• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hành trình thành công của cô gái vàng môn leo núi Slovenia và kinh nghiệm huấn luyện cho Việt Nam

Thể thao 12/07/2023 07:12

(Tổ Quốc) - Janja Garnbret (sinh năm 1999) được mệnh danh "cô gái vàng" của môn leo núi thể thao và là niềm tự hào của Slovenia ở nhiều giải đấu lớn. Chia sẻ của Janja với CNA Women sẽ giúp độc giả hiểu hơn về quá trình tập luyện và bí quyết thành công của Janja và thể thao Slovenia.

Tính đến tháng 9/2022, Janja Garnbret (23 tuổi, Slovenia) đã giành được 37 danh hiệu cúp thế giới và có 56 lần bước lên bục vinh quang. Năm 2021, cô cũng đã giành huy chương vàng tại Olympic Tokyo.

Tuy nhiên, không phải cuộc đua nào Janja cũng thành công. Cô cũng có nhiều thất bại và mất mát khi thi đấu. Trong năm 2022, cô đã bỏ lỡ hai huy chương vàng ở Edinburgh, Scotland và trên sân nhà ở thành phố Koper của Slovenia. Vào năm 2018, kỷ lục liên tục giành huy chương vàng của cô đã bị phá vỡ khi Janja chỉ giành huy chương bạc tại cúp thế giới Salt Lake City.

Vượt lên khó khăn để thành công

Với những chiến thắng vang dội như trên, rất khó để tưởng tượng vận động viên leo núi thể thao thành công nhất thế giới lại phải tập luyện với các thiết bị tại một trường học cũ. Cô tập luyện leo với các thiết bị cơ bản là tường nghiêng và bảng gỗ có thanh ngang, và thậm chí còn không được làm quen với ván treo và leo ván.

Hành trình thành công của cô gái vàng thể thao leo núi Slovenia và kinh nghiệm huấn luyện cho Việt Nam - Ảnh 1.

Dù đã vươn tới nhiều thành công, Janja Garnbret vẫn luyện tập rất bền bỉ và phấn đấu cho nhiều mục tiêu mới. Ảnh: CNA.

Nhưng cùng với kế hoạch tập luyện chi tiết của huấn luyện viên Roman, Janja có quyết tâm mãnh liệt và kiên trì tập luyện chăm chỉ. Khi cần tập luyện leo trên địa hình cao để rèn luyện sức bền và kỹ năng, Janja đã lái xe bốn giờ tới Innsbruck, Áo, để tập luyện trong các phòng tập chuyên dụng lớn của họ. Slovenia, theo Garnbret, chỉ có bốn phòng tập leo núi.

Trong quá trình tập luyện, Janja cũng gặp nhiều chấn thương. Năm 2013, cô bị mẻ một phần xương ngón tay giữa khi leo núi. "Tôi phải bó bột trong 3 tuần rồi mới quay lại leo núi được. Khi còn trẻ, tôi nghĩ mình có những ngón tay rất khỏe. Nhưng khi gặp chấn thương, bạn phải ngừng leo và chữa trị vết thương trước", Garnbret chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với CNA. Đó là một bài học mà cô ấy đã học được một cách khó khăn vì ngay sau khi bị thương, cô vẫn tiếp tục leo núi.

Những nỗ lực và hành trình vươn tới huy chương vàng Olympic Tokyo của Garnbret được ghi lại trong bộ phim The Wall: Climb For Gold. Janja chia sẻ: "Về cơ bản, khi chuẩn bị cho Thế vận hội, tôi tập luyện 10 tiếng mỗi ngày. Cuộc sống của tôi khi đó thực sự chỉ là tập luyện, ăn, ngủ và cứ thế lặp lại".

Janja cũng nói về sự đấu tranh tâm lý trong thể thao mà người hâm mộ không nhìn thấy vì "99% những gì bạn thấy là nỗ lực đấu tranh". "Có những buổi tập khó khăn, những cuộc trò chuyện khắc nghiệt, bạn thậm chí đã khóc khi tập luyện vì hành trình phấn đấu không hề dễ dàng", Janja bày tỏ.

