(Tổ Quốc) - Thị trường lao động cứng nhắc và việc các công ty sa thải nhiều nhân viên hậu đại dịch Covid-19 khiến quá trình tìm kiếm việc làm mới tại Nhật Bản đang ngày càng khó khăn.
Theo tờ Nikkei Asia, đại dịch virus corona đã giáng một đòn nặng nề vào thị trường lao động Nhật Bản, với số người không có việc làm trong ít nhất một năm đã tăng lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu do Lehman Brothers sụp đổ hơn một thập kỷ trước.
Một cuộc khảo sát lực lượng lao động của Bộ Nội vụ và Truyền thông nước này cho thấy tỷ lệ thất nghiệp dài hạn (hơn một năm) đạt 640.000 người trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2021, tăng 31% so với cùng kỳ trước đại dịch.
Trong khi tình trạng thiếu hụt lao động đã đẩy tiền lương lên cao và đang dẫn đến lạm phát ở Mỹ thì vấn đề này hoàn toàn trái ngược tại Nhật Bản. Khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2021, số người không có việc làm trong hơn một năm tại Nhật Bản còn tăng vọt lên 720.000 người - cao hơn khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2019. Một quan chức của Bộ này cho biết, suy thoái kinh tế vào năm 2020 đã được phản ánh trong việc gia tăng tỷ lệ thất nghiệp dài hạn của năm tiếp theo.
Số lượng người sắp mất việc làm cũng có xu hướng gia tăng. Theo một phân tích của Bộ Lao động nước này, các khoản trợ cấp của chính phủ cho người sử dụng lao động để duy trì việc làm cho người dân đã giúp giảm 2,6 điểm phần trăm tỷ lệ thất nghiệp. Tuy nhiên, trong khi các khoản trợ cấp này có tác dụng hạn chế tình trạng thất nghiệp, chúng đã làm tăng số lượng người xin nghỉ phép.
Theo khảo sát đối với lực lượng lao động, những người nghỉ phép có lương đã tăng lên tới 2,11 triệu người trong năm 2021, tăng 330.000 người so với năm 2019. Điều này cho thấy các công ty đang giữ những người không làm việc trong bảng lương của họ, dẫn đến thị trường lao động thậm chí còn khó khăn hơn.
Tìm việc làm hiện rất khó khăn ở Nhật Bản đối với những người đã thất nghiệp. Trong số những người thất nghiệp dài hạn vào năm 2021, những người rời bỏ công việc trước đây vì lý do cá nhân đã tăng 20% so với năm 2019 và vì vấn đề từ người sử dụng lao động đã tăng 80%.
Chuyên gia Yoshio Ishimizu tại Đại học Kyoto Tachibana cho biết: "Khi cơ cấu ngành công nghiệp thay đổi trong bối cảnh đại dịch Covid-19, những người thất nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm công việc mới. Chính phủ cần tăng cường các biện pháp để giải quyết vấn đề này".