• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hành trình từ dự án thép nghìn tỷ đến bãi phế liệu khổng lồ đầy ám ảnh

Kinh tế 22/02/2019 07:59

(Tổ Quốc) - Ở thời điểm hiện tại, Công ty Gang thép Thái Nguyên chỉ là bãi phế liệu khổng lồ, "sống dở chết dở", rộng hàng nghìn ha và trái ngược hẳn với hình ảnh một dự án thép đầy hứa hẹn khi mới được phê duyệt. Dự án nằm đó, vô hồn và ám ảnh.

Hành trình từ dự án thép nghìn tỷ đến bãi phế liệu khổng lồ đầy ám ảnh - Ảnh 1.

Ảnh: Nam Nguyễn

Chọn nhà thầu "lỗi", cung cấp nhiều thiết bị sai xuất sứ

Sự ra đời của những dự án thép quy mô lớn hứa hẹn làm gia tăng vị thế của ngành, tăng áp lực cạnh tranh, buộc các nhà máy và dự án thép kém hiệu quả phải rút lui. Tuy nhiên, những lý do này chưa đủ để thuyết phục rằng các dự án thép "khủng" là cần thiết cho Việt Nam.

Dự án cải tạo mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên (gọi tắt là Dự án) được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư (Văn bản số 342/TTg-CN ngày 05/4/2005); giao Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) tổ chức thẩm định, xem xét phê duyệt; Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) là Chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư (TMĐT) được HĐQT VNS phê duyệt tại Quyết định số 684/QĐ-ĐT ngày 05/10/2005 là 3.843 tỷ đồng (242,5 triệu USD).

Mặc dù dự án có quy mô và tổng mức đầu tư rất lớn, song quá trình thực hiện từ các khâu đều xảy ra những sai phạm, khuyết điểm như: lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (NCTKT) chưa đầy đủ cơ sở trình VNS, Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ; Thành lập Ban Quản lý Dự án (QLDA) không đủ năng lực; phê duyệt và điều chỉnh TKCS không đúng thẩm quyền; lựa chọn tư vấn lập Báo cáo NCKT không đúng quy định; trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt Báo cáo NCKT và thẩm định, quyết định phê duyệt điều chỉnh cơ cấu TMĐT, KHĐT nhưng không thẩm định những nội dung thay đổi, không làm rõ các nội dung điều chỉnh; bổ sung một số chi phí không có trong quyết định của VNS; không xác định chi tiết các nội dung chi phí cho công tác chạy thử...

Thời điểm khi TISCO, VNS và Bộ Công Thương xin điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án thì đa số các bộ, ngành được lấy ý kiến đều phản đối, cho rằng thiếu cơ sở. Tuy nhiên, họ đã bỏ qua những khuyến cáo

Theo phê duyệt, dự án gồm 2 gói thầu chính: Gói thầu mỏ sắt Tiến Bộ đã hoàn thành đưa vào sử dụng với giá trị thanh toán là 224.057 triệu đồng; Gói thầu EPC Dây chuyền công nghệ luyện kim (143 triệu USD, sau là 160,9 triệu USD) đấu thầu rộng rãi; Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) trúng thầu với giá 160,9 triệu USD.

Năm 2007, TISCO và nhà thầu MCC ký hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị, xây dựng và lắp đặt (EPC) với giá trị gần 161 triệu USD với cam kết "trọn gói không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng, đã bao gồm các khoản thuế và chi phí cần thiết" nhưng trong quá trình thực hiện hợp đồng, nhà thầu này đã cung cấp nhiều thiết bị sai khác về nguồn gốc xuất xứ, chủng loại.

Ngày 15/5/2013, Chủ tịch Hội đồng quản trị TISCO ký phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên tới trên 8.104 tỷ đồng (tăng 4.261 tỷ đồng), thời gian thực hiện đến hết năm 2014 đi vào hoạt động. Thực tế, gói thầu EPC đã tạm dừng thi công từ năm 2013 đến nay, các hạng mục đều chưa hoàn thành.

Đáng chú ý, thời điểm khi TISCO, VNS và Bộ Công Thương xin điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án thì đa số các bộ, ngành được lấy ý kiến đều phản đối, cho rằng thiếu cơ sở. Tuy nhiên, bỏ qua những khuyến cáo, tổng mức đầu tư được điều chỉnh tăng nhưng toàn bộ các hạng mục chính chưa hoàn thành; MCC chưa chuyển đủ thiết bị theo danh mục, tình trạng máy móc hư hỏng …

Hành trình từ dự án thép nghìn tỷ đến bãi phế liệu khổng lồ đầy ám ảnh - Ảnh 3.

Ở thời điểm hiện tại, Công ty Gang thép Thái Nguyên chỉ là bãi phế liệu khổng lồ, "sống dở chết dở". Ảnh: Nam Nguyễn

Cụ thể, kết luận thanh tra cũng nêu, 2013 MCC và các nhà thầu đã dừng thi công. TISCO đã thanh toán thay MCC tiền thuế là 11,6 triệu USD, thanh toán chi phí xếp dỡ, bảo quản thiết bị là 4,737 tỷ đồng, vượt giá trị hợp đồng, trong khi MCC chưa chuyển đủ thiết bị, cung cấp nhiều máy móc thiết bị sai khác về xuất xứ, thông số kỹ thuật, không phù hợp với quy chuẩn Việt Nam với giá trị xác định bước đầu là 38,8 triệu USD (42 xe ô tô là 1,033 triệu USD, 05 đầu máy toa xe là 5,4 triệu USD...).

