• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hành trình khám phá những “cái tôi” của Đoàn Cầm Thi

02/08/2016 10:21

(Tổ Quốc)- Văn học thay đổi không ngừng. Quá trình phát lộ những “cái tôi”, cái cá nhân của mỗi tác giả là bước phát triển quan trọng của quá trình hiện đại hóa văn học.



(Tổ Quốc)- Văn học thay đổi không ngừng. Quá trình phát lộ những “cái tôi”, cái cá nhân của mỗi tác giả là bước phát triển quan trọng của quá trình hiện đại hóa văn học. Đoàn Cầm Thi đã phân tích những cái tôi ấy bằng con mắt sắc sảo của một nhà phê bình
.

Các tác phẩm văn học, trừ văn học dân gian, đều là sản phẩm sáng tạo của những con người cụ thể. Vậy nên, dù viết về bất cứ đề tài nào, các sáng tác ấy đều có một phần “cái tôi” của người viết trong đó. Dù phần cá nhân ấy được bộc lộ rõ nét trong tác phẩm hay ẩn khuất đâu đó trong nhân vật và giọng điệu. Một nhà văn muốn tìm được cho mình một chỗ đứng trong văn đàn, nhất định phải thể hiện được “cái tôi” của mình trong tác phẩm. Đó là quy luật chung của mọi nền văn học. Nhưng con đường biểu hiện “cái tôi” cá nhân của các nhà văn, nhà thơ Việt Nam lại khá gian nan.

Phần cá tính sáng tạo được xem là đặc sắc ấy vốn bị bó buộc cả ngàn năm bởi văn chương trung đại vốn chỉ nhắc đến “cái ta chung”. Cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, khi văn học phương Tây du nhập vào nước ta, “cái tôi cá nhân” mới dần được bộc lộ. Nhưng khi Cách mạng và hai cuộc kháng chiến trường kì nổ ra, với sứ mạng là một công cụ tuyên truyền của cách mạng, “cái ta chung” lại một lần nữa chiến thắng “cái tôi”.



Bằng phương pháp phê bình hiện đại, TS. Đoàn Cầm Thi mang đến nhiều góc nhìn khác lạ, độc đáo cho những cái "tôi" của các tác phẩm tưởng đã quen thuộc.
 

Để nói về những “cái tôi trong sáng tác”, những cá tính sáng tạo của các nhà văn, nhà phê bình Đoàn Cầm Thi đã chọn thời điểm năm 1986 để bắt đầu cho cuộc hành trình của mình- Hành trình khám khá những cái tôi. Bước khỏi cuộc chiến, văn chương Việt sau 1986 đã đi sâu vào đời sống, đó là thứ văn của đời sống, của những thân phận con người. Đó là điều kiện quan trọng để “cái tôi” trong văn chương phát triển. Với hơn mười năm nghiên cứu văn học Việt Nam tại Pháp, Đoàn Cầm Thi đã đúc kết những trải nghiệm về “cái tôi” trong Văn học đương đại qua tập tiểu luận Đọc tôi bên bến lạ.

Nói đến “cái tôi” là nói đến sự khác biệt và đa dạng, vì thế Đoàn Cầm Thi đã dùng những góc nhìn khác nhau để nghiên cứu về “cái tôi” và phân chia các cá tính đó thành những nhóm nhỏ theo cấu trúc bốn phần: Những cái “tôi” phủ định, Đi tìm những cái “tôi” mới, Những cái “tôi” lưu vong và cuối cùng là Những cái “tôi” phi hư cấu. Với sự phân chia này, Đoàn Cầm Thi đã tìm ra những điểm tương đồng trong những “cái tôi” của các nhà văn. Cũng từ đây, nhà phê bình cho chúng ta thấy được sự đa dạng, và hướng phát triển cũng như tiến trình của văn học Việt Nam đương đại trong tương lai.

