(Tổ Quốc) -Hàng trăm doanh nghiệp Nhà nước cùng hơn 50.000 cá nhân bị tố hưởng lãi suất ngoài của OceanBank nhưng rất ít trong số họ thừa nhận.
- 05.09.2017 Đại án Oceanbank: Rúng động lời khai “Nhiều lần chuyển tiền cho Vietsovpetro theo tỷ lệ 3-7
- 06.09.2017 Cựu TGĐ Oceanbank lấy đạo đức, tư cách khẳng định chỉ làm điều có lợi cho PVN
- 06.09.2017 Thứ trưởng Lê Quý Vương: Tới đây sẽ xem xét thêm trách nhiệm một số ngân hàng
- 07.09.2017 Nguyên Phó Tổng giám đốc PVN Ninh Văn Quỳnh khai nhận 20 tỷ đồng tiền đối ngoại
- 08.09.2017 Đại án Oceanbank: Cựu giám đốc các chi nhánh kêu oan và làm theo chỉ đạo của Hội sở
Phiên sơ thẩm Đại án OceanBank đã trải qua 10 ngày xét xử. Một trong những vấn đề được HĐXX xét hỏi kỹ nhất là việc cựu Chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm ra chủ trương, chỉ đạo thuộc cấp chi lãi suất ngoài, gây thiệt hại cho nhà băng này hơn 1.500 tỷ đồng.
Cụ thể, theo cáo buộc, đầu năm 2011, Hà Văn Thắm ra chủ trương về việc chi ngoài lãi suất huy động vốn cho các khách hàng trên toàn hệ thống OceanBank. Các thuộc cấp Nguyễn Minh Thu (Tổng giám đốc), Lê Thị Thu Thuỷ, Nguyễn Thị Minh Phương (phó Tổng Giám đốc) đã chỉ đạo lãnh đạo các khối, ban nghiệp vụ thuộc Hội sở ngân hàng và 34 giám đốc các chi nhánh, phòng giao dịch trên cả nước thực hiện việc chi lãi ngoài khi huy động vốn.
Cáo trạng của VKSNDTC quy kết, hành vi của các bị cáo đã "lũng đoạn, mất an ninh thị trường tiền tệ" và đã phạm vào tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo Hà Văn Thắm. Ảnh: Ngọc Thành/VnExpress. |
Kết quả điều tra xác định trong thời gian từ năm 2010 đến cuối năm 2014, tổng số tiền OceanBank đã chi lãi ngoài hợp đồng cho các khách hàng gửi tiền là hơn 1.500 tỷ. Tuy nhiên, kết quả điều tra số tiền hơn 246 tỷ chi cho Nguyễn Xuân Sơn ( khi đó là tổng giám đốc PVN) và bị Sơn chiếm đoạt đã cấu thành tội Tham ô tài sản và Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Do vậy hậu quả còn lại do hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế là hơn 1.300 tỷ.
Theo cáo buộc, từ năm 2011 đến năm 2014, có hơn 50.000 cá nhân và gần 400 tổ chức gửi tiền tại OceanBank và nhận các khoản chi lãi ngoài. Trong đó nhiều khách hàng gửi số tiền lớn là các tổ chức kinh tế thuộc doanh nghiệp có vốn Nhà nước (chủ yếu thuộc PVN và Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam) có dấu hiệu móc ngoặc với lãnh đạo, nhân viên OceanBank nhận các khoản tiền lãi ngoài, để ngoài sổ sách kế toán nhằm hưởng lợi bất chính.
Đến thời điểm phiên toà sơ thẩm được mở lần hai, mới có 19 tổ chức kinh tế thừa nhận hưởng hơn 3 tỷ lãi ngoài của OceanBank. 124 tổ chức kinh tế không thừa nhận. Còn lại 249 tổ chức không có hồi âm với nhiều lý do như: đã giải thể, ngừng hoạt động, đổi trụ sở, lãnh đạo là người nước ngoài đã về nước...
Số lượng khách hàng cá nhân nhiều người đã chuyển chỗ ở, hoặc đã chết gây khó khăn cho quá trình điều tra. Trong 105 người được triệu tập, chỉ 47 người khai nhận quà tặng của OceanBank nhưng ít người nộp lại tiền. Nhiều người không nộp lại tiền với lý do việc chi trả tiền đúng hay sai là trách nhiệm của ngân hàng.
Nhiều doanh nghiệp bị tố nhận 'quà' trăm tỷ
Trong số 1.300 tỷ chi lãi suất ngoài, kết quả điều tra thể hiện có 1.000 tỷ được chia cho các cá nhân là lãnh đạo Hội sở và lãnh đạo các chi nhánh thuộc OceanBank trực tiếp nhận. Giám định của ngân hàng nhà nước cho rằng gần 600 tỷ được sử dụng chi lãi ngoài.
Theo đó, Nguyễn Xuân Thắng nhận hơn 200 tỷ và Võ Việt Trung nhận 20 tỷ. Hai người này chuyển cho Nguyễn Xuân Sơn theo yêu cầu chi chăm sóc khách hàng cho tiền gửi của Tập đoàn Dầu khí PVN.
Nguyễn Xuân Sơn khai chi lễ tết hết 30-50 tỷ đồng trong 5 năm (2009-2014), đặc biệt đưa trực tiếp cho nguyên Kế toán trưởng PVN Ninh Văn Quỳnh 20-30 tỷ. Ông Quỳnh vào ngày 6/9 chỉ thừa nhận đã lấy 20 tỷ để chi tiêu cá nhân. Ngoài ra, Nguyễn Xuân Sơn khai chi tiền Tết cho chuyên viên các bộ, ngành có quan hệ làm việc với dầu khí mỗi người 50 triệu đồng. Ông ta còn khai từng biếu cho thứ trưởng, bộ trưởng tiền Tết từ 50-200 triệu đồng song "xin từ chối nói tên".
