung Quốc.
Dịch bệnh có tên chính thức là Covid-2019 bùng lên ở Vũ Hán, Hồ Bắc trước khi lan ra tất cả các địa phương ở Trung Quốc gây ra tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng, dẫn tới việc làm gián đoạn vận tải hàng hóa trên quy mô toàn quốc.
Hiện tại, những container thịt đông lạnh tiếp tục chất đống ở các cảng như Thiên Tân, Thượng Hải và Ninh Ba vì không có đủ tài xế để đưa chúng đi đến nơi cần đến. Ngoài ra, việc kiểm soát chặt chẽ để phòng ngừa dịch bệnh cũng khiến vận tải hàng hóa gặp nhiều khó khăn.
Sự ù ứ nghiêm trọng khiến các cảng rơi vào tình trạng thiếu kho bãi để chứa các container đông lạnh. Một số tàu chở loại mặt hàng này được yêu cầu chuyển hướng đến các địa điểm khác ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông.
Sau cuộc khủng hoảng thịt lợn cuối năm trước, Trung Quốc đang nhập một lượng thịt khổng lồ từ Nam Mỹ, châu Âu và cả Mỹ. Tả lợn châu Phi, dịch bệnh bùng lên ở Trung Quốc trong một thời gian dài, đã khiến tổng đàn lợn của đất nước này sụt giảm nghiêm trọng. Năm 2019, Trung Quốc tăng 50% lượng thịt và nội tạng nhập khẩu lên mức kỷ lục 6,2 triệu tấn.
Hiện tại, chưa thể xác định thời điểm các cảng của Trung Quốc trở lại hoạt động bình thường. Trong khi đó, các tài xế, những người trở về từ tỉnh khác, phải cách ly 14 ngày. Ngay cả phương tiện vận tải cũng phải chịu những quy định nghiêm ngặt để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Hiện tại, Chính phủ Trung Quốc đang khuyến khích các nhà máy tăng cường sản xuất sau kỳ nghỉ tết kéo dài. Tuy nhiên, việc dịch bệnh vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát kéo theo nhiều hệ lụy và làm ảnh hưởng tới lời kêu gọi này.
Hiện tại, trên thế giới có hơn 70.000 trường hợp nhiễm Covid-19 với 1.800 người chết, trong đó chủ yếu là ở Trung Quốc. Hơn 220 triệu công nhân nhập cư của nước này đã không thể trở lại làm việc như đã định. Thời điểm sớm nhất người lao động Trung Quốc có thể trở lại với các hoạt động sản xuất là cuối tháng 2 hoặc tháng 3.
Không riêng cuộc khủng hoảng thịt, dịch bệnh còn khiến Trung Quốc trải qua tình cảnh thiếu thốn về mọi mặt, bao gồm cả khẩu trang, quần áo bảo hộ và các thiết bị y tế khác. Việc các thành phố bị đóng cửa để ngăn virus lây lan tiếp tục khiến tình cảnh này trở nên bi đát hơn. Người dân ở một số địa phương của Trung Quốc được yêu cầu hạn chế ra ngoài, thậm chí là chỉ được ra ngoài với số ngày nhất định trong tuần, để ngăn ngừa lây nhiễm.
Số liệu thống kê những ngày gần đây cho thấy số ca tử vong và nhiễm bệnh mới tại Trung Quốc có xu hướng giảm. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để kết luận dịch bệnh ở Trung Quốc sắp kết thúc.