• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hạnh phúc là khi dám sống một cuộc đời rực rỡ

Văn hoá 18/02/2023 17:48

(Tổ Quốc) - Trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống cũng như sự nghiệp, thời điểm hiện tại nhà báo, đạo diễn Bông Mai có thể tự tin chia sẻ rằng "Tôi đã dám sống một cuộc đời rực rỡ".

Ca sĩ, đạo diễn, nhà báo Bông Mai sinh năm 1977 từng được biết đến là cựu thành viên nhóm nhạc Con gái nổi tiếng một thời. Cô có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại VTV, 3 năm làm quản lý Trung tâm sản xuất nội dung Giáo dục và Giải trí VTVcab. Hiện Bông Mai công tác tại Tạp chí Ngày Nay.

Hạnh phúc là khi dám sống một cuộc đời rực rỡ - Ảnh 1.

Nhà báo, đạo diễn Bông Mai trong chuyến đi xuyên Việt 99 ngày

Đầu năm 2022, nhà báo,đạo diễn Nguyễn Bông Mai đã lên đường thực hiện chuyến đi 99 ngày xuyên Việt. Đây là chuyến phượt rất khác so với hầu hết hành trình xuyên Việt mà mọi người đã từng đi. Hành trình ấy không chỉ dọc theo chiều dài đất nước mà còn dọc theo dân tộc anh em, chạm vào chiều sâu văn hóa của từng dân tộc, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Với mong muốn kể lại những sắc màu ấy, muốn khoe những người bạn, người thân đã may mắn được gặp trên hành trình này, Bông Mai đã tổ chức triển lãm mang tên "Dám sống một cuộc đời rực rỡ" từ ngày 18/2 đến ngày 26/2 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

+Chị bắt đầu chuyến đi xuyên Việt vì lý do gì?

- Chuyến đi của tôi có tên gọi "Dám sống một cuộc đời rực rỡ", dám sống nghĩa là mình dám đưa ra các lựa chọn, quyết định nào mình sẽ đi đến cùng với quyết định đó. Nhưng cái việc quan trọng nữa, suốt những năm làm nghề, là một nhà báo, một đạo diễn, tôi đã gặp những phụ nữ bất hạnh, những phụ nữ đắm chìm trong đau khổ, những phụ nữ chưa khi nào dám sống một cuộc đời rực rỡ, họ không thể đưa ra quyết định dừng những ưu tiên khác trong cuộc sống như gia đình, công việc để thực hiện mong muốn của mình trước. Chính tôi cũng đã từng sống trong những năm tháng đó… Để nỗi buồn, sự sợ hãi, định kiến xã hội, và cả những đổ vỡ lòng tin vào chính bản thân mình nhấn chìm mình, giam giữ mình. Tôi muốn chuyến đi này của mình, hành trình này của mình thức tỉnh lại những khát khao của nhiều phụ nữ, đánh thức lại những rực rỡ trong mỗi người và khẳng định rằng phụ nữ họ có thể làm được rất nhiều điều trong cuộc sống.

+Trong chuyến đi, chị đã chọn đề tài trang phục dân tộc làm mạch đi xuyên suốt cho hành trình xuyên Việt. Chị hẳn có những lý do cho sự lựa chọn của mình?

Hạnh phúc là khi dám sống một cuộc đời rực rỡ - Ảnh 2.

Hình ảnh trang phục dân tộc tại triển lãm

Để chuyến đi của mình có mục đích, có ý nghĩa hơn tôi đã chọn góc nhìn về văn hoá. Nhưng văn hóa dân tộc của Việt Nam có rất nhiều vấn đề nên trước chuyến đi 3 tháng tôi đã dành thời gian đọc tài liệu tìm hiểu về tất cả văn hóa của các vùng dân tộc, sau khi suy nghĩ tôi đã chọn đề tài tìm hiểu về trang phục của phụ nữ dân tộc. Bởi trang phục là sự nhận diện của một dân tộc và tôi cũng là phụ nữ, tôi muốn tìm hiểu về trang phục của phụ nữ - những người anh em của mình sẽ mặc những trang phục như thế nào.

