(Tổ Quốc) - Trưng bày "Khát vọng tự do" tại di tích Nhà tù Hoả Lò kể câu chuyện về những chiến sĩ kiên trung, không chịu chết mòn nơi ngục tù thực dân, đế quốc, quyết tâm vượt ngục để trở về với cách mạng, với nhân dân.
Nhà tù Hỏa Lò, nhà tù Sơn La, nhà tù Phú Quốc, nhà tù Côn Đảo..., nơi thực dân, đế quốc thi hành chế độ lao dịch hà khắc, với mục đích dùng sự khổ ải để khuất phục ý chí người Việt Nam yêu nước. Tại đây, những người con kiên trung, quả cảm của Tổ quốc không một phút giây nào buông xuôi, cam chịu chết dần mòn nơi tù ngục, từng ngày, từng giờ tìm mọi cách vượt qua xiềng xích, trở về với tự do, trở về với cách mạng.
Những câu chuyện, những kỷ vật, những bức ảnh là minh chứng hùng hồn cho niềm khao khát tự do được tái hiện trong triển lãm trưng bày "Khát vọng tự do" tại Di tích Nhà tù Hoả Lò.
Trải qua gần nửa thế kỷ, nhưng đối với những người cựu tù nhân chính trị, khoảng ký ức ấy vẫn hằn sâu trong tâm trí họ.
Trưng bày "Khát vọng tự do"
Với 3 phần nội dung, gồm: "Xiềng xích", "Tung cánh giữa màn đêm" và "Khúc ca hòa bình", trưng bày khắc họa rõ nét từng giai đoạn của hành trình vươn tới "Khát vọng tự do", từ khổ hạnh nơi lao tù, những kế sách vượt ngục thần kỳ đến thành tựu mà các cựu tù chính trị mang lại cho nhân dân, cho đất nước sau khi thoát khỏi lao tù.
"Khát vọng tự do" ấy đã góp phần hiện thực hóa hàng trăm cuộc vượt ngục, trong đó, không ít hành trình đã trở thành huyền thoại, như các cuộc vượt ngục năm 1932, 1945, 1951 tại Nhà tù Hỏa Lò với cái tên Thăng thiên (trèo tường), Độn thổ (chui cống ngầm), Vuốt râu hùm (đi qua cửa ngục); cuộc vượt ngục vào các năm 1941, 1943 tại Nhà tù Sơn La của các đồng chí: Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Lưu Đức Hiểu, Nguyễn Văn Trân; các cuộc vượt ngục giữa khơi xa tại Nhà tù Côn Đảo, Trại giam tù binh Phú Quốc năm 1965, 1969, 1971...
Trưng bày "Khát vọng tự do" tại di tích Nhà tù Hỏa Lò sẽ kéo dài đến hết tháng 7/2020.