• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hé lộ lý do khiến Jeff Bezos không còn muốn làm CEO Amazon

Kinh tế 03/02/2021 12:38

(Tổ Quốc) - Hôm thứ Ba (2/2), gã khổng lồ trong lĩnh vực thương mại trực tuyến Amazon thông báo, trong năm nay, nhà sáng lập công ty Jeff Bezos sẽ rời khỏi chức vụ CEO – một vị trí ông đã đảm nhận trong gần 30 năm qua.

Người thay thế ông Bezos dự kiến sẽ là Andy Jassy. Ông Jassy hiện điều hành mảng kinh doanh đám mây điện toán của Amazon.

Trong một email gửi tới nhân viên, tỷ phú 57 tuổi cho hay, ông có kế hoạch tập trung vào các sản phẩm mới và những sáng kiến giai đoạn đầu được phát triển tại Amazon. Theo Bezos, ông sẽ dành nhiều thời gian hơn cho các dự án ngoài lề của mình, bao gồm cả công ty khám phá vũ trụ Blue Origin, các chương trình thiện nguyện và tờ báo The Washington Post.

Là cổ đông lớn nhất trong công ty, Bezos vẫn có ảnh hưởng sâu rộng tại Amazon. "Jeff thực sự không đi đâu hết", CFO của Amazon là Brian Olsavsky nói với báo giới. "Đây giống như là tái cơ cấu mà thôi".

Hé lộ lý do khiến Jeff Bezos không còn muốn làm CEO Amazon - Ảnh 1.

Nhà sáng lập kiêm CEO của Amazon Jeff Bezos (ảnh: Getty)

Ra đời vào năm 1995, Amazon là cái tên tiên phong trong vận chuyển hàng hóa nhanh và hiệu quả, với hàng triệu người dùng trung thành tìm đến trang web để mua từ bỉm sữa, ti vi cho tới tất cả những thứ khác. Dưới sự lãnh đạo của Bezos, Amazon cũng đưa vào hoạt động phần mềm đọc sách điện tử đầu tiên rất được ưa chuộng và thiết bị trợ lý ảo Echo của công ty có doanh số bán rất khả quan.

Khi còn là một đứa trẻ, Bezos đã luôn quan tâm tới máy tính và thích lắp những thứ như hệ thống báo cháy trong nhà. Ông có bằng đại học về kỹ sư điện tử và khoa học máy tính tại Đại học Princeton trước khi làm việc cho một vài công ty khác nhau tại phố tài chính Wall Street.

Bezos rời khỏi công ty D.E. Shaw để bắt đầu kinh doanh bán lẻ trực tuyến – mặc dù ban đầu ông được cho là không biết rõ mình sẽ bán cái gì. Tuy nhiên, không lâu sau đó, Bezos nhận ra một cửa hàng bán sách trực tuyến có thể sẽ hấp dẫn khách hàng. Ông và vợ cũ MacKenzie Scott (hai người gặp gỡ tại D.E.Shaw và kết hôn năm 1993), cùng lái xe đến Seattle – thành phố nổi tiếng với nguồn nhân lực công nghệ tài năng và gần với một nhà phân phối sách lớn tại Roseburg, bang Oregon.

Trên đường đi, Bezos đã hoàn thành kế hoạch kinh doanh cho trang web Amazon.com. Ông thuyết phục bố mẹ cũng như bạn bè đầu tư vào ý tưởng của mình và Amazon bắt đầu vận hành vào ngày 16/7/1995.

Amazon giờ đây đã đi rất xa so với thời bán sách giấy. Công ty tham gia sản xuất phim, làm sofa, sở hữu chuỗi siêu thị và thậm chí còn dự định phóng vệ tinh lên vũ trụ. Amazon cũng là một trong những công ty có giá trị lớn nhất toàn cầu, được định giá vào khoảng 1,7 nghìn tỷ USD.

Trong đại dịch COVID-19, gã khổng lồ là một trong số ít các nhà bán lẻ "ăn nên làm ra" do nhu cầu mua hàng trực tuyến tăng đột biến. Cùng ngày tin tức Bezos dự định rời bỏ vị trí CEO được công bố, Amazon cũng thông báo đạt lợi nhuận kỷ lục trong ba tháng cuối năm 2020 và lần đầu tiên doanh thu quý của công ty vượt mức 100 tỷ USD.

Về phần mình, cổ phần của Bezos tại Amazon được ước tính trị giá 180 tỷ USD. Trong nhiều năm ông điều hành công ty một cách kín đáo và chỉ gần đây mới bắt đầu xuất hiện trước công chúng khi tham dự các sự kiện công chiếu phim và các bữa tiệc Hollywood.

Năm 2019, Bezos thông qua Twitter thông báo ly dị với bà Scott ngay trước khi tờ National Enquirer đăng tải câu chuyện ông ngoại tình với một cựu dẫn chương trình trên TV. Sau vụ li dị trị giá tới 40 tỷ USD, bà Scott nhận được cổ phần tại Amazon và cam kết dành một nửa tài sản của mình cho các hoạt động từ thiện.

Trong khi ngày càng lớn mạnh, Amazon cũng phải đối mặt với viễn cảnh bị "để ý" nhiều hơn từ chính quyền. Thời gian qua, cùng với các công ty công nghệ lớn khác, Amazon hầu như không phải chịu quá nhiều ảnh hưởng của các ràng buộc pháp luật. Tuy nhiên, ưu đãi này đang dần thu hẹp. Tháng Mười năm ngoái, một báo cáo của Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ đã kêu gọi áp dụng các biện pháp khiến các gã khổng lồ công nghệ như Amazon gặp khó khăn hơn khi thu mua công ty; đồng thời triển khai các quy định mới để bảo hộ cạnh tranh.

Bezos cũng là một trong những nhà sáng lập công ty công nghệ lớn cuối cùng vẫn giữ vị trí CEO. Các nhà sáng lập của Google, Oracle và Microsoft đều đã rời bỏ vị trí đứng đầu các công ty mà họ đã tạo ra. Facebook hiện vẫn do nhà sáng lập Mark Zuckerberg điều hành.

Jassy, người dự kiến thay thế Bezos là một nhà điều hành lâu năm tại Amazon. Ông làm việc cho công ty từ năm 1997. Lĩnh vực đám mây điện toán mà ông nắm giữ đã cung cấp nền tảng vận hành cho Netflix và nhiều công ty khác. Nó cũng trở thành mảng kinh doanh đem lại lợi nhuận lớn nhất cho Amazon.

"Ông ấy rất thông hiểu về công nghệ và là một nhà điều hành dày dặn", nhà phân tích của Garnet là Ed Anderson nhận xét về Jassy.

Tuy nhiên, người kế nhiệm Bezos chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. "Quy mô của Amazon khiến một số ngành công nghiệp, một số chính phủ cảm thấy lo ngại, vì vậy Andy Jassy sẽ phải xử lý hậu quả của chúng", Anderson chỉ ra. "Đó sẽ là một kỷ nguyên lãnh đạo mới của ông ấy".


Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