Cái tên đầu tiên mà Đoàn Cầm Thi nhắc đến trong quá trình đi tìm Những “cái tôi” phủ định là Nguyễn Huy Thiệp. Đoàn Cầm Thi đã gọi tác giả của Tướng về hưu là “nhà văn của gia đình”, trong tiểu luận Nguyễn Huy Thiệp: Những đứa con giết cha, nhà phê bình chủ yếu nói về cách mà nhà văn khắc họa các mối quan hệ trong gia đình, đặc biệt là quan hệ cha- con, một mối liên hệ mật thiết của huyết thống vốn được Nho giáo xưa kia coi là “tam cương”, cương lĩnh để xây dựng xã hội. Trong quan niệm truyền thống, con luôn luôn phải phục tùng cha, nhưng bằng một loạt các dẫn chứng trong các tác phẩm: Không có vua, Tướng về hưu, Tội ác và trừng phạt… Nguyễn Huy Thiệp đã kể chuyện về những đứa giết cha, những đứa con làm trái luân thường. Sự phản kháng của họ chính là quá trình phản kháng của “cái tôi” chống lại cha, chống lại gia đình- một ẩn dụ về xã hội thu nhỏ.

Vậy “cái tôi phủ định” mà Đoàn Cầm Thi muốn nói đến ở đây là gì? Đó chính là phá bỏ, phủ định những quan niệm cũ, những hệ tư tưởng đã đi sâu vào nếp nghĩ của người Việt để xây dựng những quan niệm mới, một hệ thống tư tưởng mới. Những gương mặt mà Đoàn Cầm Thi nêu lên trong phần này như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Minh Châu hay Bảo Ninh đều là những nhà văn đóng vai trò như những nhà “cải cách”. Họ xây dựng cái mới trên nền móng của cái cũ, hay nói cách khác, họ đã dám đứng lên “phản biện” cái cũ. Cái tôi cá nhân của nhóm tác giả này được xây dựng từ chính năng lực phản biện đó.

Nhưng “mảnh đất màu mỡ” của những “cái tôi” không chỉ là nơi dành cho “các nhà cải cách”. Đó còn là nơi của “những nhà kiến tạo”, họ là các nhà văn đã tìm ra cái mới, sáng tác mà không dựa vào những nền tảng cũ, từ đó thể hiện “cái tôi” của cá nhân. Đi tìm những cái “tôi” mới, chính là phần dành cho những nhà văn như thế! Một loạt cá tính sáng tạo độc đáo như: Nguyễn Bình Phương, Trần Dần, Nguyễn Việt Hà được Đoàn Cầm Thi đem ra mổ xẻ. Với quan điểm của nhà phê bình: sáng tạo không chỉ là sự thăng hoa của “cái tôi”, sáng tạo là sự thể hiện rõ ràng nhất của cái tôi. Trong sáng tác nếu tạo nên hình tượng mới từ việc biến đổi những hình tượng cũ, thì có thể chỉ tạo ra những “cái tôi” mờ nhạt, vẫn có thể lẩn khuất đâu đó trong bóng hình kẻ khác, chỉ có tạo nên những cái mới mới khiến cái tôi bộc lộ rõ ràng.

Những cuộc di cư lớn sau hai cuộc kháng chiến đã tạo nên bao phận người lưu lạc. Đoàn Cầm Thi đã dành một phần trong cuốn tiểu thuyết của mình để nói về Những cái “tôi” lưu vong. Đó là những con người mà Thuận đã nói đến trong China town. Hay những số phận mà Trần Vũ đã khắc khoải trong Giấc mơ thổ và đó còn là sự lưu lạc không điểm dừng của Đỗ Kh. “Cái tôi lưu vong” mà các nhà văn thể hiện trong sáng tác của mình, ở trong đó có cả sự sợ hãi, hoang mang trong bản thể khi không biết mình thực sự là ai? Mình thực sự thuộc về nơi nào? Khi mà xứ sở tạo nên hình dáng và nhân dạng luôn tạo nên một cảm giác xa cách. Còn xứ sở mà nhân vật đang trú ngụ thì luôn coi họ là một kẻ “ngụ cư”. Quá trình thể hiện “cái tôi” cũng chính là hành trình đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai”?.