Quả thật, qua tìm hiểu, tôi mới thấy nhiều nét văn hóa đặc sắc từ các bộ trang phục như thế. Để tạo nên chúng, người phụ nữ dân tộc đã tự tay làm các công đoạn nhuộm vải, dệt vải. Người phụ nữ vừa dệt vải, vừa hát những bài ca ngợi gia đình, thiên nhiên rộng lớn. Như vậy, trang phục không còn là bộ quần áo để mặc mà là nét đẹp trong văn hóa sinh hoạt của cộng đồng dân tộc. Trang phục đã thể hiện tính cách, tình cảm của người phụ nữ. Sự tỉ mỉ, khéo tay đều thể hiện trên trang phục. Trước đây, tôi không biết về điều này và cũng không mấy để tâm tới nó.

+Điều đặc biệt nhất của chuyến đi xuyên Việt ấy được chị đưa vào triển lãm?

- Điều mà tôi nhớ nhất, muốn kể với mọi người nhiều nhất trong triển lãm lần này, tôi đã gặp Mua, một em bé dân tộc 9 tuổi bị liệt, từ khi em còn mấy tháng tuổi sau một trận sốt. Mẹ Mua sinh ra em khi còn quá trẻ, kinh nghiệm sống còn ít đôi khi sự chăm sóc bản thân còn hạn chế thì việc chăm sóc những đứa trẻ sẽ khó tránh khỏi những hệ lụy đáng tiếc do những thiếu hụt về kiến thức. Những câu chuyện này kể ở đây để thấy, hệ lụy của việc không được giáo dục, không được học hành sẽ dẫn tới những việc đau lòng như thế.

Hạnh phúc là khi dám sống một cuộc đời rực rỡ - Ảnh 3.

Nhà báo, đạo diễn Bông Mai chia sẻ tại triển lãm

Để gặp được Mua, tôi tin chúng tôi có duyên với nhau, câu đầu tiên Mua gặp tôi và hỏi "cô là ai mà cô đến thăm con", chính vì câu hỏi đó tôi nhận ra em không hề có vấn đề gì về não bộ, và trước khi chia tay Mua có nói với tôi "cô đi thì cô nhớ quay về thăm con". Lời hứa của tôi đối với Mua là sẽ giúp em có cơ hội chữa bệnh, thực hiện giấc mơ của mình được đến trường học như các bạn và tôi nghĩ tôi đang trên con đường đó.

Qua câu chuyện của Mua, tôi nghĩ chúng ta đang rất may mắn và chúng ta có cơ hội được làm nhiều điều tốt thay vì ngồi một chỗ than phiền về những điều mà chúng ta đang có. Hay câu chuyện tôi giúp những người phụ nữ đồng bào có cơ hội trong công việc, cho họ học một nghề mới và tự kiếm tiền bằng nghề đó, đấy là việc tôi muốn làm và muốn kể.

Đồng thời, đây cũng chính là câu trả lời của tôi thế nào là văn hóa tình người. Trong triển lãm, tôi trưng bày 99 bức ảnh để kể về câu chuyện của mình, nhưng tôi không kể với mọi người rằng "trẻ em ở đây khổ lắm, hãy giúp các em đi" mà tôi muốn mọi người khi nhìn thấy bức ảnh mọi người sẽ nghĩ điều gì. Tất cả bức ảnh tại triển lãm đều có thông điệp rằng hãy giúp đỡ người khác bằng tình thương yêu của mình chứ không chỉ giúp đỡ về mặt vật chất và sự đặc biệt trong chuyến đi của tôi gắn bó với tất cả các bức ảnh tại triển lãm này.

+Tại sao lại là con số 99 mà không phải con số khác?

