(Tổ Quốc) - Bạo hành bằng lời nói có thể để lại những tổn thương tâm lý đau đớn chẳng kém bất kỳ hành vi bạo hành thể chất nào. Lời nói có thể qua đi, nhưng những tổn thương trong tâm hồn sẽ còn mãi. Một đứa trẻ thường xuyên bị cha mẹ bạo hành bằng lời nói sẽ sống trong uất ức, sợ hãi, bi quan, trầm cảm, thậm chí có thể tự tử. Để gia đình thực sự là tổ ấm của những đứa trẻ, cha mẹ cần tôn trọng, yêu thương và đặc biệt là nơi chia sẻ khi các con gặp những va vấp đầu đời.
Những tổ thương vô hình
Sau kỳ thi vào lớp 10 vừa qua, tâm sự của một nam sinh thi trượt nguyện vọng 1 khiến mạng xã hội chấn động. Cậu bé viết trên trang facebook cá nhân: "Mọi người ơi, con trượt nguyện vọng rồi ạ... Năm nay con đặt nguyện vọng 1 là Yên Hoà, con thiếu 0,25 điểm để đỗ vào ngôi trường con ao ước bấy lâu. Mỗi chiều đi học về con luôn ghé qua trường, thầm mong một ngày sẽ trở thành học sinh của ngôi trường ấy.
Con là một học sinh khá giỏi, điểm luôn đứng nhất nhì lớp. Vậy nên khi biết con trượt Yên Hoà, cả thầy cô lẫn bạn bè đều rất sốc và tiếc nuối. Con cố tỏ ra rằng mình ổn nhưng con rất buồn, nghĩ rằng "giá như mình cẩn thận hơn một chút…". Chỉ 0,25 điểm thôi nhưng dường như cả thế giới trước mắt con như sụp đổ. Con biết con là con một nên bố mẹ kỳ vọng ở con rất nhiều.
Từ khi biết điểm, không khí trong gia đình con chùng xuống. Thầy cô và bạn bè động viên con, mong con học tốt ở nguyện vọng 2. Nhưng bố mẹ con thì khác, họ chẳng nhìn con lấy một lần. Bố mẹ con cho rằng con là một đứa trẻ thất bại, chỉ mỗi việc ăn học cũng chẳng xong, rất tốn tiền của bố mẹ, chẳng thà về quê cho lành.
Con chỉ biết lặng nghe và cắn rứt trong lòng. Con thậm chí chẳng nhận được một lời khen hay khích lệ từ họ - trong khi bố mẹ là người con yêu thương và tin tưởng nhất.
Con vẫn cảm thấy sụp đổ, nghi ngờ khả năng của bản thân. Con vẫn muốn được học tập, được giao lưu với bạn bè, còn bao nhiêu thứ con muốn trải nghiệm 3 năm tới. Nhưng bố cương quyết rằng con không có khả năng học tập, chỉ xứng hạng trường bét, không nên phí tiền bố mẹ. Cảm ơn mọi người đã lắng nghe con ạ!".
Đây là cậu bé còn có suy nghĩ tích cực, nhưng 1 cậu bé khác không nghĩ được như vậy, chỉ một ngày sau khi công bố điểm chuẩn kỳ thi vào lớp 10 THPT, cậu bé ở Đội Cấn đã nhảy cầu Long Biên tự tử. Chúng ta đã đọc nhiều thông tin trên báo chí, thậm chí chứng kiến những vụ việc đau lòng mà nguyên nhân xuất phát từ những lời trách mắng của bố mẹ đối với trẻ.
Sau những kỳ thi, không ít trẻ đã trầm cảm, khủng hoảng tâm lý vì bị chê trách, mắng mỏ, thậm chí chửi bới vì kết quả học tập không đạt như mong muốn của cha mẹ.
Cuối tháng 7 vừa qua, Khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E, đã tiếp nhận một nam sinh tại Hà Nội vào khám vì các rối loạn tâm thần do áp lực thi cử. Theo chia sẻ từ người nhà, sau kỳ thi vào lớp 10, học sinh này chán nản, không dám về nhà vì điểm số không như kỳ vọng. Sau đó, nam sinh dùng dao cắt tay và cổ để tự sát, gia đình phát hiện nên đưa em vào bệnh viện cấp cứu. Khi sức khỏe thể chất ổn định, bệnh nhân được chuyển qua điều trị sức khỏe tâm thần.
