• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hành trình "tìm con" của những gia đình hiếm muộn

Sức khỏe 13/07/2020 08:29

(Tổ Quốc) - 500 cặp vợ chồng từng điều trị hiếm muộn thành công tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội vừa có một cuộc đoàn tụ hết sức ý nghĩa ngay tại Thủ đô Hà Nội. Tại đây, họ đã chia sẻ nhiều câu chuyện xúc động về hành trình “tìm con”.

Hành trình "tìm con" của những gia đình hiếm muộn - Ảnh 1.

Các gia đình hiếm muộn chia sẻ câu chuyện về hành trình "tìm con".

Mỗi gia đình, mỗi trường hợp có mặt tại sự kiện lần này là một câu chuyện riêng, không ai giống ai nhưng điểm chung của họ đã có được niềm hạnh phúc sau những tháng ngày đằng đẵng chạy chữa hiếm muộn bằng những can thiệp từ các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện đại.

Chị Lê Thị Xuân (1984) và anh Nguyễn Minh Thắng (1977) ở Sóc Sơn, Hà Nội kết hôn vào năm 2006. Đến năm 2007, chị sinh được một bé gái khỏe mạnh bình thường.

Tai họa ập đến với gia đình anh chị vào năm 2012, khi sinh bé trai thứ hai, bé chẳng may bị bệnh do bố mẹ đều mang gen Thalassemia và mất khi vừa 1 tuổi.

Khi đã dần ổn định được tâm lý, đến năm 2018, hai vợ chồng tìm đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Tại đây, gia đình được các bác sĩ tư vấn thực hiện thụ tinh ống nghiệm với sự hỗ trợ của kỹ thuật sàng lọc di truyền tiền làm tổ; kết quả đã chuyển phôi thành công.

Đầu năm 2019, niềm vui trở lại với anh chị khi chị Xuân sinh đôi 1 bé trai và 1 bé gái. Vui hơn nữa là cả hai bé hoàn toàn khỏe mạnh, không mang gen Thalassemia như bố mẹ.

Một trường hợp khác đó là gia đình anh Mẫn Xuân Minh (1973) và chị Nguyễn Thị Minh (1977) ở Hiệp Hòa, Bắc Giang. Sau khi kết hôn vào năm 2000, chị Minh mang thai ngoài tử cung 2 lần, phải cắt bỏ vòi tử cung.

Đến năm 2008, hai vợ chồng anh chị đã làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) tại một bệnh viện lớn nhưng kết quả không thành công và đã từng có ý định dừng lại không điều trị tiếp.

Nghe nhiều người giới thiệu, hai anh chị tiếp tục tìm đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Tại đây, các bác sĩ đã chỉ định thực hiện IVF cho hai vợ chồng. Kết quả là chị đã có thai và sinh con năm 2019.

Một trường hợp khác là vợ chồng chị Bùi Thị Loan (1990) và anh Bùi Tiến Mạnh (1987) ở Lương Sơn, Hòa Bình. Được biết, anh Mạnh chẳng may bị chấn thương tinh hoàn, dẫn đến vô tinh.

Sau hơn 9 năm chạy chữa hiếm muộn, tháng 5/2018, anh đã được các bác sĩ Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội mổ để lấy tinh trùng thực hiện IVF ICSI (thụ tinh trong ống nghiệm với phương pháp tiêm tinh trùng vào bào tương noãn). Kết quả, chị Loan đã sinh 2 bé trai khỏe mạnh, đến nay hai bé đã được 15 tháng tuổi.

Theo Bác sĩ Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện nói chung và Khoa Hỗ trợ sinh sản nói riêng đã thực hiện thành công cho hàng ngàn ca.

Trong số này có không ít ca khó như hiếm muộn trên 20 năm thất bại sau nhiều lần thụ tinh ống nghiệm, cả hai vợ chồng cùng mang gen tan máu bẩm sinh (Thalassemia), người chồng vô tinh.

“Sự ra đời của các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện đại, đặc biệt là kỹ thuật IVF cùng nhiều phương pháp hỗ trợ khác đã giúp nhiều trường hợp hiếm muộn tưởng chừng vô vọng, cuối cùng vẫn có được quả ngọt” - bác sĩ Lợi cho biết.

Cũng theo lãnh đạo Bệnh viện này, tỷ lệ thành công của các chu kỳ IVF khá cao và tăng dần theo từng năm, hiện tại là khoảng từ 50- 70%.

Bảo Trân

NỔI BẬT TRANG CHỦ