Hào hùng không khí ngày 30/4 trong chương trình nghệ thuật “Hào khí Việt Nam”
Thực hiện: Nam Nguyễn | 28/04/2022
(Tổ Quốc) - Tối 27/4, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Chương trình nghệ thuật “Hào khí Việt Nam” kỷ niệm 47 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2022). Chương trình khẳng định tình yêu đất nước, ý chí bảo vệ độc lập chủ quyền và khát vọng kiến tạo đất nước Việt Nam hùng cường, hoà bình và hạnh phúc.
Tối 27/4, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Chương trình nghệ thuật “Hào khí Việt Nam” kỷ niệm 47 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2022).
Tham dự chương trình có: Ông Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Ông Phạm Tất Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Bà Nguyễn Thúy Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam…
Cùng đông đảo khán giả Thủ đô tới tham dự chương trình.
Ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc chương trình.
Tại chương trình, các đại biểu đã được xem lại những hình ảnh sống động đi cùng năm tháng đan xen mạch cảm xúc không quên về những giờ phút lịch sử trưa ngày 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập. Đó là những hình ảnh tái hiện được những năm tháng hào hùng của dân tộc.
Trong chương trình, khán giả được nghe những chia sẻ của nhà báo Trần Mai Hạnh, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam và nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam về những ngày tháng Tư lịch sử.
Nhà báo Trần Mai Hạnh nhớ lại: Trưa 30/4/1975 tôi tới được Dinh Độc Lập. Cờ chiến thắng vừa được cắm trên nóc Dinh Độc Lập. Tôi lao vào thu thập ngay các dữ kiện không thể thiếu của bài tường thuật: Mấy giờ chiếc xe tăng đầu tiên húc tung cánh cửa chính Dinh Độc Lập? Mấy giờ cờ chiến thắng được cắm trên nóc Dinh Độc Lập? Chiến sĩ cắm cờ tên gì? Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng như thế nào? Ta tuyên bố chiến thắng ra sao?
Nhà báo Trần Mai Hạnh chia sẻ: “Khi tôi đặt bút viết bài tường thuật, khung cảnh huy hoàng của bến Cảng Sài Gòn với hàng trăm đồng bào tay cầm cờ Mặt trận, cờ đỏ sao vàng và giơ cao ảnh Bác Hồ ùa ra đón đoàn Quân Giải phóng tiến vào bừng hiện ngay trước mắt. Và tôi đã viết những dòng chữ "Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng" làm tựa đề cho bài tường thuật. Bài tường thuật đó của tôi được đăng trên bản tin Đấu tranh thống nhất của VNTTX phát báo ngay trong đêm 30/4/1975 cũng với đầu đề "Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng".
Nhắc tới cuốn "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75", một cuốn sách vừa có giá trị về văn học vừa có giá trị về lịch sử và báo chí, Nhà báo Trần Mai Hạnh tâm sự: Lúc đó tôi nghĩ mình tham gia chiến dịch từ đầu, chứng kiến toàn bộ hành trình tiến về Sài Gòn, may mắn có mặt ở đó, vì thế tôi có ý tưởng phục dựng lại sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn từ phía bên kia, đó là phút lóe sáng định mệnh, gắn với tôi suốt hơn 40 năm qua… từ đó tôi tập hợp được khối tư liệu đồ sộ để tạo ra cuốn sách này.
Nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam chia sẻ lại về khoảnh khắc có mặt kịp thời và chụp được khoảnh khắc lịch sử xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, trưa 30/4/1975, đánh dấu thắng lợi trọn vẹn của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài hơn hai thập niên (1954-1975), giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Ông kể về khoảnh khắc tuyệt vời nhất khi chớp được bức ảnh lịch sử đã đi vào năm tháng: “Tôi đưa máy ảnh lên như một bản năng và nhãn quan của người phóng viên để kịp ghi lại một cách chân thật nhất trận chiến lịch sử của Quân đội ta.”
Trong số đó, ông ấn tượng nhất chính là bức ảnh “Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc lập trưa 30/4/1975” mà sau đó được chuyển sớm ra Hà Nội để Thông tấn xã Việt Nam phát đi và được các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước sử dụng rộng rãi; trở thành một biểu tượng quen thuộc của Đại thắng mùa Xuân 1975 cho đến ngày nay.
Cũng tại Chương trình, khán giả được chứng kiến những giây phút xúc động khi nhà báo Trần Mai Hưởng gặp lại người lái xe tăng và pháo thủ trong bức ảnh ông chụp năm xưa.
Được nghe cựu chiến binh Nguyễn Bá Tứ và cựu chiến binh Trần Bình Yên nhớ lại những năm tháng chiến đấu và thời khắc xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập. Đó là cuộc gặp gỡ bất ngờ với những cái ôm thật chặt giữa những người trở về từ cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam…
Ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tặng hoa cho hai nhà báo lão thành và hai cựu chiến binh- những nhân chứng lịch sử của ngày Đại thắng mùa Xuân 1975.
Cũng tại chương trình, khán giả được thưởng thức các tiết mục nghệ thuật đặc sắc, dàn dựng công phu với phần tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ nổi tiếng.
Kết cấu chương trình gồm 3 phần. Phần 1: Ký ức hào hùng với các ca khúc “Bài ca thống nhất”; “Lá đỏ”; “Bài ca hy vọng”; “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây”. Phần 2: Miền Nam nhớ mãi ơn Người với các ca khúc “Câu hò bên bờ Hiền Lương”; “Tiếng hát từ thành phố mang tên Bác”; “Miền Nam nhớ mãi ơn Người” ; “Đất nước trọn niềm vui”. Phần 3: Hào khí Việt Nam với các ca khúc “Tôi tự hào là tương lai Việt Nam”; “Có 1 niềm tin yêu”; “Tổ quốc ta cờ bay”; “Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam”.
Đặc biệt chương trình có sự góp mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng như NSND Tạ Minh Tâm; NSND Quốc Hưng; NSƯT Hoàng Tùng, Anh Thơ, Lan Anh, Phạm Thu Hà, Hoàng Hồng Ngọc, nhóm Mây, CLB Thiếu nhi Mini School, Hợp xướng Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Vũ đoàn Camellia. Cùng với đó, khán giả cũng được hòa mình vào những năm tháng chiến tranh thông qua phần giao lưu, phóng sự trong chương trình.
Chương trình nghệ thuật “Hào khí Việt Nam” được tổ chức nhằm khẳng định tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; là dịp bày tỏ lòng biết ơn đối với những thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập, thống nhất Tổ quốc, trong đó có đội ngũ những người làm báo cách mạng.
Qua đó, phát huy tinh thần và hào khí của Đại thắng mùa Xuân năm 1975; phấn đấu xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, cường thịnh.
Nhân dịp này, Ban tổ chức Chương trình cám ơn sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội, Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí, Tổng Công ty Phát điện 1.
Chương trình giao lưu nghệ thuật "Hào khí Việt Nam" đã đem tới cho khán giả Thủ đô một đêm nhạc đầy cảm xúc, ghi nhớ công ơn, luôn tự hào và kế tục thành công sự nghiệp cách mạng, xứng đáng với sự hy sinh cống hiến của các thế hệ đi trước.