Theo ThS.BS Nguyễn Viết Chung, Trưởng khoa Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện E), sau mỗi mùa thi, số học sinh gặp các vấn đề rối loạn tâm thần do áp lực điểm số đến khám, điều trị tại khoa thường tăng lên. Những áp lực đã hình thành trong suốt quá trình học tập, ôn thi trước đó và việc điểm số không như mong muốn sẽ giống giọt nước tràn ly, khiến các em khởi phát những bệnh lý tâm thần với các biểu hiện như stress, lo lắng, lo âu, mất ngủ, suy nhược thần kinh. Trường hợp nặng hơn sẽ có những rối loạn trầm cảm, nặng hơn nữa là tìm tới tự sát, hủy hoại bản thân.
Năm nay, theo chỉ tiêu chỉ khoảng 60% học sinh tốt nghiệp lớp 9 được tuyển vào lớp 10 công lập. Với hơn 105.000 thí sinh dự thi tuyển sinh vào lớp 10, như vậy Hà Nội sẽ có khoảng 40.000 em bị “trượt” công lập. Cả nước sẽ có hàng trăm nghìn thí sinh không thể đỗ vào lớp 10 công lập. Đây có lẽ sẽ là cú sốc đầu đời quá lớn đối với những cô bé cậu bé ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”.
Trẻ cần sự nhẫn nại và yêu thương
Cha mẹ yêu thương và thường đặt cho con cái rất nhiều kỳ vọng, hi vọng, mong muốn con thành đạt, nhưng lại chưa từng hỏi qua cảm nhận của trẻ. Không ít cha mẹ luôn hà khắc, áp đặt con phải làm những việc mình mong muốn và sẽ la mắng, quát nạt khi trẻ trót phạm sai lầm. Chịu tổn thương, có trẻ sẽ thể hiện ngay bằng hành động, nhưng cũng có trẻ âm thầm chịu đựng. Những tổn thương từ bạo lực lời nói nhiều khi chúng ta không nhìn thấy được và nó sẽ ám ảnh, đeo bám trẻ trong suốt cuộc đời.
Bạo hành lời nói là một khái niệm ít người biết và thường bị bỏ qua với tâm lý cho rằng, con hư cha mẹ tức thì mắng chửi vài câu có sao đâu, trẻ sẽ quên ngay. Tuy nhiên, những người bị bạo hành lời nói (bạo lực ngôn ngữ) nhẹ thì có thể bị rối loạn tâm lý, nặng thì có thể dẫn xu hướng bạo lực với người khác hoặc hành vi tự sát.
Bạo hành lời nói có thể diễn ra và làm tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của một đứa trẻ, nhất là ở tuổi thanh thiếu niên. Trên thực tế, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc lạm dụng lời nói với trẻ có thể gây tàn phá về mặt cảm xúc như lạm dụng tình dục và khiến chúng dễ dàng rơi vào triệu chứng trầm cảm bởi nhiều tác động đến lòng tự trọng và khả năng tin tưởng. Và khi một đứa trẻ kìm nén cảm xúc quá lâu để sống sót sau nỗi đau của những ngôn từ do cha mẹ mình mang lại thì những hậu quả khôn lường sẽ xảy ra khiến cho bất cứ ai cũng đau lòng.
Cha mẹ nghiêm khắc với những hành vi sai trái của con là cần thiết, nhưng nếu thái quá, cực đoan sẽ gây ra hậu quả xấu. Chỉ có sự nghiêm khắc trong tình yêu thương cộng với sự nhẫn nại kiên trì dạy bảo con mới làm cho trẻ tôn trọng cha mẹ, có niềm tin vào cuộc sống và trở thành công dân tốt.
Tránh bạo hành lời nói với con, cha mẹ hãy: Nhận ra cảm xúc của mình; Thông cảm với con; Nghĩ về tình huống khác nhau; Lắng nghe con nói; Tích hợp tình yêu của bạn với những suy nghĩ tức giận; Chú ý phản ứng của cơ thể để bình tĩnh lại; Giữ sự chú ý của bạn về vấn đề hiện tại.
Bên cạnh đó, để phòng chống bạo lực trẻ em trong gia đình nói chung, bạo hành lời nói với trẻ nói riêng, chúng ta cần thiết đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống, triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình (Bộ tiêu chí) được Bộ VHTTDL ban hành đang được áp dụng trên cả nước. Nhằm đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội; khơi gợi tình yêu thương, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, làm nền tảng xây dựng cộng đồng hạnh phúc./.
Hồng Hà
*Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL thực hiện