Cũng theo cáo buộc, nguyên Tổng Giám đốc OceanBank Nguyễn Minh Thu đã trực tiếp nhận và chi trả hơn 48 tỷ đồng lãi ngoài không kỳ hạn. Những doanh nghiệp được bị cáo Thu chăm sóc gồm: Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVoil) hơn 26 tỷ, Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) gần 10 tỷ và Liên doanh Dầu khí VietsoPetro (VSP) hơn 22 tỷ.
Nguyễn Minh Thu bị cáo buộc dùng gần 40 tỷ trả lãi ngoài cho các khách hàng do cựu Phó tổng giám đốc OceanBank Nguyễn Thị Minh Phương quản lý. 33 tỷ khác được chi cho các khách hàng công ty gồm: Phân bón Dầu khí Cà Mau và Ban quản lý Khí điện đạm Cà Mau gần 17 tỷ, công ty ĐHTDKT Dầu khí TN (PVEP POC) 6 tỷ, Công ty tàu và Cảng dịch vụ Dầu khí hơn 2 tỷ, Công ty Nhiệt điện Phả Lại hơn 8 tỷ.
Nguyên phó tổng giám đốc Nguyễn Thị Minh Phương được phân công chi 263 tỷ cho các khách hàng: Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ (Vinashin) gần 106 tỷ, Tổng công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP) 76 tỷ, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower) 35,5 tỷ, Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) hơn 8 tỷ, Tổng công ty Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam và các công ty thành viên (PVIs) gần 20 tỷ, Ban Quản lý dự án Điện lực Dầu khí Long Phú 1 hơn 4 tỷ, Ban Quản lý Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 hơn 1 tỷ, Tổng công ty Vận tải Dầu khí gần 8 tỷ và Công ty Cổ phần Cảng Phước An hơn 3 tỷ.
Hà Văn Thắm nhận trực tiếp chỉ đạo Giám đốc chi nhánh OceanBank TP HCM chi tiền cho Chủ tịch Tập đoàn SSG tuy nhiên lãnh đạo này không thừa nhận.
Các doanh nghiệp đều phủ nhận
Trong nhiều ngày xét xử vừa qua, đại diện doanh nghiệp tại toà đều phủ nhận việc nhận lãi suất ngoài, chỉ thừa nhận có gửi tiền tại OceanBank. Nhiều cuộc đối chất căng thẳng đã diễn ra, đặc biệt là giữa bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Xuân Thắng, Hà Văn Thắm với cựu Kế toán trưởng PVN Ninh Văn Quỳnh.
Ông Quỳnh một mực cam đoan bằng tư cách, đạo đức của bản thân không nhận "một đồng nào". Thậm chí, cựu lãnh đạo PVN này còn nói mối quan hệ với Nguyễn Xuân Sơn không tốt đẹp. Chỉ sau khi bị bắt ở một vụ án khác, khi đối chất lần hai, ông Quỳnh mới thừa nhận đã được Sơn biếu 20 tỷ.
Tương tự, đại diện VietsovPetro cho hay tài khoản của công ty không nhận khoản nào lãi ngoài hợp đồng.
Tuy vậy, cựu tổng giám đốc OceanBank Nguyễn Xuân Sơn vẫn khẳng định nhiều lần đi quan hệ "đưa tiền chi lãi ngoài" cho các doanh nghiệp này, người nhận khi là kế toán trưởng, lúc là tổng giám đốc. "Gặp nhiều lần, đưa nhiều lần, mỗi lần 10.000-20.000 USD hoặc 200-300 triệu đồng", cựu tổng giám đốc OceanBank khai song cho biết không nhớ tổng số.
Người kế nhiệm ông Sơn là cựu tổng giám đốc Nguyễn Minh Thu cũng cho hay đã thay ông Sơn đưa tiền lãi ngoài cho VietsovPetro. "Thỏa thuận tiền lãi ngoài chỉ giao dịch miệng, không hợp đồng", bà Thu nói. Theo bà Thu, lúc cao điểm, VietsovPetro gửi hàng trăm triệu USD. Sau lời khai này, chủ tọa thốt lên "xin hãy nhân giùm tôi ra tiền Việt".
Đại diện Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVoil) gửi 1.500 tỷ tại OceanBank cũng khẳng định đơn vị không nhận lãi ngoài. Lãnh đạo các doanh nghiệp này đang tiếp tục được triệu tập để làm rõ thông tin.
Đại án OceanBank đã đi được một nửa chặng đường dự kiến 20 ngày.
Vào ngày khai mạc phiên toà 28/8, Tòa triệu tập gần 750 người, pháp nhân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan song nhiều trường hợp đã vắng mặt. Trong số này có đại diện Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Xây dựng, Tập đoàn Thiên Thanh, đại diện của nhóm cổ đông của TrustBank, OceanBank, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Bảo hiểm Nhân thọ Sunline Việt Nam…
Hơn 50 luật sư đăng ký bảo vệ cho các bị cáo, cá nhân và pháp nhân tham gia phiên tòa. Ông Thắm mời hai luật sư bào chữa. Cựu tổng giám đốc OceanBank Nguyễn Xuân Sơn có 4 luật sư bảo vệ. Ngoài ông Hà Văn Thắm (cựu chủ tịch HĐQT OceanBank) còn có 50 bị cáo khác, đa phần là cấp dưới của ông Thắm.
Phiên toà sẽ tiếp tục vào ngày mai, 11/9.
Theo VnExpress