Hành trình dẫn tới sai phạm của dự án Gang thép Thái Nguyên còn do nhiều nguyên nhân khác. Trong đó có việc sau khi được Thủ tướng đồng ý chủ trương đầu tư dự án, ngày 9/9/2005, TISCO có tờ trình gửi VNS xin thẩm định Báo cáo NCKT trong đó nêu "TISCO đã hoàn thành bổ sung chỉnh sửa lần 2 Báo cáo NCKT…, đến nay Báo cáo NCKT đã được bổ sung hoàn chỉnh phù hợp với yêu cầu và quy định hiện hành; trong đó tổng mức đầu tư là 3.843 tỷ đồng…". Tuy nhiên, báo cáo thanh tra cho rằng, "Khi điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư, TISCO không tiến hành thẩm định lại những nội dung thay đổi (chi phí xây dựng, lắp đặt; chi phí thiết bị…) mà điều chỉnh giảm các chi phí khác để bù cho phần tăng thêm của chi phí thiết bị là không đúng quy định tại Nghị định số 12/NĐ-CP".

Về việc "đội vốn", ông Vũ Bá Ổn, phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép VN (VNSteel) - đơn nắm giữ hơn 42% vốn tại TISCO, từng khẳng định với Báo Tuổi trẻ rằng, việc đội vốn của dự án này có nguyên nhân chủ quan rất lớn, nhưng cũng có nhiều nguyên nhân khách quan như chi phí nguyên vật liệu, lãi suất tăng, huy động vốn khó khăn.

Cụ thể, vốn đầu tư tăng lên 8.104 tỉ đồng do giá cả nguyên vật liệu (tăng 1.299 tỉ đồng), thay đổi chế độ chính sách (thuế, tiền lương, đền bù... tăng 1.702 tỉ đồng), chi phí tài chính (tăng 1.042 tỉ đồng) và các chi phí khác (tăng 218 tỉ đồng...). Nguyên nhân chính là do chậm tiến độ.

Nỗi ám ảnh khoản lãi lên tới gần 50 tỷ đồng

Hành trình từ dự án thép nghìn tỷ đến bãi phế liệu khổng lồ đầy ám ảnh - Ảnh 4.

Ảnh: Nam Nguyễn

Điều đáng nói, chủ trương đầu tư Dự án là phù hợp với yêu cầu thực tế nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác quặng, sản xuất thép, ổn định việc làm, tăng thu nhập cho gần 5.000 cán bộ, công nhân viên. Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án, TISCO, MCC, VNS, Bộ Công Thương, các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan đã có những khuyết điểm, sai phạm.

Đến thời điểm thanh tra, tổng giá trị TISCO đã thanh toán cho dự án là trên 4.421 tỷ đồng; tổng dư nợ gốc, lãi vay ngân hàng phải trả trên 3.896 tỷ đồng (hiện lãi vay phải trả trên 40 tỷ đồng/tháng), trong đó thanh toán cho MCC trên 92% giá trị hợp đồng (Phần E là 2,9 triệu USD/3,1 triệu USD, 92,77%; Phần P 106,6 triệu USD/114,8 triệu USD 92,89%) nhưng các hạng mục của dự án đều chưa hoàn thành.

Ngày 19/2 vừa qua, phóng viên Báo Điện tử Tổ Quốc đã có mặt tại Công ty Gang thép Thái Nguyên để ghi nhận về hiện trạng thực tế ở dự án này. 

Ở thời điểm hiện tại, dự án giống như bãi phế liệu rộng hàng nghìn ha, hoang tàn, trái ngược hẳn với hình ảnh một dự án thép đầy hứa hẹn được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư trước đây.

Dự án nằm nó, vô hồn và ám ảnh. Một câu hỏi lớn đối với những đơn vị, cá nhân nào đã gây ra hậu quả này?

Chỉ định nhà thầu Trung Quốc sai quy định

Theo Tiền Phong, ngày 18/3/2003, Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) có Tờ trình đề nghị Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (NCTKT) Dự án với tổng mức đầu tư là 2.724 tỷ đồng.

Đến ngày 8/10/2003, VNS ký quyết định phê duyệt Báọ cáo NCTKT và đồng ý triển khai lập Báo cáo nghiên cứu khả thi (NCKT) với các nội dung: công suất dự kiến tăng thêm 500.000 tấn/năm phôi đúc liên tục, nguyên liệu chính quặng sắt khai thác trong nước và quy mô đầu tư (đầu tư mới đồng bộ dây chuyền sản xuất khép kín với các hạng mục từ khai thác mỏ nguyên liệu lò kốc, thiêu kết...), chỉ định nhà tư vấn nước ngoài (Tổng viện nghiên cứu thiết kế gang thép Bao Đầu Trung Quốc - BERIS) lập Báo cáo NCKT, thời gian thực hiện từ quý IV/2003 đến quý I/2004…

Về quyết định nêu trên của VNS, Thanh tra Chính phủ (TTCP) xác định: "VNS chỉ định nhà thầu BERIS thực hiện tư vấn, lập Báo cáo NCKT Dự án với giá trị là 3,4 tỷ đồng nhưng không thẩm định năng lực của tổ chức tư vấn lập Dự án theo quy định của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP".

Bên cạnh đó, TTCP cho rằng việc lập Báo cáo NCKT nhưng không lập thiết kế cơ sở để thẩm định phê duyệt là chưa thực hiện đúng quy định. Ngoài ra, một số nội dung trong Báo cáo NCKT cũng chưa được làm rõ trước khi thẩm định và phê duyệt...

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