(Toquoc)-Chuyện các ‘đại gia’ vung tay đầu tư vào các dự án ‘khủng’ theo kiểu ‘ngẫu hứng’ và phải ngậm đắng thoái lui không còn hiếm
(Toquoc)-Chuyện các ‘đại gia’ vung tay đầu tư vào các dự án ‘khủng’ theo kiểu ‘ngẫu hứng’ hoặc chiến lược ‘lấp lửng’ đã không còn là chuyện lạ. Hệ quả là ít có dự án nào đem lại ‘quả ngọt’, đôi khi còn phải ngậm đắng thoái lui.
Quả ngọt thường bị sâu
Câu chuyện bắt đầu từ “đại gia” Tân Hiệp Phát thuộc ngành hàng nước giải khát. Có thể nói Tân Hiệp Phát đã quá nổi tiếng khi sở hữu hàng loạt thương hiệu ngành nước uống như Trà xanh không độ, Trà thảo mộc Dr. Thanh, nước tăng lực Number One… Tuy vậy, mới đây, cái tên Tân Hiệp Phát còn được biết đến khi công ty này làm chủ đầu tư dự án Khu công nghiệp và Cảng quốc tế mang cái tên quen thuộc “Dr. Thanh” tại Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam).
Việc vung hàng chục triệu USD vào cảng biển của Tân Hiệp Phát ngay trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp vô vàn khó khăn đã làm ngỡ ngàng giới đầu tư.
Ngay lập tức, ông Trần Quí Thanh, Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát trần tình. Theo ông Thanh, cảng biển cùng với hệ thống logistics là cách tạo ra giá trị cạnh tranh về giá thành sản phẩm, chuỗi cung ứng và xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, dự án còn đón đầu xu hướng đầu tư vào các khu kinh tế mới nổi ở miền Trung – mảnh đất được xem là rất tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống.
Các chuyên gia cho rằng, việc xây dựng cảng biển của Tân Hiệp Phát là có cơ sở khi Công ty Number One Chu Lai (Công ty con của Tân Hiệp Phát) đã khởi công xây dựng Nhà máy nước giải khát Number One Chu Lai tại Khu công nghiệp Bắc Chu Lai (Quảng Nam) với vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng. Nhà máy này có khả năng cung ứng hầu như tất cả các sản phẩm của Tân Hiệp Phát cho thị trường miền Trung và Tây Nguyên.
Tuy vậy, trong cái nhìn của giới đầu tư giàu kinh nghiệm, những “miếng mồi” béo bở từ “hậu dự án” cảng biển mới chính là mục tiêu của Tân Hiệp Phát, bởi trong gói đầu tư này, Tân Hiệp Phát sẽ được miễn tiền sử dụng đất khi đầu tư xong dự án. Không những thế, dự án công nghiệp và cảng biển thường đi kèm với cả một hệ thống hạ tầng đô thị và giao thông mà Tân Hiệp Phát chính là tác nhân trong đó.
Điều này có thể lý giải từ những người đi trước. Đơn cử như dự án Cảng biển quốc tế Long An (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) có diện tích gần 2.000 ha do Đồng Tâm Group và Tập đoàn tài chính VinaCapital liên kết đầu tư (mỗi bên góp 50% vốn). Dự án chính thức được ấn nút khởi công vào ngày 8/8/2010 với tổng vốn đầu tư chỉ riêng phần hạ tầng gần 1 tỷ USD.
Tại thời điểm ấy, ông Don Lam, Tổng Giám đốc VinaCapital cho rằng, cảng quốc tế Long An khi hoàn thành sẽ kết nối hai tuyến đường thủy nội địa có năng lực vận tải lớn cho ĐBSCL là TP.HCM - Kiên Lương (Kiên Giang) và TP.HCM - Cà Mau. Trong khi đó, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Đồng Tâm Group tin tưởng: “Dự án sẽ giúp xuất khẩu hàng hóa thẳng đến các thị trường lớn như Mỹ, EU, giảm chi phí trung chuyển và đảm nhiệm bốc xếp hàng hóa với công suất dự báo đến năm 2015 là 9,3 triệu tấn/năm”.
Thế rồi, chẳng mấy chốc sau đó, với con mắt đầu tư nhà nghề, VinaCapital đã chủ động “bỏ của chạy lấy người” để lại Đồng Tâm Group đơn độc gồng mình níu dự án. Và đến thời điểm này, dự án cảng quốc tế Long An cũng đã ngừng thi công.
