• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hãy thắp lên ngọn lửa yêu thương bằng sức mạnh tập thể!

Thời sự 05/07/2021 13:30

(Tổ Quốc) - Từ xưa, ông cha ta đã quan tâm dạy dỗ con cháu những bài học đạo lý qua ca dao, tục ngữ câu “Thương người như thể thương thân” là một ví dụ điển hình. Đến nay, tinh thần ấy vẫn luôn được lan tỏa mạnh mẽ, bền bỉ, minh chứng là quan điểm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đó là phương châm sống có đạo lý của ngày hôm nay…

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của xã hội, công nghệ thông tin nói chung, các trang mạng xã hội nói riêng, nhất là Internet phát triển rất mạnh, đã và đang ảnh hưởng rất lớn (cả tích cực và tiêu cực) đến mọi hoạt động và sinh hoạt của con người. Nhờ có mạng xã hội, chúng ta dù ngồi một chỗ vẫn có thể nắm bắt được mọi chuyện xảy ra trên mọi miền đất nước và cả trên thế giới, trong đó, có những câu chuyện chan chứa tình người được lan tỏa rộng rãi.

Chuyên gia tâm lý An Việt Sơn từng chia sẻ rằng, thay vì than vãn về bóng tối, về cái xấu, cái ác, mỗi người hãy tự mình thắp lên ngọn lửa để đẩy lùi bóng tối. Những hành động đẹp, có trách nhiệm với cuộc sống dù bé nhỏ nhưng sẽ góp phần đẩy lùi cái xấu, cái ác, tiêu cực, bất công trong xã hội.

Hãy thắp lên ngọn lửa yêu thương bằng sức mạnh tập thể! - Ảnh 1.

Một công nhân vệ sinh đang ký tên vào danh sách nhận tiền hỗ trợ từ những người hảo tâm.

Gần đây nhất, nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001 - 28/6/2021), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có thông điệp gửi đến toàn thể các gia đình trên khắp mọi miền Tổ quốc, gia đình Việt Nam ở nước ngoài.

Trong thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, "mỗi người Việt Nam đều có gia đình nhỏ của riêng mình, song cũng có chung một gia đình lớn thiêng liêng chính là đất nước Việt Nam ngàn năm văn hiến. Tôi mong mỗi gia đình Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài không ngừng phấn đấu vươn lên, mỗi người dân Việt Nam hãy thể hiện cao nhất trách nhiệm công dân, trách nhiệm, tình cảm với người thân trong gia đình tiếp tục vun đắp, xây dựng gia đình thực sự là tổ ấm nhân lên những niềm vui, hạnh phúc, nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách, niềm tự hào, khát vọng cống hiến, trao truyền những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của dân tộc, là nguồn lực quan trọng góp phần phát triển đất nước Việt Nam thân yêu…".

Lời nhắn nhủ của Chủ tịch nước cho chúng ta thấy rằng, cuộc sống ngày càng hối hả và áp lực, nhưng không vì thế mà chúng ta quên đi trách nhiệm công dân vốn đã được hun đúc tự bao đời. Nó đã thành truyền thống ẩn chứa trong mỗi con người của hôm qua và cả hôm nay. Mỗi khi có hoạn nạn, khốn khó thì lòng nhân ái bừng dậy, lan tỏa một cách tự nguyện, tự giác nhằm san sẻ và gánh vác yêu thương.

Một minh chứng cụ thể là trong những ngày qua, chứng kiến hơn 200 gia đình công nhân thu gom rác ở Hà Nội phải trải qua những ngày khó khăn, cơ cực khi bị Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội nợ lương trong suốt 6 tháng, nhóm Thiện nguyện HẠT VỪNG và Soha đã cùng nhau chung tay kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ của các nhà hảo tâm trong xã hội.

Chỉ sau 24 giờ, nhóm đã nhận được hơn 1 tỷ đồng từ hàng nghìn chuyển khoản trên khắp cả nước. Và đến nay, sau 5 ngày đăng tải, số tiền quyên góp đã tăng lên hơn 2 tỷ đồng. Những người hỗ trợ bao gồm từ cụ già đến cháu bé, từ những khoản ủng hộ 30 nghìn đồng, 40 nghìn đồng đến 50 triệu đồng, từ người góp của đến người góp công… Tất cả đã dệt nên một tấm thảm lớn sẻ chia, xúc động và tử tế của tình người.

Hiện nhóm thiện nguyện đã và đang tiến hành các hoạt động hỗ trợ mức tiền phù hợp với từng gia đình nhằm cấp thiết giúp họ có tiền trang trải cuộc sống. Từ số tiền ủng hộ và dựa trên số liệu thống kê bước đầu là 276 công nhân, nhóm đã quyết định phân chia, giúp đỡ mỗi công nhân 5,9 triệu đồng.

Ngoài những phần quà bằng tiền mặt, theo thông tin từ nhóm Thiện nguyện HẠT VỪNG và Soha, đã có một số tổ chức, cá nhân ngỏ lời muốn tặng nhiều suất học bổng tiếng Anh, đồ dùng học tập, gạo, thực phẩm cho những gia đình công nhân khó khăn nhất. Bên cạnh đó, nhiều nhà hảo tâm khác xem xét bố trí việc làm vệ sinh cho một số công nhân và xin trực tiếp đến giúp đỡ một số gia đình công nhân khó khăn.

