• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hàng rong và “cái lý” của người nghèo

Thời sự 11/10/2017 05:30

(Tổ Quốc) -Việc người nghèo ở thành phố Hồ Chí Minh- dù chưa phải tất cả, được buôn bán trong phố hàng rong có thể nói là mong muốn của nhiều người nghèo.

TP. Hồ Chí Minh khai trương phố hàng rong thứ hai, Hà Nội xuất hiện tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè và hình ảnh một trưởng công an xã bất lực trong việc giải tỏa lòng lề đường đã co chân đá hàng rong của người dân…, những ngày qua, một lần nữa dường như câu chuyện về hàng rong lại được chú ý. 

Cùng với TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số tỉnh thành khác, từ đầu năm 2017 đã rầm rộ ra quân dẹp vỉa hè, trả lại lòng đường thông thoáng cho người đi bộ. Có thể nói, sự vào cuộc khá quyết tâm của chính quyền đã cho thấy ngay kết quả rõ nét: nhiều vỉa hè bị lấn chiếm bao nhiêu năm đã được trả lại, cảnh người đi bộ dưới lòng đường đã được khắc phục, nhiều bãi trông xe tận dụng trên vỉa hè đã được dẹp… Những đường phố sau khi được trả lại vỉa hè dường như  rộng hơn, đẹp hơn.

Việc đồng loạt nhiều tỉnh, thành cùng vào cuộc đòi lại vỉa hè đã được ví như một “chiến dịch” nhận được không ít sự ủng hộ của người dân.

Phố hàng rong đầu tiên của TP. Hồ Chí Minh. Ảnh:cand.com.vn

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng không ít lo ngại được đặt ra cho những người dân nghèo bao nhiêu năm nhờ vỉa hè mà có công ăn việc làm, có thu nhập và nuôi sống cho cả gia đình. Nếu như buôn bán vỉa hè được cương quyết dẹp bỏ thì những người dân nghèo sẽ đi đâu và làm gì là một câu hỏi không dễ trả lời.

Và TP. Hồ Chí Minh đã đi đầu trong việc dành một nơi riêng cho những người dân nghèo được buôn bán để ổn định cuộc sống. Phố hàng rong Nguyễn Văn Chiêm đã ra đời vào cuối tháng 8, cho phép 20 hộ kinh doanh, buôn bán ở một phần vỉa hè với chiều dài 40 m. Thời gian phố hàng rong hoạt động từ 6-9 giờ mỗi ngày.

Hơn một tháng sau đó, phố hàng rong thứ hai của TP. Hồ Chí Minh đã khai trương đi vào hoạt động ở khu Bách Tùng Diệp. Phố hàng rong này gồm 15 gian hàng cũng có thời gian hoạt động từ 6-9giờ mỗi ngày.

Điều đáng chú ý là cả hai phố hàng rong này đều dành cho người nghèo và không thu phí đối với hộ dân được bố trí vào phố hàng rong buôn bán. Không những thế,  các hộ kinh doanh tại đây còn được tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm, kỹ năng buôn bán…

Việc giải quyết phố hàng rong như của TP. Hồ Chí Minh không chỉ góp phần đảm bảo mỹ quan đô thị mà còn tạo nơi mưu sinh cho người buôn bán có hoàn cảnh khó khăn.

Trong khi TP. Hồ Chí Minh đã có hai phố hàng rong dành cho người nghèo được phép hoạt động thì tại Hà Nội xuất hiện tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè ở nhiều tuyến phố. Chỉ cần vào google và gõ cụm từ “tái lấn chiếm vỉa hè Hà Nội” thì chỉ trong thời gian ngắn sẽ cho ra hàng nghìn kết quả mà những vị trí đứng đầu là các bài phản ánh từ báo chí chính thống.

Còn nhớ, thực tế nhiều năm trước, việc cấm sử dụng, lấn chiếm vỉa hè đã có quy định, đã có phạt. Nhưng với những người lao động nghèo, dường như chỉ có thể mưu sinh bằng vỉa hè thì biết là cấm, là sai nhưng họ vẫn không thể rời vỉa hè. Thế nên mới có cảnh vừa đáng trách vừa đáng thương mà có lẽ không ít người từng chứng kiến: mỗi khi thấy lực lượng chức năng xuất hiện thì những người bán hàng rong nháo nhào tìm chỗ chạy, thậm chí người một nơi, hàng một nẻo. Có những người đang ngồi ăn trên vỉa hè còn ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì xảy ra đã thấy người bán “bỏ của chạy lấy người”, mỗi người một hướng.

Ảnh minh họa. Nguồn: zing.vn

Lại nhớ hình ảnh vừa xảy ra tại Đắk Lắk của một trưởng công an xã. Vì nhiệm vụ xử lý lấn chiếm lòng lề đường, vị công an này đã nhiều lần nhắc nhở nhưng người dân vẫn tái phạm, không chịu chấp hành nên không kiềm chế được, co chân đá văng những mặt hàng bày bán của người dân nghèo. Vì hình ảnh phản cảm này, chủ nhân của cú đá phải chịu nhiều lời chỉ trích khá gay gắt của cộng đồng. Cuối cùng vị trưởng công an xã phải nói lời xin lỗi người dân.

Từ hình ảnh và câu chuyện này, có thể thấy được “cái lý” của người nghèo. Vì mưu sinh, vì cuộc sống, họ vẫn có thể tái phạm và gây khó khăn cho lực lượng chức năng.

Thế nên, việc người nghèo ở thành phố Hồ Chí Minh- dù chưa phải tất cả, được buôn bán trong phố hàng rong có thể nói là mong muốn của nhiều người nghèo.  Liệu những người nghèo từng kinh doanh buôn bán có thể tiếp tục được duy trì công cuộc mưu sinh ở một nơi ổn định? Đó sẽ là nơi họ có thể yên tâm buôn bán một cách hợp pháp, không phải lo sợ, nhấp nhổm với những được, mất. Và đây có lẽ cũng là một phần chìa khóa để giải bài toán vỉa hè hữu hiệu, có tính lâu dài.

Nhị Xuân

NỔI BẬT TRANG CHỦ