Cái tôi cá nhân chân thật nhất trong văn chương phải chăng chính là cái tôi của chính bản thân tác giả, khi họ tự kể chuyện đời mình? Chính vì trăn trở này mà Đoàn Cầm Thi đã dành một phần để nói về Những cái “tôi” phi hư cấu với hai đại diện tiêu biểu là Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh và Đặng Thùy Trâm với cuốn nhật kí cùng tên. Trong phần này, nhà phê bình Đoàn Cầm Thi cũng cho rằng: tự truyện sẽ là một thể loại của tương lai. Khi mà cái “tôi” cá nhân càng ngày càng được bộc lộ một cách rõ ràng.

Han Roberth Jass đã nói rằng: “Lịch sử của văn học là lịch sử của những cách đọc”. Trong đó nhà phê bình đóng vai trò như một “người đọc lý tưởng” quá trình đọc và phân tích chuyên sâu của các nhà phê bình sẽ phát lộ ra những giá trị ngầm ẩn của các tác phẩm văn học. Những “cái tôi” cá nhân đặc sắc trong văn học mà Đoàn Cầm Thi đã dày công phân tích và mổ xẻ chính là những giá trị bấy lâu còn ẩn giấu.





Tọa đàm: Cuộc phiêu lưu của cái tôi trong văn học đương đại



Đây là nội dung tọa đàm nhân dịp ra mắt tác phẩm “Đọc tôi bên bến lạ” của Đoàn Cầm Thi vào lúc 18h ngày 9/8 tại Trung tâm văn hóa Pháp.

Buổi tọa đàm sẽ bàn luận về đại từ nhân xưng “tôi” xuất hiện trong tiếng Việt khi nào. Ý thức về bản thân được thể hiện như thế nào trong các tác phẩm kinh điển ? Cuộc gặp gỡ với văn hóa phương Tây có ảnh hưởng đến các hình thức thể hiện cá nhân trong văn học ?

Đây cũng chính là những câu hỏi mà cuốn sách mới của Đoàn Cầm Thi, Đọc “tôi” bên bến lạ, đề cập đến trước khi đi vào khai phá nội dung chính: sự bùng nổ của cái “tôi” trong văn xuôi từ 1986.

Trong mọi nền văn minh, đại từ “tôi” bao giờ cũng là kết quả của một quá trình dài xây dựng ngôn ngữ, văn hóa, tư tưởng. Truyện Kiều có thể coi là một cột mốc quan trọng trong sự hình thành cái “tôi”. Tiếp đến là Truyện thầy Lazaro Phiền (1887) của Nguyễn Trọng Quản và Tố Tâm (1925) của Hoàng Ngọc Phách đều sử dụng nhiều cái “tôi” để diễn đạt tính hỗn tạp của cá nhân và thế giới.

Trong những năm 1930 đại từ “tôi” xuất hiện nhiều trong thơ, báo chí, trên các diễn đàn văn học. Nhưng có lẽ Thơ Mới là nơi chữ “tôi”, “với cái nghĩa tuyệt-đối của nó” (nói theo Hoài Thanh), trỗi dậy mạnh mẽ nhất để Xuân Diệu được hai lần nói “tôi” trong chỉ một câu thơ: “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”. Và hàng loạt các tác phẩm sau này đề cao cái “tôi” như: Những ngày thơ ấu (1938) của Nguyên Hồng và Cỏ dại (1944) của Tô Hoài…

Văn học đối mới ghi dấu cái “tôi” từ Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp. Tiếp đến các cây bút: Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Đỗ Kh., Trần Vũ, Phong Điệp, Phan Việt, Phan Hồn Nhiên, Vũ Đình Giang, đến các phẩm tự truyện đương đại… đều sử dụng cái tôi trong tác phẩm văn học.

Cái tôi trong văn học có vị trí thế nào, ảnh hưởng ra sao tới độc giả và thẩm mỹ nghệ thuật sẽ được lý giải phần nào trong buổi tọa đàm.

Đoàn Cầm Thi là tiến sĩ văn học Pháp, PGS Học viện nghiên cứu Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông, cũng là người sáng lập và điều hành tủ sách văn học Việt Nam đương đại của NXB Riveneuve - Paris.

Cuốn sách “Đọc tôi bên bến lạ” của TS. Đoàn Cầm Thi do NXB Hội Nhà văn và Công ty truyền thông Nhã Nam ấn hành.

Hà Anh



                                                                        Quỳnh Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