Có một điều đã giúp Janja vượt qua những ngày tồi tệ nhất. "Động lực lớn nhất của tôi là nhận thấy mình tiến bộ, khỏe hơn năm ngoái. Vào những ngày tôi không có động lực tập luyện thì ý thức kỷ luật là điều buộc tôi phải hành động. Tôi biết mình phải tập gì và cần tiếp tục để hướng đến những ngày tốt đẹp hơn."

Lời khuyên của cô dành cho những người leo núi đang cố gắng làm tốt hơn là đừng leo một mình, đặc biệt là khi leo núi đá. Janja nhận định: "Có ai đó leo lên cao hơn bạn sẽ thúc đẩy bạn làm tốt hơn. Và điều thứ hai là đa dạng các bài tập. Nếu cứ lặp đi lặp lại các bài tập giống nhau thì hiệu quả luyện tập có thể thụt lùi".

Thành công của thể thao Slovenia

Cho tới nay, Slovenia là một quốc gia nhỏ (dân số 2,1 triệu người) nhưng lại sản sinh ra nhiều vận động viên đẳng cấp thế giới như Janja. Thậm chí, không chỉ trong leo núi mà còn trong các môn thể thao khác, chẳng hạn như các vận động viên đua xe đạp Slovakia trong Tour de France.

Hành trình thành công của cô gái vàng thể thao leo núi Slovenia và kinh nghiệm huấn luyện cho Việt Nam - Ảnh 2.

Thành công của Janja là niềm tự hào của Slovenia. Ảnh: Twitter Janja.

Janja giải thích rằng dù là một quốc gia nhỏ nhưng người Slovenia luôn muốn chứng minh với thế giới khả năng lớn của họ. Và đó là lý do tại sao Slovenia có rất nhiều vận động viên giỏi trong tất cả các môn thể thao.

Hình mẫu ban đầu của Janja cũng là Maja Vidmar và Mina Markovic người Slovenia. Họ là những vận động viên leo núi hàng đầu thế giới. Janja đã xem mọi video của họ trên YouTube và học hỏi chuyển động của hai vận động viên này, đồng thời phấn đấu được như họ. Và dần dần, những thần tượng này trở thành đối thủ của cô tại cúp thế giới.

Và ngay cả những thần tượng của Janja trước đó cũng có những hình mẫu người Slovenia của riêng họ, như các vận động viên leo núi Martina (Cufar Potard) và Natalija (Gros). Lịch sử thành công của leo núi Slovenia thực sự bắt đầu từ Martina, nhà vô địch thế giới nữ đầu tiên môn leo núi thể thao vào năm 2001.

Từ sau thành công đó, cứ mỗi năm, mỗi thế hệ, Slovenia đều có ít nhất một vận động viên leo núi giỏi và tất cả thế hệ đi sau đều ngưỡng mộ và mong muốn đạt được kết quả tốt hơn Những cô gái trẻ tiếp tục phấn đấu và thúc đẩy nhau để làm tốt hơn. Vì vậy, tôi nghĩ đó là lý do tại sao chúng ta có rất nhiều nhà leo núi giỏi, Janja đánh giá.

Ở Slovenia, môn thể thao leo núi có lẽ là môn thể thao được công nhận nhiều nhất hiện nay nhờ Thế vận hội và sự thành công của các vận động viên leo núi người Slovenia trên đấu trường quốc tế. Rất nhiều người đang tham gia môn thể thao này. Và đó là nhờ sự truyền lửa từ các vận động viên như Janja. Cô chia sẻ: "Nếu tôi đang nói chuyện với một người lạ, rất có thể anh ta cũng là một vận động viên leo núi hoặc anh ta có bạn đang tham gia môn thể thao này".

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