Cũng mới đây, Tập đoàn Khang Thông đã làm giới đầu tư trong nước “choáng” khi tuyên bố liên doanh với nhà đầu tư đến từ Mỹ đầu tư dự án “khủng” - Khu phức hợp giải trí Happy Land. Dự án được khởi công vào ngày 14/2/2011 với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD. Phát biểu tại lễ khởi công, bà Phan Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Khang Thông cho biết, dự án sẽ góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân đồng thời tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động, đào tạo đội ngũ lành nghề cho ngành du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, hiệu ứng đằng sau dự án này mới là điều mà Khang Thông cũng như cá nhân bà Thảo quan tâm.
Được biết, tại thời điểm này dự án Happy Land đã ngừng thi công do thiếu vốn. Nguồn tin của PV cho biết, UBND tỉnh Long An đang xem xét rút giấy phép đầu tư dự án này. Và nếu như dự án này tạm dừng vô thời hạn hoặc phá sản, người bị thiệt hại nhiều nhất lại chính là những người nông dân mất đất (hầu hết đất của dự án là đất nông nghiệp).
Dự án Happy Land – “Xứ sở hạnh phúc” giờ chỉ vẫn “ngổn ngang gò đống”
Cái “giá” của sự mập mờ
Bài học từ Đồng Tâm Group và Khang Thông vẫn không làm “chùn chân” Tân Hiệp Phát. Vì sao vậy?
Theo nhiều chuyên gia, dự án Cảng quốc tế Long An chỉ là cái cớ để Đồng Tâm Group “hợp thức hóa” các dự án khu công nghiệp và đô thị liền kề. Tuy nhiên, Đồng Tâm Group đã không gặp thời khi mà thị trường bất động sản vỡ bong bóng và đóng băng dai dẳng. Điều này đã khiến chủ đầu tư Cảng quốc tế Long An buộc phải ngừng thi công dự án này.
Không những thế, những hệ lụy của nó đã khiến Đồng Tâm Group trở tay không kịp.
Cụ thể, năm 2010, tức trước thời điểm dự án Cảng quốc tế Long An được khởi công, doanh thu từ bất động sản của Đồng Tâm Group chiếm 13% tổng doanh thu. Chỉ một năm sau (2011), tỷ lệ này tụt xuống chỉ còn 4%. Thê thảm hơn, năm 2012, doanh thu của doanh nghiệp này đã sụt giảm tới 30% so với kế hoạch. Kết quả là Đồng Tâm Group bị lỗ 40 tỷ đồng, chưa kể công ty còn phải gánh lãi vay tăng từ 184 tỷ đồng năm 2011 lên đến 293 tỷ đồng năm 2012.
Rõ ràng, Đồng Tâm Group đã phải trả giá đắt bởi sự đầu tư mập mờ của mình.
Còn Happy Land thì sao? Dự án này được chủ đầu tư đặt cái tên “Xứ sở hạnh phúc” với kỳ vọng đây sẽ là một trong những dự án phức hợp vui chơi giải trí tầm cỡ thế giới.
Tuy nhiên, ngay sau khi khởi công (14/2/2011), việc kêu gọi đầu tư vào dự án này rất gian nan, nhất là nhà đầu tư ngoại. Đối với các nhà đầu tư đã ký hợp tác, tiến trình giải ngân rất chậm chạp; còn đối với các nhà đầu tư có tiềm năng, hầu hết đều rút lui sau khi tìm hiểu kỹ dự án. Điển hình là trường hợp của ông Joseph Walter Jackson (được biết đến là cha của cố ca sĩ Michael Jackson).
Đến thời điểm này, các nguồn tin cho biết chủ đầu tư dự án Happy Land đã hoàn toàn cạn vốn. Theo quan sát của chúng tôi, đại công trường Happy Land bây giờ không còn một bóng công nhân nào làm việc, chỉ còn lác đác vài người bảo vệ. Bên trong công trường, vật liệu xây dựng ngổn ngang, vắng bóng máy móc thiết bị.
Không những thế, có lẽ bởi hệ lụy của dự án này mà mới đây, Tập đoàn Khang Thông buộc phải ra công văn gửi các cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang để hoàn trả lại dự án Khu công nghiệp Bình Đông với diện tích 212 ha – vốn được xem là dự án béo bở mà Tập đoàn này đã dày công theo đuổi.
Dự án Cảng quốc tế Dr. Thanh của “đại gia” Tân Hiệp Phát thì sao, liệu có đi theo vết xe đổ của Đồng Tâm Group và Khang Thông? Có lẽ phải chờ thêm thời gian trước khi đưa ra ý kiến bình luận.
Nguyễn Lê