"Một miếng khi đói bằng một gói khi no", những món quà  mà các công nhân vệ sinh nhận được từ sự sẻ chia của các nhà hảo tâm tuy không quá nhiều nhưng cũng đủ giúp họ trải qua những ngày khó khăn, bĩ cực, đặc biệt là trong hoàn cảnh dịch bệnh. Và chắc hẳn mỗi người công nhân cũng như chúng ta đều thấy ấm lòng vì sự lan tỏa của tình người.

Đại dịch COVID-19 hoành hành trên thế giới, gây ra những tổn thất nghiêm trọng, làm đảo lộn đời sống, kinh tế, xã hội của đất nước ta. Nhưng cũng từ đây, chúng ta được chứng kiến nhiều hành động đẹp, nhân văn, tô đậm thêm truyền thống đoàn kết, yêu nước và nhân ái.

Chúng ta chứng kiến từng đoàn cán bộ, y, bác sĩ, chiến sĩ, sinh viên,... ở nhiều tỉnh, thành phố, đơn vị vẫn nối nhau tình nguyện lên đường đến với "tâm dịch" Bắc Giang để giúp đỡ chính quyền, người dân nơi đây khẩn trương khoanh vùng, dập dịch với quyết tâm "dịch chưa tan, chưa về". Một số y, bác sĩ đã phải gửi con nhỏ cho gia đình để lên đường chống dịch. Họ đi vào "cuộc chiến" với tinh thần quyết tâm chưa từng có. Nhiều người dân trong vùng cách ly đã tự "ngả lợn", hái rau chia sẻ cho nhau trong thời điểm khó khăn khi sản xuất, giao thương bị đình trệ. Rồi các bộ ngành, đơn vị, cá nhân tổ chức thu mua nông sản cho người dân vùng có dịch…

Có thể nói, truyền thống "Thương người như thể thương thân" đã hun đúc trong mỗi người con đất Việt và gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác, ở bất cứ nơi đâu, bất cứ vùng đất nào trên thế giới này. Truyền thống ấy càng tỏa sáng mỗi khi đất nước chúng ta gặp khó khăn như chiến tranh, thiên tai, bão lũ, dịch bệnh…

Thời gian qua, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã thể hiện trách nhiệm xã hội cao đẹp đối với đất nước bằng cách đóng góp vào Quỹ Vắc xin phòng, chống COVID-19. Hình ảnh những cụ già chắt chiu từng đồng lương hưu, những em nhỏ dành tiền ăn sáng… để ủng hộ Quỹ đã hằn sâu vào tâm trí chúng ta, lưu lại những ký ức vô cùng đẹp đẽ.

Hãy thắp lên ngọn lửa yêu thương bằng sức mạnh tập thể! - Ảnh 2.

Người dân Nghệ An thức trắng đêm gói bánh chưng để chuyển tới bà con vùng lũ. Ảnh: Nhân dân

Hẳn mỗi chúng ta đều không thể quên trận lũ lụt khủng khiếp tại miền Trung hồi tháng 10 năm ngoái. Khi đó, tinh thần tương thân tương ái đã củng cố sự gắn bó chặt chẽ giữa cộng đồng, đồng lòng cùng nhau vượt qua lũ lụt. Giữa tâm bão khắc nghiệt, nhiều hình ảnh đẹp đã được ghi lại, lưu giữ những khoảnh khắc ấm lòng, thể hiện sự quan tâm, hỗ trợ lẫn nhau của miền Trung và người dân cả nước. Nhiều đoàn từ thiện từ các doanh nghiệp đã không quản ngại đường xa đến vùng rốn lũ để trao tận tay những phần quà, giúp người dân vơi bớt khó khăn. Hàng trăm tấn hàng, nhu yếu phẩm được người dân, doanh nghiệp cả nước quyên góp, đưa vào miền Trung để cứu trợ đồng bào đang phải sống trong cảnh "màn trời chiếu đất".

Từ chính sách lớn của Đảng, Nhà nước đến nghĩa cử thiện nguyện của các tầng lớp nhân dân đều thẫm đẫm tình người. Truyền thống tương thân tương ái của dân tộc được thắp sáng hơn bao giờ hết, góp phần động viên, tiếp sức "khúc ruột miền Trung" vượt qua khó khăn, hoạn nạn.

Phải nói rằng, việc sử dụng mạng xã hội một cách đúng đắn và ý nghĩa sẽ đem lại những giá trị vô cùng to lớn nhờ sức lan tỏa của nó. Khi đó, những số phận cơ cực, khổ đau hay những bất công trong xã hội sẽ được chia sẻ, hỗ trợ, khắc phục bằng tài chính, vật chất, bằng ngọn lửa yêu thương qua sức mạnh của tập thể. Đây cũng là điều tâm huyết mà Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng mong muốn các cơ quan, đơn vị toàn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần chú trọng trong xây dựng chương trình hành động của mình trên tinh thần làm cho những giá trị văn hóa tốt đẹp được lan tỏa mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông, báo chí và từ đó đi vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội./.

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