Hàng nghìn người đội mưa thả hoa đăng báo hiếu cha mẹ, tưởng nhớ người thân dịp lễ Vu Lan
(Tổ Quốc) - Lễ Vu Lan là dịp để tưởng nhớ công ơn cha mẹ, tổ tiên và được Phật giáo coi là ngày lễ quan trọng trong tháng 7 âm lịch hằng năm.
Tối 26/8 (tức ngày 11/7 âm lịch), trao đổi với chúng tôi, Đại đức Thích Trí Thịnh, Phó Ban trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình, Chủ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng cho biết, Vu Lan bắt nguồn từ sự tích về bậc đại hiếu Mục Kiền Liên Bồ tát nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương để cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Chính vì vậy, đây là dịp để tưởng nhớ công ơn cha mẹ, tổ tiên và được Phật giáo coi là ngày lễ quan trọng trong tháng 7 âm lịch hằng năm.
Đại lễ Vu Lan Báo hiếu tại chùa Kim Sơn Lạc Hồng, tỉnh Hòa Bình
Theo Đại đức Thích Trí Thịnh, dịp đại lễ Vu Lan báo hiếu này, tại các cơ sở tự viện thường được tổ chức với các hoạt động như Tụng kinh-sám Vu Lan, kinh báo hiếu phụ mẫu, kinh Mục Liên sám pháp, kinh A Di Đà…; lễ cầu siêu cho anh linh anh hùng liệt sĩ, tổ tiên trong gia đình; pháp thoại thuyết giảng ý nghĩa Vu Lan báo hiếu; nghi thức "Bông hồng cài áo" tri ân công đức sinh thành của cha mẹ; nghi thức thắp nến tri ân và truyền hoa đăng tưởng niệm anh linh anh hùng liệt sĩ và cửu huyền thất tổ; chương trình nghệ thuật về công cha nghĩa mẹ…
Theo ghi nhận, trong tối 26/8, khu vực chùa Kim Sơn Lạc Hồng (tỉnh Hòa Bình) có mưa liên tục nhưng vẫn thu hút hàng nghìn tăng ni, phật tử và người dân thập phương tham dự các chương trinh và các nghi thức tâm linh mang ý nghĩa thiêng liêng.
Chị Nguyễn Thị Hoa (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội), chia sẻ hai năm trước mẹ của chị mất và được an nghỉ tại nghĩa trang khu vực, đây cũng là lần thứ 2 chị tham dự đại lễ Vu Lan tại chùa. Lần này, chị Hoa cùng chồng và con nhỏ tổ thắp hương và dự lễ để cầu nguyện cho mẹ.
Chị Hoa kể, bản thân người mẹ của chị cũng có hoàn cảnh éo le, khi xây dựng gia đình mới sinh chị được hai tháng thì cha của chị mất nên mẹ ở một mình nuôi con. Càng khôn lớn, chị Hoa càng hiểu được nỗi khó khăn vất vả và sự hy sinh của người mẹ, ngay khi còn mẹ, con gái cũng đã dành mọi thời gian và tâm trí chăm sóc cho mẹ mình.
"Dù nay mẹ tôi đã mất nhưng trong tâm trí tôi, mọi cách cư xử, đối đãi tôi đều dành cho mẹ như khi còn sống. Hôm nay chùa tổ chức Vu Lan Báo hiếu, gia đình tôi có cơ hội tri ân mẹ trong buổi tụng kinh, cầu siêu cho mẹ".
Cũng có mặt tại buổi lễ, anh Trần Văn Thỏa (TP Hòa Bình) cùng vợ và mẹ đẻ có mặt từ sáng tham dự tất cả các nghi lễ cho đến tối muộn để thả hoa đăng. Anh Thỏa nói, cha của anh mất trong một vụ tai nạn và vợ anh cũng mới mất sau một cơn bạo bệnh khi đứa con đầu lòng chưa kịp chào đời. Hai người quá cố và một thân nhân khác của gia đình anh Thỏa đều được an nghỉ ở đây.
"Mỗi lần ra mộ nhìn cảnh 3 người cạnh nhau, lòng tôi đau quặn và xót xa, gia đình cũng chu đáo mọi thủ tục nhưng chẳng thể nào an lòng. An ủi cho gia đình bằng cách vào trong chùa ngồi tụng kinh và nghe thầy giảng để bớt đi nỗi buồn", anh Thỏa rưng rưng nước mắt.
Tưởng nhớ các bậc sinh thành và những người thân đã mất
Chương trình thả hoa đăng
Hàng nghìn người tham dự đêm Vu Lan Báo hiếu