Để đảm bảo điều kiện đầu vào và đầu ra về năng lực ngoại ngữ, nhiều người có nhu cầu học thạc sĩ, nghiên cứu sinh đã tìm đến Đại học Đông Đô để lấy những tấm văn bằng 2 tiếng Anh dạng “cấp tốc”.
- 20.08.2019 Bộ Công an ra lệnh truy nã Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học Đông Đô
- 20.08.2019 Hàng trăm văn bằng "chui" được cấp trót lọt ở Đại học Đông Đô: Lý giải của Bộ Giáo dục và Đào tạo
- 05.08.2019 Hiệu trưởng ĐH Đông Đô bị bắt, Bộ Giáo dục có vô can trong kiểm soát đào tạo văn bằng 2?
- 03.08.2019 Khởi tố Hiệu trưởng và 3 cán bộ trường Đại học Đông Đô để điều tra
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, một người học thạc sĩ nếu có bằng tốt nghiệp văn bằng 2 ngành ngôn ngữ nước ngoài sẽ được miễn môn ngoại ngữ cả đầu vào và đầu ra. Văn bằng hoặc chứng chỉ ngoại ngữ cũng là một trong những điều kiện để tuyển nghiên cứu sinh, đào tạo trình độ tiến sĩ.
Ngoài ra, chứng chỉ ngoại ngữ, văn bằng 2 ngoại ngữ cũng là “giấy thông hành” để thi tuyển, thi nâng ngạch viên chức, công chức theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan chức năng.
Nắm bắt nhu cầu này, trong nhiều năm qua, dù không được phép đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh nhưng Trường Đại học Đông Đô vẫn liên tục chiêu sinh, mở lớp.
Năm 2017, trường này đào tạo văn bằng hai 17 ngành. Từ đó đến nay, trong đề án tuyển sinh mà trường đăng tải trên Website và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo đều có kê khai chỉ tiêu tuyển sinh văn bằng 2 với số lượng lớn. Chỉ tiêu này do lãnh đạo Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Giáo dục và Đào tạo) ký quyết định, giao cho trường.
Về mâu thuẫn “vì sao Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định chưa cho phép Trường Đại học Đông Đô được đào tạo văn bằng 2, mà hằng năm Vụ Kế hoạch Tài chính của Bộ vẫn ký, giao chỉ tiêu tuyển sinh văn bằng 2 cho trường này?”, đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa có câu trả lời chính thức. Trách nhiệm của các cá nhân liên quan cũng chưa được Bộ đề cập.
Đề án tuyển sinh năm 2019 của Đại học Đông Đô có kê khai chỉ tiêu tuyển sinh văn bằng 2 chính quy.
Vì chưa được cấp phép đào tạo văn bằng 2 nhưng vẫn được giao chỉ tiêu tuyển sinh, cộng với việc Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa công khai danh sách các trường được phép đào tạo văn bằng 2, nên thời gian qua người học không có thông tin, không biết việc mình đã đăng ký học ở cơ sở đào tạo “chui” văn bằng 2.
Đó là trường hợp hàng trăm học viên ở Hải Phòng. Họ đang kêu cứu đến các cơ quan chức năng, cho rằng mình bị Đại học Đông Đô “lừa”.
Chị H – một cán bộ tại Hải Phòng – cho biết, Trường Đại học Đông Đô đã xuống Hải Phòng, liên kết với trung tâm giáo dục thường xuyên để mở lớp, đào tạo văn bằng 2 ngành Luật Kinh tế. Nhiều học viên bị tốn tiền, mất thời gian đi học, nhưng đến nay vẫn chưa được nhận bằng.
Hiện chị H và các học viên đang rất hoang mang trước thông tin lãnh đạo Đại học Đông Đô bị khởi tố và trường này chưa được cấp phép đào tạo văn bằng 2 bất cứ ngành nào.
Ngoài các học viên ở Hải Phòng đang kêu cứu, thì nhiều đơn vị cũng đang lúng túng khi phát hiện học viên, công chức của đơn vị mình có sử dụng văn bằng 2 ngôn ngữ Anh của Đại học Đông Đô.
Theo ông Vũ Mạnh Dũng – Chánh văn phòng Học viện Khoa học xã hội, trong số 27 nghiên cứu sinh trúng tuyển năm 2019 tại Học viện Khoa học xã hội thì có 7 trường hợp sử dụng văn bằng 2 tiếng Anh của Đại học Đông Đô.
Hiện học viện chưa có hướng xử lý với những học viên này, vì qua kiểm tra, phôi bằng mà học viên nhận đều là thật, theo mẫu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Học viện Khoa học xã hội đang chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố có hay không thu hồi những văn bằng 2 đào tạo trái phép này. Nếu văn bằng bị thu hồi, thì kết quả đầu vào nghiên cứu sinh của học viên cũng sẽ bị hủy.