Hạnh phúc là khi dám sống một cuộc đời rực rỡ - Ảnh 4.

Những bức ảnh được trưng bày tại triển lãm

- Chuyến đi này của tôi có rất nhiều thắc mắc, đầu tiên là chữ "dám", Khi tôi đưa ra khẩu hiệu này, nhiều người phản ứng lắm. Họ hỏi tại sao không là "hãy sống" vì "dám" nghe rất vô cảm, vô trách nhiệm. Nhưng với tôi từ "hãy" chỉ dừng lại ở khẩu hiệu. Còn thông điệp "dám sống" chính là phải dám sống cho bản thân mình trước, dám có được hạnh phúc, bởi tôi quan niệm bản thân phải hạnh phúc mới có khả năng cho đi hạnh phúc. Còn khi vẫn đong đếm hạnh phúc của mình bằng hạnh phúc của người khác, nghĩa là vẫn đang sống dựa, sống tầm gửi, chứ không phải sống cho mình.

Còn tại sao lại là số 99 vì khi mọi người đếm từ 1 đến số 99 thì mọi người sẽ đếm sang một vòng số mới nên tôi muốn gửi một thông điệp rằng, 99 ngày cho hành trình này của tôi chỉ đang là vòng quay đầu tiên để tiếp tục sang một hành trình khác. Mọi người đứng trong không gian triển lãm chính là hành trình 99 ngày tiếp theo của tôi và tôi còn rất nhiều dự định khác cũng quay vòng theo con số này. Bởi số 99 sẽ không có điểm dừng mà vẫn luôn tiếp tục. Đó là động lực để tôi tìm hiểu và thực hiện những dự định của mình.

+ Đặt tên cho chuyến đi và triển lãm là "Dám sống một cuộc đời rực rỡ", vậy với chị một cuộc đời rực rỡ là như thế nào?

- Mọi người ai cũng nhìn thấy hình ảnh quả dứa, quả dứa bên trong rất ngọt nhưng bên ngoài đủ xù xì không ai có thể chạm vào được nhưng đây là loại quả duy nhất có vương niệm trên đầu và tôi nghĩ ai cũng có cách sống rực rỡ theo cách của mình.

Chữ "rực rỡ" tôi nói đến không phải rực rỡ bằng màu sắc mà là về những cảm xúc, những khoảnh khắc mình nhìn thấy hạnh phúc của người khác, nụ cười của người khác. Rực rỡ còn là khi mình đang ở trong tâm thế nào đó, một nỗi buồn, niềm vui, thậm chí cả nỗi buồn của người khác cũng thấy được an ủi, thấy vui hơn. Rực rỡ cũng là điểm tô những màu sắc trong cuộc sống. Mỗi người đều có những nỗi buồn, những câu chuyện khác nhau, nhưng họ vẫn có một cuộc sống rất tích cực. Rực rỡ bằng cảm xúc bất kể vui hay buồn. Chính vì "rực rỡ" đấy, tôi trân trọng hơn những gì mình đang có.

Hạnh phúc là khi dám sống một cuộc đời rực rỡ - Ảnh 5.

Nhà báo, đạo diễn Bông Mai trong chuyến đi xuyên Việt 99 ngày

Có thể quan điểm sống đó của tôi không phải là quan điểm được nhiều người ủng hộ vì còn rất nhiều người "trao" những vai trò, trách nhiệm lên vai người phụ nữ để họ không dám sống với mong muốn, với ước mơ của mình. Họ phải sống để những người xung quanh mình vui, hài lòng mà vô tình tự chôn vùi những hoài bão, ước mơ của bản thân lại nơi góc sâu trong tâm hồn. Chính điều đó đôi khi khiến họ trở nên cô đơn chính giữa cuộc đời mình./.

Cảm ơn nhà báo, đạo diễn Bông Mai đã chia sẻ!


Thu Thương

NỔI BẬT TRANG CHỦ